| Hotline: 0983.970.780

Phong Điền công bố các xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên

Chủ Nhật 31/12/2023 , 08:08 (GMT+7)

Ngày 28/12, UBND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ công bố 2 xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện là Mỹ Khánh và Trường Long.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cho lãnh đạo 2 xã Mỹ Khánh và Trường Long của huyện Phong Điền. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cho lãnh đạo 2 xã Mỹ Khánh và Trường Long của huyện Phong Điền. Ảnh: Kim Anh.

Xã Mỹ Khánh được biết đến là địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là cây ăn trái gắn liền với du lịch sinh thái miệt vườn. Do đó, trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương này lựa chọn hình mẫu là “Giao thông gắn với cảnh quan môi trường và phát triển du lịch sinh thái”.

Ông Nguyễn Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh phấn khởi cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn xã có gần 20km đường liên ấp được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ đó, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa, phục vụ du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài ra, toàn xã Mỹ Khánh đã hình thành 13 điểm du lịch, trong đó có 3 điểm được Hiệp hội du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu là: Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Đề và Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Hàng năm, các điểm du lịch này thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Tuyến đường trung tâm dẫn vào xã nông thôn mới kiểu mẫu Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đường trung tâm dẫn vào xã nông thôn mới kiểu mẫu Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Trong khi đó, tại xã Trường Long, việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tập trung vào tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Địa phương chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với xu thế thị trường và đặc trưng của địa phương.

Ngoài ra, xã đã thành lập 4 HTX nông nghiệp, với nhiều hoạt động hiệu quả, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con xã viên. Cũng có HTX đã thành công trong việc đưa sản phẩm xuất khẩu sang các thị thường khó tính ở Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đến nay, TP Cần Thơ đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – Ông Nguyễn Ngọc Hè ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Mỹ Khánh và Trường Long đã đạt được. Đóng góp chung vào thành tích của TP Cần Thơ chào mừng kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc trung ương.

Ông Hè đánh giá, chặng đường hơn 13 năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của xã Mỹ Khánh và Trường Long đã có nhiều thay đổi tích cực. Hệ thống điện, đường, trường, trạm và cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khá khang trang, đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nhất là, kinh tế các địa phương qua các năm phát triển tốt, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ khá giàu ngày càng nhiều. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của hai xã đã vượt chỉ tiêu quy định, cụ thể xã Mỹ Khánh là 77 triệu đồng/năm/người và xã Trường Long là 76,8 triệu đồng/năm/người.

Hiện nay, xã Trường Long đã xây dựng được 2 vùng nguyên liệu tập trung với 2 sản phẩm nông sản chủ lực là vú sữa và chanh không hạt, tổng quy mô 85ha. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, xã Trường Long đã xây dựng được 2 vùng nguyên liệu tập trung với 2 sản phẩm nông sản chủ lực là vú sữa và chanh không hạt, tổng quy mô 85ha. Ảnh: Kim Anh.

Để giữ vững chất lượng các tiêu chí, đảm bảo sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Hè đề nghị các địa phương tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Từ đó giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân.

Song song đó, các địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng chất cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất của người dân. Tập trung phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất an toàn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2021 – 2025, lựa chọn các sản phẩm có lợi thế, phù hợp với điều kiện của xã để chỉ đạo xây dựng mô hình và nhân rộng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất