| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống bênh khảm lá sắn gặp khó khăn kép

Thứ Năm 18/10/2018 , 15:50 (GMT+7)

Giá củ sắn lên rất cao đến 3.500-3.700 đồng/kg, 1 ha năng suất 30 tấn thu lãi khoảng 50 triệu, cao gấp 3-4 lần so cây mía và cao su. Vì vậy...

Vì vậy, mặc dù bệnh khảm lá sắn đang hoành hành, nhưng người dân vẫn đua nhau trồng, đồng thời lại không chịu tiêu hủy diện tích nhiễm bệnh.

Đó là "khó khăn kép" đặt ra tại hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn” diễn ra tại tỉnh Tây Ninh ngày hôm qua (17/10).

Hội thảo chuyên đề: “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn” ngày 17/10 tại Tây Ninh

Theo Cục BVTV, tính đến ngày 9/10, diện tích sắn bị bệnh khảm lá lên đến gần 40 ngàn ha trải dài trên 12 tỉnh ở phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Trong đó, Tây Ninh được cho là bị nặng nề nhất, với diện tích nhiễm bệnh 34 ngàn ha, trong đó nhiễm nặng 7.000ha, diện tích phải tiêu hủy trên 300ha.

Theo ông Lê Quốc Cường (Trung tâm BVTV phía Nam - Cục BVTV), cái bí giải quyết công tác phòng chống dịch hiện nay là, mặc dù có phun thuốc tiêu diệt được con bọ phấn trắng nhưng bệnh do virus vẫn còn nằm trong cây, trong hom giống, mà bệnh do virus thì không có thuốc chữa.

“Trong khi nông dân lại có tập quán tự lưu giống sắn nên ngành chức năng rất khó kiểm tra chất lượng giống. Nguy hiểm nhất ở những vườn, cây sắn bị nhiễm bệnh nhẹ do chưa có biểu hiện ra bên ngoài nên nông dân vẫn lưu lại giống, và khi hom sắn mọc mầm mới có biểu hiện bệnh thì họ không tiêu hủy, khiến tình hình bệnh lây lan và nghiêm trọng hơn”, ông Cường cảnh báo.

Cũng theo ông Cường, một số nơi, công tác chỉ đạo phòng chống bệnh chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức và phong trào. Đặc biệt, việc sắp xếp thay đổi về tổ chức đối với hệ thống BVTV cơ sở ở một số tỉnh cũng làm ảnh hưởng đến công tác báo cáo, chỉ đạo phòng chống bệnh mà điển hình như Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Bình Phước đang trong quá trình hợp nhất về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Sở NN-PTNT (ghi nhận tại tỉnh này đã có trên 400ha sắn bị nhiễm bệnh - PV). Ngoài ra, trong danh mục thuốc BVTV vẫn chưa có thuốc được đăng ký phòng trừ bọ phấn trắng trên cây sắn.

Tây Ninh được mệnh danh là “vương quốc sắn”, hiện có các loại giống trồng phổ biến là KM94, KM419, KM140 và HLS 11, trong đó HLS 11 đã được ngành NN chỉ đạo cấm mua bán, nhưng thực tế thì việc mua bán vẫn diễn ra công khai, 1 bó hom giống (khoảng 20 cây giống) đang mua bán ngoài thị trường giá 20 ngàn đồng, bởi ưu điểm giống cho NS và hàm lượng bột khá cao, nên dù biết là giống nhiễm bệnh, người dân vẫn bất chấp để trồng.

15-06-47_2
Nông dân đang rất cần các giống sắn có khả năng kháng bệnh tốt, đặc biệt là bệnh khảm lá

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Tây Ninh, hiện tại chính quyền địa phương chưa thể áp dụng các biện pháp chế tài để buộc các hộ có diện tích sắn nhiễm bệnh phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Lý do, diện tích sắn bị nhiễm lớn, liên quan đến cả chục ngàn hộ dân, trong đó bao gồm cả địa bàn biên giới, chính quyền không thể xử lý bằng biện pháp cưỡng chế, bởi sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

“Hầu hết các giống sắn trồng trên địa bàn tỉnh đều đã mẫn cảm với bệnh. Tuy nhiên thực tế là ngành chức năng chưa có giải pháp để ngăn chặn người nông dân thu gom cây sắn nhiễm bệnh sử dụng làm giống. Lý do chính là các điểm bán cây hom giống chủ yếu là tự phát và theo thời vụ, họ không có đăng ký kinh doanh nên chúng tôi cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý và xử lý”, ông Hồng nói.

Chúng ta chưa có giống sắn kháng với bệnh khảm lá. Trung tâm chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất có 2 giống sắn là HLS 12 và HLS 14 rất có triển vọng, so với giống cũ là HLS 11 thì năng suất cao gấp rưỡi, đạt 50 tấn/ha, hàm lượng bột 27-29%. Dự kiến sang năm 2019 sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép khu vực hóa. Tuy nhiên 2 giống này có mẫn cảm nhiễm bệnh khảm lá hay không thì chúng tôi chưa dám khẳng định.

(Ông Nguyễn Hữu Hỷ, GĐ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Hưng Lộc - Viện KHKTNN miền Nam)

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.