| Hotline: 0983.970.780

Phim lịch sử đâu chỉ cần những hình ảnh cổ trang

Thứ Bảy 30/04/2022 , 09:12 (GMT+7)

Điện ảnh Việt trong bối cảnh thích ảnh bình thường mới, có ba bộ phim lịch sử được công chúng chờ đợi là 'Trưng Vương', 'Quỳnh hoa nhất dạ' và 'Huyết rồng'...

Điện ảnh Việt trong bối cảnh thích ảnh bình thường mới, có ba bộ phim lịch sử được công chúng chờ đợi là “Trưng Vương”, “Quỳnh hoa nhất dạ” và “Huyết rồng”. Thế nhưng, thể loại phim lịch sử dường như vẫn còn gặp nhiều loay hoay trong giới nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Diễn viên Thành Lộc trong phim lịch sử 'Phượng Khấu'

Diễn viên Thành Lộc trong phim lịch sử "Phượng Khấu"

Phim lịch sử là cách gọi chung cho những bộ phim nói về cuộc đời của những nhân vật trong quá khứ. Phim lịch sử bao gồm cả phim về chính sử và phim về dã sử. Phim lịch sử được nhận diện bằng những hình ảnh cổ trang. Thế nhưng, cổ trang chưa đủ để làm nên phim lịch sử. Và thị trường phim đang cạnh tranh gay gắt hiện nay, lại không mấy độ lượng với những nhà làm phim muốn khai thác yếu tố lịch sử trên màn ảnh.

Không ai gọi bộ phim “Phạm Công - Cúc Hoa” là phim lịch sử. Bởi lẽ, “Phạm Công – Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm dài 4610 câu lục bát, được tác giả Dương Minh Đức Thị sáng tác cuối thế kỷ 18. Tuy nhiên, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan chuyển thể “Phạm Công – Cúc Hoa” thành kịch bản phim truyện và được đạo diễn Lưu Bạch Đàn dàn dựng, thì trở thành một bộ phim ăn khách vào năm 1989. Thực tế ấy chứng minh, để có những hình ảnh cổ trang thuyết phục khán giả không phải câu chuyện quá phức tạp. Cho nên, những lời ca thán về khó khăn bối cảnh hay trang phục để làm phim lịch sử, hoàn toàn không hợp lý.

Cùng thời điểm với bộ phim “Phạm Công - Cúc Hoa” có một bộ phim lịch sử nổi tiếng không kém là “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn Hải Ninh, với dàn diễn viên Thế Anh, Lê Vân, Thu Hà. Bộ phim “Đêm hội Long Trì” phản ánh giai đoạn suy tàn của chúa Trịnh cuối thế kỷ 18. Bộ phim “Đêm hội Long Trì” mà công chúng có thêm góc nhìn về vướng mắc giữa Trịnh Sâm và gia đình tuyên phi Đặng Thị Huệ. Sự thành công của bộ phim “Đêm hội Long Trì” nhờ dựa trên chất liệu có sẵn rất hấp dẫn từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Một bộ phim lịch sử ăn khách khác là bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ, đã giành được Cánh Diều Vàng 2012. Bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” quy tụ dàn diễn viên trẻ như Vân Trang, Khương Ngọc, Midu, Huỳnh Đông, Kim Hiền... với nội dung xoay quanh thảm án Lệ Chi Viên. Cốt truyện mạch lạc của bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” nhờ dựa theo tiểu thuyết “Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn.

Một trong những cơ sở để có phim lịch sử chính là nương tựa vào những tiểu thuyết lịch sử. Nhiều năm qua, tiểu thuyết lịch sử vẫn xuất hiện đều đặn, với những tác phẩm của các nhà văn như Hoàng Quốc Hải, Trần Thùy Mai, Phùng Văn Khai... nhưng không thấy đạo diễn nào động lòng.

Phim lịch sử không cần đắn đo giữa chính sử và huyền sử. Bởi lẽ, những phim lịch sử của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc lôi cuốn khản giả Việt Nam luôn xóa nhòa hai khái niệm chính sử và huyền sử. Chỉ cần có những thước phim đạt được giá trị thẩm mỹ, thì chính sử hay huyền sử, không còn là điều đáng bàn cãi. Bộ phim “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh phản ánh cụ thể cuộc đời của Lý Công Uẩn, còn bộ phim “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không nêu rõ giai đoạn nào, nhưng những hình ảnh về nước Đại Cồ Việt của cả hai bộ phim đều chinh phục người xem.

Hiện nay, có một tín hiệu đáng mừng là nhiều đạo diễn trẻ mong muốn được thử sức với phim lịch sử. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã có bộ phim “Phượng Khấu” đề cập đến 7 năm trị vì của vua Thiệu Trị, rất được khán giả yêu thích.

Với dự án phim lịch sử “Huyết rồng” đang triển khai, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thổ lộ: “Xu hướng làm phim lịch sử Việt hiện nay chủ yếu là tự phát nên sẽ khó lâu bền, cầm chừng là chủ yếu. Làm phim lịch sử nếu là tư nhân thì phải là tập đoàn lớn hoặc là chủ trương chiến lược văn hóa của cả quốc gia. Khi đó, sự đầu tư, quản lý, nguồn kinh phí từ nhà nước sẽ góp phần tạo ra một dòng phim lịch sử mang tính chính quy và bền vững hơn. Bây giờ, vì là tự phát nên mọi việc như lên ý tưởng, kêu gọi đầu tư, tự sản xuất, tìm kênh phát sóng… nếu không có đam mê lớn, các bạn trẻ rất khó để theo đuổi đường dài. Trong khi đó, các nền điện ảnh lớn xung quanh khu vực đã làm từ lâu bằng chính sách quốc gia để phát triển dòng phim này chứ không thể phó mặc cho tư nhân”.

Vì sao Cục Điện ảnh không đầu tư cho phim lịch sử? Bởi lẽ, phim lịch sử không chỉ đơn thuần là sản phẩm giải trí mà còn là công cụ truyền tải tinh thần dân tộc. Nhiều nhà làm phim tư nhân đã lường trước khó khăn, những vẫn đầu tư làm phim lịch sử như dự án “Trưng Vương” của Trương Ngọc Ánh hoặc dự án “Quỳnh hoa nhất dạ” của Thanh Hằng. Sự mạo hiểm của họ, chỉ có thể giải thích là đáp số của niềm đam mê.

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh bỏ ra 40 tỷ cho bộ phim “Trưng Vương” để ca ngợi chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, chia sẻ: “Người Việt có sẵn lòng yêu nước và bản sắc, ngay cả những tài liệu cổ sử Hán Nôm, ngôn ngữ tiếng nói, thì chỉ người Việt giải mã tốt nhất và chỉ người Việt mới có trách nhiệm tốt nhất với văn hóa Việt. Yếu tố nước ngoài có thể hỗ trợ kỹ thuật cho dự án nhưng cốt lõi phải là người Việt Nam. Chúng tôi quyết định phải thực hiện những sản phẩm điện ảnh đa dạng, phong phú và mang lại rất nhiều niềm cảm hứng cho hậu thế. Chúng tôi luôn tin khán giả yêu điện ảnh sẽ luôn sát cánh và ủng hộ chúng tôi”.

Bộ phim 'Trưng Vương' của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh.

Bộ phim "Trưng Vương" của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh.

Nếu nhìn bằng ánh mắt bàng quan của người ngoài cuộc, thì dĩ nhiên phim lịch sử Việt Nam vừa thiếu vừa yếu. Chúng ta không có sẵn phim trường như Trung Quốc hoặc Hàn Quốc để làm phim lịch sử. Hơn nữa, khi tư nhân tự bơi trong thị hiếu để làm phim lịch sử thì mọi thứ đều chắp vá và lúng túng.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: “Không ai mới sinh ra mà đã biết đi, biết chạy cả. Vậy phải làm nhiều thì thành quen. Nhiều người đi đường sẽ rộng dài hơn, lúc đó người làm phim sẽ có sự học hỏi lẫn nhau, nhìn nhau để làm. Khán giả được lựa chọn. Sự đổi mới trong tư duy sản xuất và phát hành phim lịch sử của các nhà sản xuất hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho đề tài phim sử Việt”.

Bao giờ Việt Nam mới có những bộ phim lịch sử đáng đồng tiền bát gạo? Câu hỏi ấy, thực sự không dễ trả lời. Bằng kinh nghiệm của người từng có bộ phim “Long thành cầm giả ca” được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn bày tỏ: “Các hãng phim tư nhân bỏ vốn ra làm phim nên phải tìm đến những đề tài giải trí hợp thị hiếu để mong thu hồi vốn, làm sao bắt họ mạo hiểm làm phim lịch sử. Chúng ta không thể trách họ được.

Làm phim lịch sử trăm bề khó khăn. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, thì việc người làm phim lịch sử gặp phải một số phản biện quá khắt khe và săm soi khiến nhà đầu tư dễ nản chí, không dám bỏ tiền ra làm nữa. Quả thực, không phải ai cũng làm được phim lịch sử vì buộc phải nghiên cứu, xem xét rất kỹ giai đoạn lịch sử đó.

Để thay đổi tình trạng khan hiếm phim lịch sử thì nhà nước cần phải đặt hàng sản xuất từ ngân sách nhà nước 100% hoặc chí ít 70% kinh phí. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần phải có chế độ khen thưởng thích đáng cho các nhà làm phim tư nhân mạnh dạn bỏ vốn ra làm phim về đề tài này mà thành công. Nhà nước không bỏ tiền đầu tư thì cần có chế độ khuyến khích họ làm”.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.