| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh cho cá chim vây vàng nuôi lồng bè trên biển

Thứ Sáu 08/12/2023 , 20:20 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Do đặc tính vùng nuôi là ven biển mở nên cá chim vây vàng thường nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm, nếu không biết chữa trị hợp lí, thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.

Nhiều hộ dân ở Cát Bà nuôi cá chim vây vàng. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân ở Cát Bà nuôi cá chim vây vàng. Ảnh: Đinh Mười.

3 loại bệnh phổ biến

Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, có khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện nay, tại Việt Nam loại cá này đã được sản xuất giống nhân tạo thành công nên hoàn toàn chủ động được nguồn giống để đưa vào nuôi thương phẩm.

Cùng với việc chủ động được nguồn giống, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp dạng viên và có giá bán thương phẩm tương đối cao thì đây là loài nuôi đầy triển vọng có thể phát triển nuôi thương phẩm ở quy mô công nghiệp.

Tuy vậy, do đặc tính vùng nuôi là ven biển mở nên cá chim vây vàng thường nhiễm các bệnh như nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và virus. Nếu người nuôi không có biện pháp đề phòng hợp lí, dịch bệnh xảy ra thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Mỹ Hạnh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, qua nghiên cứu cho thấy, trong các bệnh mà cá chim vây vàng mắc phải, có bệnh tỷ lệ chết rất cao, có bệnh hiện chưa có biện pháp trị bệnh hiệu quả nên người dân hết sức lưu ý.

Đơn cử, như bệnh bệnh do ký sinh trùng, khi cá đạt kích cỡ từ 4-14cm thường có tỷ lệ chết cao, từ 60-80% nếu không phát hiện sớm và trị bệnh kịp thời.

Cá mắc bệnh sẽ có biểu hiện giảm ăn, một số cá bơi tách đàn nổi bề mặt lồng, màu sắc trên thân không đồng đều, chỗ sáng màu chỗ tối màu, mất nhớt. Thậm chí một số con vây đuôi, vây bơi bị cụt.

Khi phát hiện cá nuôi nhiễm bệnh cần giảm 30-50% khẩu phần ăn tùy vào cỡ cá bệnh và cường độ nhiễm, cá càng bé lượng thức ăn giảm nhiều hơn cá lớn, cường độ nhiễm càng cao thì tỷ lệ thức ăn giảm càng lớn.

Do đặc tính vùng nuôi là ven biển mở nên cá chim vây vàng thường nhiễm các bệnh như nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và vi rút. Ảnh: Đinh Mười.

Do đặc tính vùng nuôi là ven biển mở nên cá chim vây vàng thường nhiễm các bệnh như nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và vi rút. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, người nuôi cần tắm cá bằng nước ngọt, thời gian tắm 7-10 phút và có sục khí trong quá trình tắm. Sau 2, 5, 10 ngày tắm lặp lại cho cá, trong trường hợp không có nước ngọt, có thể sử dụng formalin (100-150ppm) trong 7-10 phút (có sục khí), có tắm lặp lại tương tự như nước ngọt, đồng thời tốt nhất thay được lưới lồng. Trước khi tắm nước ngọt hay formaline không cho cá ăn.

Với bệnh vi khuẩn sẽ gây ra hiện tượng cá lở loét tổn thương vùng thân sau thời gian ngắn giảm ăn. Các thương tổn này đã làm cơ thể cá bệnh biến dạng và gây chết chết rải rác; tỷ lệ chết tích lũy quan sát được có thể đạt từ 30-70% cá nuôi.

Khi phát hiện cá nhiễm bệnh, lập tức giảm ăn 20-50% số lượng thức ăn hàng ngày trong ngày cá bệnh. Sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 7 ngày. Loại kháng sinh lựa chọn dựa vào kết quả lập kháng sinh đồ với vi khuẩn thu được từ cá, dựa vào đường kính vòng vô khuẩn lựa chọn loại kháng sinh phù hợp có hiệu quả diệt khuẩn cao nhất.

Với bệnh vi rút, cá có biểu hiện bơi lờ đờ ở mặt nước hoặc chìm xuống đáy lồng, bơi không định hướng, nhảy lên khỏ mặt nước. Đặc biệt, cá cỡ nhỏ (<5cm) thân có màu đen tối. Đối với cá nhiễm Iridovirus, cá bệnh bơi tách đàn, nổi lên bề mặt hoặc chìm xuống đáy lồng. Cá bệnh thường chết về ban đêm hoặc sáng sớm.

Với loại bệnh này, hiện chưa có biện pháp trị bệnh hiệu quả, tuy nhiên khi cá nhiễm bệnh cần thực hiện các kỹ thuật hợp lí sẽ giảm tỷ lệ cá chết. Người nuôi cần giảm thức ăn 30-50% khẩu phần trong 7-10 ngày, đồng thời bổ sung Vitamin C vào thức ăn.

Cá chim vây vàng có giá trị kinh tế cao, được người dân quan tâm. Ảnh: Đinh Mười.

Cá chim vây vàng có giá trị kinh tế cao, được người dân quan tâm. Ảnh: Đinh Mười.

Phòng hơn chữa

Cũng theo Tiến sĩ Trương Thị Mỹ Hạnh, để phòng bệnh tốt cho cá chim vây vàng, người nuôi cần chọn mua giống cá từ các trại sản xuất uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc kết quả phân tích của cơ quan ban ngành có liên quan cách thời điểm lấy giống không quá 7 ngày.

Với việc thả giống, tốt nhất vào thời gian tháng 3-5 hàng năm, hạn chế thả vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau đối với khu vực nuôi miền Bắc.

Người nuôi lưu ý, không thả cá giống quá bé, cỡ cá thả nuôi có chiều dài không nhỏ hơn 5cm/con (tối ưu 6-8cm/con). Trước khi thả cá 1-2 ngày cần kiểm tra độ mặn ở lồng nuôi để có kế hoạch thuần cá trước khi chuyển cá ra lồng nuôi nếu độ mặn ở bể ương cá tại trại sản xuất có sự chênh lệch.

Qúa trình nuôi nên định kỳ tắm nước ngọt cho cá hàng tháng, đặc biệt lưu ý ở miền Trung cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, tháng 8 và tháng 11, trong khi đó miền Bắc vào tháng 3, 7 và 8. Đây là thời điểm được xác định là mùa cá thường nhiễm bệnh. Thời gian tắm 5-10 phút, có sục khí trong suốt quá trình tắm. Đồng thời theo dõi biểu hiện của cá để điều chỉnh thời gian tắm.

Khi cá có biểu hiện bất thường (chết ở đáy lồng), bơi lờ đờ, giảm ăn, xuất hiện tổn thương ở trên thân….cần triển khai thu mẫu phân tích các chỉ tiêu nghi ngờ ký sinh trùng, virus, vi khuẩn và mô bệnh học.

Ở thời điểm cá nhiễm ký sinh trùng, cần thay lưới lồng (mặc dù lưới chưa đến kỳ thay), nhằm tránh trứng, ấu trùng và ký sinh trùng bám ở lưới lồng cũ sẽ nhiễm lại cá sau khi cá được tắm xử lý trị bệnh.

Người dân Cát Bà thu hoạch cá chim vây vàng bán cho thương lái. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân Cát Bà thu hoạch cá chim vây vàng bán cho thương lái. Ảnh: Đinh Mười.

Theo tìm hiểu, những giải pháp phòng, chữa bệnh cho các chim vây vàng sau khi được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I hoàn thành đã áp á dụng thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang. Các mô hình nuôi áp sụng đều cho kết quả tốt, tỷ lệ cá chết do bệnh giảm, năng suất tăng.

Với quy trình giám sát môi trường và phòng trị bệnh cá chim vây vàng nuôi lồng trên biển được trình bày chi tiết các bước hoạt động, kỹ thuật đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ phổ biến, nhân rộng, đặc biệt phù hợp với người có kinh nghiệm trong sản xuất nuôi thương phẩm cá chim vât vàng ở lồng trên biển.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và nhiều địa phương ven biển đã xây dựng quy hoạch nuôi biển và có nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, nhiều đối tượng nuôi được quan tâm trong đó có cá chim vây vàng.

Vì vậy, quy trình công nghệ giám sát môi trường và bệnh ở cá chim vây vàng có cơ hội và triển vọng lớn trong việc chuyển giao, mở rộng sản xuất trong thời gian tới, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá 6 - 7 USD/kg, khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước đây, cá chim vây vàng có phân bố tự nhiên ở vùng biển Việt Nam nhưng rất ít khi bắt gặp. Năm 2003 Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I đã tiến hành nhập cá hương từ Đài Loan về nuôi thành cá giống. Từ đó mở ra triển vọng nghề sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm loài cá có giá trị kinh tế này.

Xem thêm
Xử lý lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm trên sông Tắc, sông Quán Trường

UBND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chỉ đạo xử lý tình trạng tái lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm không đúng quy định trên sông Tắc, sông Quán Trường.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất