99% thị phần xuất khẩu của Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc là Trung Quốc. Mọi thay đổi về chính sách từ nước bạn đều sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của công ty.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, ngay từ những năm đầu của thập niên trước, Công ty Việt Phúc đã xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. Nhờ quan hệ rộng với đối tác Trung Quốc, ngay khi Tổng cục Hải quan nước này ban hành Lệnh 248, 249, bà Hương đã cho dịch và phổ biến tinh thần đến nhiều bộ phận trong công ty.
"Ở góc độ doanh nghiệp, tôi coi những thay đổi trong chính sách của quốc gia xuất khẩu là bình thường. Tôi từng sang Trung Quốc nhiều lần, và thấy rõ, rằng người dân nước này rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bao bì, quy cách đóng gói", bà Hương thông tin.
Lấy dẫn chứng về việc mới đây, Trung Quốc đã tăng 42% loại giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và tăng 16,7% số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới - cao gần gấp đôi so với số lượng tiêu chuẩn liên quan của Tiêu chuẩn quốc tế Codex, bà Hương cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang hoàn thiện nhiều luật, hướng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, qua thông tin tìm hiểu tại Văn phòng SPS Việt Nam, bà Hương hiểu rằng, khi tham gia vào WTO, các thị trường trong đó có Trung Quốc sẽ có những hướng dẫn hoặc thay đổi quy định về kiểm dịch động, thực vật, hoặc an toàn thực phẩm.
Hai Lệnh 248, 249, vì thế là "đòi hỏi hoàn toàn tự nhiên đối với các nhà xuất khẩu thực phẩm từ nước ngoài". Lãnh đạo Công ty Việt Phúc cho biết, chính những nhà sản xuất nội tại của Trung Quốc cũng phải tuân theo nhiều quy định về an toàn thực phẩm.
"Xã hội càng phát triển, con người càng phấn đấu đến những tiêu chuẩn mới, đáp ứng được xu thế của thời đại. Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy ấy, bởi tất cả sản phẩm muốn xuất khẩu và tham gia thị trường quốc tế đều phải chấp nhận cuộc chơi", bà Hương nói tiếp.
Ủng hộ những quy định mới, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhưng bà Hương cũng nêu hai băn khoăn về việc duy trì hoạt động trong quãng thời gian đầu năm 2022. Vấn đề thứ nhất, là việc công ty đã hoàn thiện thủ tục đăng ký trước ngày 1/11, nhưng hiện chưa thấy phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồi đáp.
Thứ hai, trong quy định của Lệnh 249, có yêu cầu về việc in mã số doanh nghiệp lên bao bì. Tuy nhiên, mã số này do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, và chưa chuyển cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến hạn áp dụng hai lệnh mới, các công ty trong nước lo ngại về khả năng trễ nhịp dây chuyền, có thể gây ùn ừ cục bộ.
Nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề, bà Hương cho rằng cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần có sự đồng hành, kết nối trong cả việc xây dựng vùng nguyên liệu, lẫn thương mại hóa sản phẩm. Theo bà, nền nông nghiệp cần làm tới đâu, bán tới đó, tránh tồn đọng trong việc tiêu thụ.
"Xu thế sống xanh, tiêu chuẩn xanh đang ngày càng trở nên bức thiết với mọi thành viên tham gia vào chuỗi giá trị. Tôi tin, những quy chuẩn văn minh, đúng đắn với người tiêu dùng sẽ giúp định hình các sản phẩm tốt cho người tiêu dùng", bà Hương nhấn mạnh.
8h30 ngày 6/11, Tổ Điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249).
Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử - https://nongnghiep.vn/ và hệ thống kênh lan tỏa trên mạng xã hội của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các địa chỉ:
https://www.youtube.com/c/NôngnghiệpVietNamOfficial
https://www.facebook.com/NongNghiepVietNamOnline/
https://www.facebook.com/groups/diendannn
Liên hệ tham dự:
+ Báo Nông nghiệp Việt Nam: Mr.Nam: 0974.488.808 (Zalo: Kết nối nông sản); email: cungcaunongsan@gmail.com
+ Văn phòng SPS Việt Nam: Ms. Linh: 37.00.50
+ Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp: Mr. Lập: 0943.92.99.68
+ Trường Quản lý Nông nghiệp và PTNT 2: Mr. Hải: 0986.118.118