| Hotline: 0983.970.780

Sức lan tỏa lớn từ chương trình VnSAT

Thứ Tư 16/09/2020 , 06:00 (GMT+7)

Các mô hình điểm của dự án VnSAT ở vùng cà phê Tây Nguyên có sự phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi ra cộng đồng.

Các mô hình tái canh của dự án VnSAT tại Đăk Lăk phát huy hiệu quả nên người dân quan tâm, học hỏi. Ảnh: Minh Hậu.

Các mô hình tái canh của dự án VnSAT tại Đăk Lăk phát huy hiệu quả nên người dân quan tâm, học hỏi. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân tin tưởng vào dự án

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Đăk Lăk cho biết, Đăk Lăk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nhì của 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, dự án VnSAT đã đầu tư cho các vùng cà phê trọng điểm theo quy hoạch của tỉnh. Trước đây, những vườn cà phê chưa được sự đầu tư từ dự án VnSAT thì hiệu quả rất thấp, năng suất thường ở ngưỡng 3-3,5 tấn nhân/ha. Khi được dự án đầu tư, năng suất đã tăng lên rõ rệt, có nơi lên đến 5 tấn nhân/ha. Dự án đã khuyến khích bà con tái canh cà phê một cách bền vững, tập huấn cho bà con kỹ thuật canh tác mới.

“Thời gian qua, chúng tôi đã đào tạo, tập huấn cho bà con chương trình FFS với từ 5.000-6.000 hộ dân mỗi năm. Chúng tôi cũng liên hệ với trung tâm khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật tập huấn cho khoảng 20.000 người, 52 tổ chức nông dân với 22.000ha cà phê vùng dự án”, ông Nguyễn Quốc Hoàn chia sẻ và nói thêm, trong kế hoạch, tỉnh Đăk Lăk đề ra tái canh 5.000ha cà phê và đến giờ phút này đã đạt được 95% kế hoạch.

Khi VnSAT đầu tư vào, bà con nông dân tin tưởng dự án và đi theo dự án để thực hiện tái canh bền vững. Những năm gần đây, dù thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là mùa khô kéo dài nhưng cà phê ở các mô hình vẫn xanh tốt, phát triển mạnh mẽ nhờ hệ thống tưới tiết kiệm.

Từ khi dự án định hình ở Đăk Lăk, việc chú trọng vào phát triển bền vững cà phê được các cơ quan chức năng phối hợp cùng VnSAT thực hiện. Công tác về giống cây trồng được đẩy mạnh và cụ thể là đầu tư phát triển 16 vườn ươm tư nhân, trong đó có 2 vườn giống đầu tư cho Viện WASI và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk. Do vậy, cây giống chất lượng cung cấp ra cho bà con khoảng 3-4 triệu cây/đợt phục vụ tái canh.

“Dự án là tiền đề, cơ hội để bà con thay đổi cách canh tác. Dự án lên kế hoạch tái canh 5.000ha cà phê và người dân thấy việc này hiệu quả nên đã chủ động đồng hành cùng dự án. Người dân đến tham khảo mô hình, lấy cây giống chất lượng về và làm theo. Phải nói rằng sức lan tỏa của dự án rất lớn. Bà con nông dân rất phấn khởi vì các mô hình này đều mang đến hiệu quả cao. Ngoài ra, các mô hình về tưới tiết kiệm cũng được người dân đón nhận và lan tỏa mạnh mẽ. Cụ thể là VnSAT thực hiện 100ha cho bà con vùng dự án nhưng bà con đã tự nhân rộng ra thành 4.000ha”, ông Nguyễn Quốc Hoàn thổ lộ.

Chương trình dự án VnSAT ở Đăk Nông giúp nhiều tổ chức nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Chương trình dự án VnSAT ở Đăk Nông giúp nhiều tổ chức nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Hoàn, việc tập huấn cho bà con nông dân cũng được cán bộ dự án thực hiện một cách linh hoạt. Những năm đầu, việc tập huấn thường diễn đạt bằng lý thuyết tại hội trường với toàn bộ thời gian. Tuy nhiên, về sau, việc diễn đạt này chỉ thực hiện 50% thời gian tại hội trường còn 50% thời gian còn lại là trao đổi, tư vấn trực tiếp tại vườn cây, mô hình điểm. Do vậy, người được tập huấn tiếp cận nhanh kiến thức và việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, nhờ được tập huấn nên ý thức của người dân về phát triển nông sản sạch và bảo vệ môi trường được cải thiện. Ở Đăk Lăk, bà con từng có thời gian lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác nên gây ra nhiều hệ lụy. Dự án VnSAT đã giúp bà con nâng tầm kỹ thuật sản xuất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết, không phun tràn lan trên toàn bộ diện tích vườn như trước mà chỉ thực hiện với những cây bị sâu bệnh.

Trong khi đó, ông Phạm Hùng Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông cho biết, hiện nay, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp bà con và các tổ chức nông dân hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích và góp phần tăng giá trị trên diện tích sản xuất đối với cà phê. Ở hạng mục hỗ trợ tái canh, do được tổ chức tốt nên giúp người dân mạnh dạn trong việc chuyển đổi, tái canh cà phê ở các diện tích già cỗi, hiệu quả kinh tế kém, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Tại Đăk Lăk, dự án VnSAT có sức lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Tại Đăk Lăk, dự án VnSAT có sức lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Vỹ, dự án đã hỗ trợ về hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích 103ha cà phê. Mô hình này không chỉ giúp người dân tiết kiệm nước, chăm sóc tốt cho cây trồng mùa khô hạn mà còn giúp họ giảm chi phí phân bón, chi phí chăm sóc vườn, nâng cao lợi nhuận.

“Hiện nay, dự án đã có những tác động hiệu quả, gúp nông dân tăng lợi nhuận. So sánh giữa vùng dự án và ngoài dự án thì tăng xấp xỉ khoảng 13-14%, đây là dấu hiêu tích cực. Hiện nay, người dân cũng hiểu nhận thức rõ các tác động tích cực của dự án nên những hộ ngoài phạm vi hỗ trợ cũng học hỏi, làm theo”, ông Phạm Hùng Vỹ chia sẻ. 

Mong dự án tiếp tục đầu tư cho nông dân

Tại Đăk Nông, dự án VnSAT đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả. Dự án cũng thúc đẩy việc hình thành các vùng ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác mới. Hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của tỉnh Đăk Nông và ngành nông nghiệp địa phương.

“Trong thời gian tới, căn cứ trên những hiệu qủa đạt được dự án sẽ phát huy tối đa những mô hình đã được xây dựng. Đây là những điểm nhấn, hạt nhân mà VnSAT phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để nhân rộng mô hình cũng như các công nghệ đã được xây dựng trong quá trình hoạt động của dự án để nhân rộng thật nhanh các mô hình này. Để tăng hiệu quả các hoạt động của dự án thì VnSAT Đăk Nông cũng đề xuất Ban Quản lý VnSAT Trung ương cũng như Bộ NN-PTNT xem xét, đề xuất gia hạn dự án để hỗ trợ nông dân, các tổ chức nông dân tại địa phương”, Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông nêu kiến nghị.

Sân phơi cà phê của một hợp tác xã tại Đăk Nông vừa được dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Minh Hậu.

Sân phơi cà phê của một hợp tác xã tại Đăk Nông vừa được dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk cho hay, đến thời điểm này, dự án VnSAT đã đạt được trên 95% kế hoạch đề ra và số tiền đầu tư cho bà con ít nhưng hiệu quả lại đạt được gấp đôi.

“Đây là cách làm rất hay. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị dự án đầu tư cho bà con chủ yếu về cơ sở hạ tầng, các khu sản xuất lớn như làm đường kết nối từ vùng sản xuất này với vùng sản xuất kia để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn. Ở Đăk Lăk có nhiều vùng trọng điểm cà phê nhưng đường đi lại giữa những vùng này lại rất khó khăn. Do vậy, chúng tôi kiến nghị để dự án được đẩy nhanh”, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Đăk Lăk thổ lộ.

Tỉnh Đăk Nông có khoảng 130.000ha cà phê và có khoảng 106.000ha nằm trong vùng Dự án VnSAT. Trong thời gian qua, dự được triển khai ở 6 huyện và TP Gia Nghĩa đã giúp người dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật và áp dụng một cách hiệu quả vào sản xuất.

Thời gian qua, VnSAT Đăk Nông hỗ trợ, thành lập được 57 tổ chức nông dân gồm các Hợp tác xã và Tổ hợp tác. Đào tạo, tập huấn được trên 11.000 người, tương đương với diện tích trên 15.000ha cà phê sản xuất bền vững. Hỗ trợ về các hoạt động cho 11 tổ chức nông dân về đào tạo, tập huấn, xây dựng cơ sở hạ tầng nhà kho, sân phơi, đường điện, máy móc thiết bị. Hỗ trợ vốn tái canh khoảng 427 tỷ đồng, tương đương 1.103 khoản vay và tương đương 2.411ha cà phê.

Đăng Lâm

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm