Nông nghiệp hữu cơ là yêu cầu tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Một là, phát triển nông sản thực phẩm hữu cơ (NSTPHC) để đáp ứng nhu cầu và cơ hội của thị trường hội nhập. Thực chất hội nhập là tái cấu trúc. Theo học thuyết “Hai bàn tay” (vô hình, hữu hình) NSTPHC có thị trường thật và hiệu quả thật.
Sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên (Ảnh: Quân Trang) |
Ở trong nước, toàn dân bất an nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tạo ra cơ hội thuận lợi thực phẩm hữu cơ. Phân khúc trung, thượng lưu, thị dân tăng nhanh, lượng khách du lịch trên 10 triệu người và sẽ cao hơn nữa tạo ra dư địa thị trường lớn. Nhu cầu thay thế nông sản thực phẩm nhập khẩu và ngăn bẩn vào trong nước rất lớn để tạo ra giá trị gia tăng chênh lệch giữa xuất siêu và nhập siêu.
Ở ngoài nước thị trường các nước phát triển, Bắc Âu, Bắc Á… NSTPHC tăng 10%/năm, quy mô 100 tỷ USD, hiệu quả tăng 30% trở lên... Tất cả thị trường đó làm cho nhu cầu NSTPHC tăng lên, cầu lớn hơn cung, là một trong những yêu cầu nội dung của tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hai là, phát triển NSTPHC là biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu, là xu thế tất yếu để phát triển bền vững.
Theo số liệu của tổ chức SNV (Hà Lan) ở Việt Nam, nông nghiệp đóng góp trên 40% khí phát thải nhà kính, trong đó 57,5% từ canh tác lúa, 17,2% từ chăn nuôi, thủy sản, 21,8% từ đất nông nghiệp, 3,5% từ đốt phế phụ phẩm nông nghiệp, đồng cỏ (2014). Tổ chức OECD đánh giá mức độ sản xuất nông nghiệp ở nước ta là “phú dưỡng” (2013); cả người, đất, cây, con đều “nghiện” thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh, phân hóa học, kháng sinh…Sự lạm dụng này gây hậu quả lâu dài nhiều thế hệ con người và sức chịu tải của môi trường đã đến mức báo động.
Ba là, phát huy lợi thế so sánh của nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng thương hiệu, hương vị Việt Nam.
Về lợi thế so sánh, nông nghiệp nhiệt đới, kinh tế biển, du lịch là những mũi nhọn kinh tế, miền Bắc bốn mùa, miền Nam hai mùa, kết hợp lại sẽ có những sản phẩm độc đáo đặc trưng Việt Nam.
NSTPHC và phi hữu cơ ATVSTP là những sản phẩm phục vụ hai chương trình mục tiêu quốc gia là xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (tiêu chí văn hóa), chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Một trong những tiêu chuẩn của nông thôn mới là sản xuất hàng hóa có bản sắc (dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần; nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét…) sản xuất có trách nhiệm và xây dựng môi trường đáng sống.
Bốn là, phát triển NSTPHC nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới.
Sau Đổi Mới nông nghiệp Việt Nam đã lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới về số lượng. Tuy nhiên, vị thế về chất lượng, giá cả, thương hiệu… còn ở mức trung bình và thấp, như vậy mới đạt ¼ vị thế. Cần chuyển năng suất sang chất lượng, NN hóa học sang NN sinh học, tăng trưởng nhanh sang phát triển bền vững.
Các FTA không chỉ là hiệp định kinh tế mà còn là giao thoa văn hóa, thẩm mỹ với thế giới bởi vì vị thế của nông nghiệp Việt Nam là có sản phẩm gì, chiếm lĩnh được thị trường nào. Đó chính là cái nhìn trong tương lai.
Giải pháp phát triển
Từ kinh nghiệm của các nước phát triển và từ các mô hình sản xuất NSTPHC đến xuất khẩu thành công của Lâm Đồng, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định… có thể nói rằng vấn đề nông nghiệp hữu cơ sau thị trường chủ yếu là cơ chế, chính sách, quản lý, định hướng chiến lược và chương trình hành động cụ thể…
Một là, lựa chọn chính xác sản phẩm, quy hoạch xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái thích hợp gắn du lịch và chủ thể tổ chức sản xuất NSTPHC theo hướng hàng hóa:
Hệ thống Khuyến nông, Khuyến công VAC tập trung phát triển ba nhóm sản phẩm chính là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ có thương hiệu cấp chủ lực quốc gia và vùng, địa phương như: thủy sản, rau (ăn lá, ăn củ, ăn quả, gia vị) quả, chăn nuôi (thịt, trứng, sữa, mật ong)…; một phần gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, gia vị, rượu, dầu thực vật… ; thực phẩm lâm sản, nấm, dược liệu, mỹ phẩm…
Thực phẩm hữu cơ là thương mại đỉnh cao, thông minh, là bản giao hưởng của hương vị, có chất lượng ngon nhất, giá càng ngày càng tăng. Ở các nước phát triển đều có vùng NSTPHC. Vùng và thương hiệu sản phẩm là điều kiện thành công của NSTPHC. Miền Bắc liên kết làng xã. Miền Nam liên kết huyện, vùng, tiểu vùng.
Coi doanh nghiệp là trung tâm trong chuỗi tổ chức sản xuất: Có 2 “ổ khóa” chủ yếu tạo ra thành công của Đổi Mới là NQ10 (1988) và luật Doanh nghiệp (2000). Tuy nhiên, chúng ta đã đi hết năng lực chính sách 1988, ý chí phát triển hiện nay cần coi doanh nhân là bộ phận đặc thù của lực lượng trí thức, là lực lượng sản xuất trực tiếp; doanh nghiệp là đầu tàu khắc phục hai yếu kém là tổ chức sản xuất lạc hậu và tổ chức thương mại bất cập. Làm sao các sản phẩm NSTPHC chiếm lĩnh trước hết kênh 2.000 siêu thị và trung tâm thương mại trong nước, sau đó lan tỏa ra kênh chợ truyền thống và xuất khẩu. Nhân rộng mô hình đội chuyên quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, đội bảo vệ thực vật và thú y ra toàn quốc. Chiến lược là ba thứ quân (DN, HTX, trang trại - hộ ). Chiến thuật là “đánh lấn” sinh học sang hóa học: an toàn, sạch, hữu cơ đẩy lùi dần thực phẩm bẩn.
Hai là, xây dựng chính sách ưu tiên cho sản phẩm NSTPHC. Hiện nay chúng ta mới có chính sách cho an toàn/GAP.
Có hai vấn đề quan trọng của NSTPHC là khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi các nhà máy NPK, xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ và sản xuất thuốc, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường theo nguyên tắc đầu tư công tư PPP với 2 lực lượng chủ lực là DN và hộ nông dân. Cần có chính sách xây dựng hệ thống canh tác từng sản phẩm, từng cây, con, từng vùng tin cậy, nhập giống và công nghệ hiệu quả; xây dựng hệ thống chứng nhận minh bạch, hệ thống thương mại theo chuỗi hợp lý.
Ba là, hoàn thiện quy tắc định chuẩn cho sản phẩm bằng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quản lý NSTPHC, xây dựng Bộ giáo trình quy chuẩn và hàng rào kỹ thuật là “cầu chì” ngăn nhập nông sản, thực phẩm bẩn…
Nâng Ban chỉ đạo VSATTP thành Ủy ban VSATTP Quốc gia như ngành Giao thông.
Đề nghị nên chỉ có một Văn phòng VSATTP thống nhất cho 3 Bộ (hiện nay Bộ NN-PTNT có 8 đầu mối, Bộ Công Thương có 3, Bộ Y tế có 2) và 3 Sở ở địa phương. Ở các nước phát triển chỉ có một đầu mối và không có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Lập đường dây nóng, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp ở các vùng giao thoa của các ngành Nông nghiệp/Công thương/Y tế/KHCN/Du lịch (Trung ương, địa phương) về ATVSTP.
Phối hợp hệ thống thông tin truyền thông, 300 đài phát thanh truyền hình và trên 30 triệu người truy cập Internet/ngày, và hệ thống Khuyến nông, Khuyến công để nâng cao nhận thức về ATVSTP đặc biệt là tư tưởng, triết lý, đạo lý văn hóa của sản xuất, tiêu dùng. Nguyên lý triển khai là dùng văn hóa, thông tin tốt để triệt tiêu thông tin xấu, văn hóa xấu.
“Vạch” phát triển mới của ngành nông nghiệp đòi hỏi phải thay đổi tư duy tăng trưởng cân bằng với tư duy phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp không bằng con đường hóa học hóa, xây dựng hệ thống canh tác nâng cao 2 giá trị của nông dân là năng suất lao động và văn hóa thẩm mỹ; nâng cao hai hàm lượng là khoa học công nghệ và chế biến, hai giá trị an toàn và dinh dưỡng trong sản phẩm nông sản thực phẩm.