Xuất khẩu gạo Việt Nam |
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Philippines, Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines (NEDA) và Bộ Ngân sách Philippines vừa ban hành Thông tư liên ngành số 01-2019 về việc hướng dẫn thi hành Luật số 11203, được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký ban hành ngày 15/2/2019.
Luật số 11203 xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu áp dụng đối với mặt hàng gạo, thay vào đó quy định các mức thuế nhập khẩu gạo như sau: Thuế suất đối với gạo nhập khẩu từ các nước trong ASEAN là 35%; thuế suất nhập khẩu trong hạn mức tiếp cận tối thiểu (MAV) 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 40%; thuế suất ngoài hạn mức tiếp cận tối thiểu (MAV) 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 180%.
Trong trường hợp trong nước xảy ra tình trạng thiếu lương thực, Ủy ban Quản lý MAV của Philippines có thể đề nghị Tổng thống điều chỉnh lại hạn mức tiếp cận tối thiểu nêu trên.
Như vậy, với việc ban hành Luật số 11203, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) chỉ còn chức năng dự trữ gạo quốc gia. NFA sẽ không còn chức năng quản lý và điều tiết đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại sản phẩm lương thực.
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 5/3/2019 bãi bỏ các giấy phép, giấy đăng ký do NFA cấp cho các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại, các công ty kinh doanh kho chứa, các nhà bán buôn, bán lẻ và các tổ chức liên quan khác có hoạt động liên quan đến mặt hàng gạo.
Như vậy, có thể hiểu là các hợp đồng nhập khẩu gạo vào Philippines phát sinh sau ngày 5/3/2019 sẽ không cần có giấy phép của NFA mà chỉ cần có Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật do Cục Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines cấp để được thông quan.
Trong quý 1 năm nay, Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, với lượng gạo xuất khẩu 549.433 tấn, đạt giá trị 215,84 triệu USD, tăng tới 210,3% về lượng và 172,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.