| Hotline: 0983.970.780

Giảm mạnh lượng lúa giống gieo sạ, thay đổi tập quán cánh tác nhờ VnSAT

Thứ Năm 18/11/2021 , 06:30 (GMT+7)

Nhiều nông dân ở ĐBSCL đã giảm mạnh lượng lúa giống gieo sạ, thay đổi tập quán canh tác nhờ tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT.

Giảm giống để giảm chi phí

Vụ lúa đông xuân (ĐX) 2021 - 2022, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch gieo trồng 76.500ha. Hiện giá vật tư nông nghiệp đã tăng ở mức khá cao, nếu không có các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào thì chắc chắn nông dân sản xuất sẽ không có lợi nhuận.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vận động nông dân áp dụng các giải pháp về giảm giống (80 - 100 kg/ha), sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm nhất có thể, ưu tiên nhân rộng áp dụng các gói kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", IPM….

Tham gia Dự án VnSAT đã giúp nông dân giảm mạnh lượng lúa giống gieo sạ, tạo điều kiện để họ chọn mua lúa giống có chất lượng, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia Dự án VnSAT đã giúp nông dân giảm mạnh lượng lúa giống gieo sạ, tạo điều kiện để họ chọn mua lúa giống có chất lượng, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia Dự án VnSAT từ nhiều năm qua, các xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Long (ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã được tập huấn kỹ thuật, thực hành rất thuần thục các kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" trong sản xuất lúa.

Phó Giám đốc HTX Tân Long, ông Nguyễn Văn Thích cho biết, HTX có diện tích canh tác 138ha và diện tích liên kết với nông bên ngoài 700ha. Trong đó, diện tích được tham gia vào Dự án VnSAT là 708ha (138ha của HTX và 570ha liên kết với nông dân).

Theo ông Thích, vụ lúa ĐX 2021 - 2022, xã viên HTX sẽ đồng loạt gieo sạ theo lịch khuyến cáo đợt 1 của ngành nông nghiệp, cụ thể từ 20 - 26/11 này. Hiện nay, nông dân đã chuẩn bị sẵn lúa giống, phân bón sử dụng cho cả vụ.

Các giống lúa được chọn gieo sạ là RVT, Đài Thơm 8, OM18, ST24, ST25… Nhờ tham gia Dự án VnSAT, nên nông dân ở đây đã giảm mạnh lượng giống gieo sạ, trung bình hiện chỉ ở mức 120 kg/ha, so với mức hơn 150 kg/ha trước đây.

Với việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng máy gieo hạt, đã giúp nông dân trong vùng Dự án VnSAT giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 150 - 200 kg/ha, xuống chỉ còn 80 kg/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Với việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng máy gieo hạt, đã giúp nông dân trong vùng Dự án VnSAT giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 150 - 200 kg/ha, xuống chỉ còn 80 kg/ha. Ảnh: Trung Chánh.

“Xã viên và các hộ dân liên kết làm lúa theo quy trình hữu cơ. Chúng tôi chọn 2 giống lúa ST24 và ST25 để sản xuất. HTX sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng để chế biến gạo đóng túi cung ứng cho thị trường.

Quy trình gieo sạ sẽ giảm lượng lúa giống xuống chỉ còn 100 kg/ha đối với gieo sạ, còn cấy máy hoặc máy gieo cụm (gieo khóm) ở mức 60 - 80 kg/ha. Giảm giống, sạ thưa sẽ giúp việc giảm phân bón, thuốc BVTV và tưới tiết kiệm hiệu quả. Đây là tiền đề để giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, giữ vững lợi nhuận trong bối cảnh giá vật tư tăng cao như hiện nay”, ông Thích chia sẻ.

Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Hậu Giang cho biết, dự án được triển khai trên địa bàn các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, Thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh, có 32 xã tham gia, với 69.000 người được hưởng lợi.

Đến nay, số nông dân được đào tạo và áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" vào canh tác là 21.645 hộ/21.976ha (mục tiêu là 17.000ha); tập huấn kỹ thuật "1 phải 5 giảm" là 14.278 hộ/14.680ha (mục tiêu 9.500ha). Diện tích canh tác lúa gạo bền vững có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp khoảng 6.200ha.

Hỗ trợ hạ tầng để sản xuất bền vững

Tại Hậu Giang, dự án đặt mục tiêu có ít nhất 16 tổ chức nông dân/HTX kiểu mới, với diện tích canh tác tối thiểu 500 ha hoặc 500 hộ xã viên. Đến nay, đã có nhiều tổ chức nông dân được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng,  phục vụ cho sản xuất đạt hiệu quả hơn, nhất là trong việc quản lý nước, tưới tiết kiệm…

Đây cũng là điều kiện cần thiết để nông dân mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ, tránh bị mất giống do ngập úng cục bộ, ốc bươu vàng phá hại do không chủ động trong quản lý nguồn nước.

Hiện nay, hạ tầng sản xuất lúa ở ĐBSCL, nhất là giao thông nội đồng còn hạn chế, rất cần đầu tư của các dự án nhằm giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, hạ tầng sản xuất lúa ở ĐBSCL, nhất là giao thông nội đồng còn hạn chế, rất cần đầu tư của các dự án nhằm giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

HTX Nông nghiệp Vị Thắng (ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) là đơn vị được hưởng lợi nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng từ Dự án VnSAT. Trước đây, khi gặp thời tiết bất thường gây thiếu nước tưới hoặc ngập úng cục bộ, đã gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất lúa của bà con nông dân. Do đó, việc được đầu tư trạm bơm điện, cống kết hợp để chủ động trữ nước nhằm phục vụ tưới tiêu khi sản xuất sẽ giúp việc canh tác lúa được bền vững.

Hiện HTX đã được đầu tư xây dựng mới cống, trạm bơm điện, kết hợp với cống hở hiện hữu của HTX sẽ góp phần phục vụ sản xuất lúa không chỉ cho người dân ở xã Vị Thắng mà còn cho cả khu vực giáp ranh (ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Tường) được tốt hơn.

Tương tự, HTX Nông nghiệp Danh Tiến (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ), cũng được chọn để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm cống, máng tưới tiêu, lộ giao thông nội đồng và lò sấy, nhà kho chứa lúa.

Ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc HTX Nông nghiệp Danh Tiến cho biết: Các công trình được triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động, đã giúp nông dân canh tác lúa bền vững hơn theo mục tiêu mà Dự án VnSAT đã đề ra.

Lúa hàng hóa làm ra đảm bảo được chất lượng sau thu hoạch, dễ tiêu thụ. Đồng thời tránh trường hợp nông dân bị thương lái ép giá mỗi khi mùa thu hoạch đến, vì đắt rẻ gì cũng phải bán. Bây giờ, nông dân hoàn toàn có thể trữ lại chờ giá tốt hơn mới bán nên lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Phúc, đến nay tỉnh đã thực hiện hoàn thành 13 gói thầu xây lắp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa cho các tổ chức nông dân tham gia Dự án VnSAT, với tổng giá trị hợp đồng hơn 90 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn thực hiện hoàn thành 11 gói thầu mua sắm thiết bị, gồm 9 lò sấy lúa và 2 máy cuộn rơm. Từ đó, góp phần tạo điều kiện giúp nông dân chủ động trong sản xuất, ứng phó hiệu quả với thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra.

Tại Kiên Giang, Dự án VnSAT được triển khai trên địa các các huyện: Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành, U Minh Thượng và TP Rạch Giá. Diện tích nằm trong vùng dự án là 30.813ha, trải rộng trên địa bàn 22 xã của các địa phương nói trên, với 16.283 hộ nông dân tham gia, hưởng lợi.

Tham gia dự án, nông dân được tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến vào đồng ruộng, như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Nhờ đó, đã giúp nông dân giảm mạnh lượng lúa giống gieo sạ, phân đạm, thuốc BVTV, tăng năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Hòa tham gia Dự án VnSAT, được đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho đơn vị làm dịch vụ tốt hơn cho bà con xã viên, nhất là khâu bơm tưới. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Hòa tham gia Dự án VnSAT, được đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho đơn vị làm dịch vụ tốt hơn cho bà con xã viên, nhất là khâu bơm tưới. Ảnh: Trung Chánh.

HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) là đơn vị được Dự án VnSAT chọn đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất hiệu quả. Ông Đoàn Văn Bấu, Giám đốc HTX cho biết, nhờ được đầu tư 1,3km đường bê tông giao thông nội đồng, kè chống sạt lở bờ sông, cống máng bơm tưới được kiên cố hóa, đã tạo điều kiện cho đơn vị làm dịch vụ tốt hơn cho bà con xã viên.

Việc chủ động trong bơm tát tưới tiêu, không chỉ tiết kiệm nước tưới mà còn giúp giảm mạnh lượng lúa giống gieo sạ hiệu quả do hạn chế bị thất thoát đầu vụ. Việc vận chuyển lúa từ đồng ruộng khi thu hoạch về lò sấy, kho chứa cũng rất thuận tiện, không còn bị lầy lội, lúa sạch đẹp, đảm bào giữ được chất lượng.

Sau thời gian triển khai, áp dụng thực tế vào đồng ruộng, Dự án VnSAT đã giúp hàng trăm ngàn hộ nông dân ở ĐBSCL thay đổi tập quán canh tác lúa truyền thống, chuyển từ mục tiêu đầu tư nhiều để đạt năng suất cao sang giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh tế.

Trong giai đoạn gia hạn của Dự án VnSAT, tỉnh Hậu Giang có 10 tiểu dự án đầu tư công được triển khai thực hiện. Cụ thể, có 8 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển lúa gạo bền vững, thuộc địa bàn các xã hoặc liên xã tại các huyện, thị, thành phố được chọn tham gia dự án. Ngoài ra, còn có 2 dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê bảo vệ vùng sản xuất lúa, thuộc địa bàn xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành và xã Vị Tân, TP Vị Thanh.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm