| Hotline: 0983.970.780

Phổ biến, nhân rộng chuỗi giá trị cà phê bền vững do VnSAT tạo ra

Thứ Tư 01/12/2021 , 10:30 (GMT+7)

Tại Lâm Đồng, VnSAT là cầu nối giúp các hợp tác xã sản xuất cà phê, các doanh nghiệp chế biến kết nối với nhau tạo thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Những năm qua, dự án VnSAT được triển khai tại Lâm Đồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê. Đặc biệt góp phần kết nối giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp chế biến, rang xay tạo thành chuỗi, giúp nâng cao giá trị ngành hàng.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Lâm Đồng do Sở NN-PTNT Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện tại 08 huyện/thành phố về nội dung "hỗ trợ phát triển cà phê bền vững", thời gian thực hiện dự án 2015 - 2020 và đã được gia hạn đến hết năm 2022.

Mục tiêu của dự án là hướng đến tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác cà phê bền vững.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Vùng triển khai dự án VnSAT thuộc 8 huyện/thành phố gồm 35 xã/phường/thị trấn; quy mô 16.500 ha cà phê và 15.000 hộ nông dân tham gia. Dự án kêu gọi thành lập 41 tổ chức nông dân, trong đó có 7 HTX và thành lập mới 34 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững.

Dự án VnSAT tại Lâm Đồng được triển khai và có khoảng 56.392 người tham gia, được hưởng lợi. Diện tích áp dụng biện pháp canh tác cà phê bền vững đạt 14.303 ha, vượt so với mục tiêu 10.000 ha. Nông dân tham gia dự án đã tăng lợi nhuận 20,73% so với trước khi tham gia dự án và tăng 21,28% so với nông dân ngoài vùng dự án (mục tiêu dự án là 20%).

Dự án VnSAT đã góp phần thế nào trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành hàng cà phê ở địa phương, thưa ông?

Thời gian qua, dự án đã hỗ trợ, phổ biến kỹ thuật cho người dân trồng cà phê thông qua chương trình đào tạo nông dân theo phương pháp lớp học tại đồng ruộng (FFS) kết hợp với việc xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân thực hành.

Nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hạt cà phê. Năng suất bình quân năm 2016 là 2,5 tạ/ha nâng lên 31,9 tạ/ha năm 2019 và 32,1 tạ/ha năm 2020. Nông dân tham gia dự án đã tăng lợi nhuận 20,73 % so với trước khi tham gia dự án và tăng 21,28 % so với nông dân ngoài vùng dự án.

Dự án VnSAT đã hỗ trợ, phổ biến kỹ thuật cho người dân trồng cà phê thông qua chương trình đào tạo nông dân theo phương pháp lớp học tại đồng ruộng. Ảnh: Minh Hậu.

Dự án VnSAT đã hỗ trợ, phổ biến kỹ thuật cho người dân trồng cà phê thông qua chương trình đào tạo nông dân theo phương pháp lớp học tại đồng ruộng. Ảnh: Minh Hậu.

VnSAT cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, 41 tổ chức nông dân tham gia dự án VnSAT được tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành nhóm, kỹ năng khai thác thông tin thị trường, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng, quản lý tài chính... Củng cố và xây dựng các mô hình tổ chức nông dân trong khuôn khổ dự án VnSAT do Bộ NN-PTNT ban hành. Các mối liên kết dần dần bền chặt hơn trong nội bộ tổ chức nông dân, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu mua sản phẩm.

Đồng thời hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất cà phê tại địa phương như xây dựng sân phơi, nhà kho, nâng cấp đường giao thông nông thôn nối vào khu vực sản xuất cà phê của tổ chức nông dân góp phần thuận tiện cho việc chuyên chở vật tư nông nghiệp, sản phẩm thu hoạch… kết nối đầu vào - đầu ra trong chuỗi sản xuất.

Việc hỗ trợ tổ chức nông dân đầu tư máy sấy, máy sơ chế cà phê góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt cà phê nhân, theo đánh giá của các tổ chức nông dân đã đầu tư thì hiệu quả mang lại cao hơn nhiều lần so với việc phơi cà phê hoặc bán cà phê tươi như trước đây.

Ông đánh giá thế nào về việc dự án VnSAT đã thực hiện các mô hình sản xuất, chế biến, kết nối doanh nghiệp theo chuỗi giá trị cũng như sự lan tỏa của dự án?

Dự án VnSAT Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ 44 tổ chức nông dân nằm trong vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh với các mô hình HTX/Tổ hợp tác sản xuất cà phê tập trung, gồm khoảng 14.000 hộ nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

Dự án đã hỗ trợ HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê có năng lực về hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy sơ chế… giúp các HTX, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình chế biến cà phê, nâng cao chất lượng cà phê.

Thời gian qua, VnSAT là cầu nối giúp các HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê và các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến, rang xay kết nối với nhau tạo thành chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án VnSAT đã phổ biến, nhân rộng chuỗi giá trị cà phê bền vững. Ảnh: Minh Hậu. 

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án VnSAT đã phổ biến, nhân rộng chuỗi giá trị cà phê bền vững. Ảnh: Minh Hậu. 

Với vùng triển khai dự án, ban đầu tại 8 huyện/thành phố trọng điểm trồng cà phê của tỉnh với 35 xã/phường/thị trấn tham gia, quy mô 16.500 ha/15.000 hộ nông dân là không đáng kể so với tổng diện tích cà phê của tỉnh. Tuy nhiên quá trình thực hiện, dự án VnSAT đã lan tỏa cho nhiều nông dân có cơ hội tiếp cận dự án. Đến nay đã có 56.392 người hưởng từ dự án.

Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo, truyền thông…, kết quả thực hiện các mô hình trình diễn, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hàng hóa thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng cho tổ chức nông dân được biết đến rộng rãi và nhân rộng với nông dân trong các huyện/xã.

Xin ông cho biết quan điểm của địa phương về việc phát triển và việc nhân rộng những kết quả của dự án VnSAT đối với ngành hàng cà phê của địa phương hiện tại và tương lai?

Theo quan điểm của tôi, việc triển khai thực hiện dự án VnSAT tại địa phương là rất hiệu quả và thiết thực với nhu cầu, định hướng phát triển ngành hàng cà phê tại tỉnh. Đây là dự án cấp quốc gia, được thiết kế, chỉ đạo xuyên suốt từ cấp Trung ương đến từng địa phương, huy động đội ngũ tư vấn kỹ thuật từ các cục, vụ, viện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT các tỉnh… để hỗ trợ kỹ thuật cho dự án.

Quy trình kỹ thuật sản xuất, tái canh cà phê bền vững của dự án được phê duyệt và áp dụng cho toàn dự án, các tiêu chí đánh giá sản xuất, tái canh cà phê bền vững được đưa ra và thống nhất từ ban đầu làm cơ sở để điều tra, đánh giá định lượng về mức độ áp dụng quy trình kỹ thuật của nông dân sau khi dự án đào tạo. Kết quả đánh giá nông dân hằng năm được sử dụng để nhắc nhở nông dân trong quá trình đào tạo tiếp theo.

Dự án VnSAT ở Lâm Đồng mang lại lợi ích lớn cho người trồng cà phê và có sức lan tỏa mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Dự án VnSAT ở Lâm Đồng mang lại lợi ích lớn cho người trồng cà phê và có sức lan tỏa mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Tư duy của nông dân trong vùng triển khai dự án VnSAT đã dần thay đổi qua từng năm, nông dân đã thấy được hiệu quả khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật được khuyến cáo, ví dụ như không bón nhiều, bón thừa lượng phân đạm hóa học, tăng cường phân hữu cơ… để giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu, lượng phân cần thiết cho cây phát triển.

Hiểu biết của nông dân ngày càng sâu rộng, sẵn sàng áp dụng cái mới, cái hiệu quả hơn, mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm, đầu tư máy sấy, máy sơ chế cà phê… để nâng cao hiệu quả đầu tư, hiện đại hóa trong nông nghiệp, theo đúng định hướng, chiến lượt phát triển cà phê của tỉnh.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện dự án quá ngắn (khoản 5 năm) và mất hơn 1 năm đầu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách và bắt đầu hỗ trợ từ năm thứ 2 đến năm thứ 5. Người nông dân hay bảo thủ theo cách làm cũ của gia đình, khi cái mới vừa định hình xong thì dự án kết thúc, nguy cơ người dân quay trở lại với cách làm cũ là rất lớn.

"Tôi đề xuất dự án nên thiết kế kéo dài 7 - 8 năm đối với cây công nghiệp và cây ăn quả để có đủ thời gian thay đổi và duy trì tập quán canh tác của người dân và cũng đủ thời gian để theo dõi và đánh giá hiệu quả đầu tư từ dự án.

Nếu không kéo dài hoặc không có dự án mới tiếp nối theo sau, tôi đề nghị sau khi dự án kết thúc, Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các tỉnh tiếp tục sử dụng các kết quả từ dự án để nhân rộng mô hình thành công, vận dụng các nguồn lực nhà nước và tư nhân, phối kết hợp giữa các đơn vị trong Sở, trong tỉnh để tiếp tục thực hiện và duy trì nhân rộng các mô hình thành công từ dự án VnSAT". 

(Ông Nguyễn Văn Châu)

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.