| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ tổng hợp sâu keo mùa thu trên ngô đông

Thứ Hai 23/12/2019 , 12:05 (GMT+7)

Mô hình phòng trừ sâu keo mùa thu (SKMT) kết hợp bẫy Pheromone, bẫy bả chua ngọt, kết hợp xử lý hạt giống bằng hóa chất cho thấy tính khả thi, dễ áp dụng và hiệu quả phòng trừ cao.

Vừa qua, Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) phối hợp Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình khuyến nông “Xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp sâu keo mùa thu” tại Khu Tam Sơn 1, Tam Sơn 2, xã Sơn Hùng (Thanh Sơn, Phú Thọ).

Đây là mô hình khuyến nông được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm BVTV phía Bắc xây dựng và nhân rộng nhằm tuyên truyền và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ đối tượng SKMT gây hại mới xâm nhập vào Việt Nam.

Mô hình được thực hiện ở 4 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa là những địa phương có diện tích ngô vụ đông lớn. Trước đó, mô hình cũng đã được triển khai và tổng kết ở các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa và đều cho kết quả cao về hiệu quả phòng trừ SKMT.

Nông dân địa phương và lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ tham quan, đánh giá hiệu quả mô hình.

 Tại tỉnh Phú Thọ, mô hình khuyến nông phòng trừ tổng hợp SKMT được triển khai trên diện tích 20 ha, phòng trừ tổng hợp SKMT gây hại trên ngô nhằm đạt hiệu quả kinh tế, giảm sử dụng thuốc BVTV.

Theo đó, mô hình đã tổ chức đào tạo tập huấn 8 lớp cho 400 nông dân, trong đó 200 nông dân tham gia thực hiện mô hình và 200 nông dân ngoài mô hình nắm vững các bước thực hiện quy trình phòng trừ tổng hợp sâu keo mùa thu. Đồng thời, tổ chức hội thảo đầu bờ tại mô hình, tuyên truyền các biện pháp phòng trừ tổng hợp SKMT bằng nhiều hình thức và các kênh thông tin.

Nội dung tập huấn gồm nhận dạng và biện pháp phòng trừ SKMT; kỹ thuật SX, thâm canh ngô phòng tránh tác hại của SMKT (biện pháp canh tác thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học, ...); giới thiệu kỹ thuật gieo trồng một số giống ngô hướng dẫn trong cơ cấu phù hợp trên đất bãi và giới thiệu một số giống có khả năng chống chịu tốt với sâu gây hại trên ngô; biện pháp kỹ thuật sử dụng bẫy bả chua ngọt để thu hút và tiêu diệt trưởng thành SKMT; kỹ thuật xử lý hạt giống bằng thuốc BVTV, cách làm bẫy bả chua ngọt, đặt bẫy Pheromone.

Kết quả mô hình cho thấy bên cạnh biện pháp xử lý hạt giống bằng thuốc cho hiệu quả rõ rệt. Kết quả theo dõi ở bẫy bả chua ngọt cũng cho thấy mật độ SKMT vào bẫy trung bình 0,8 - 1,2 con/bẫy/ngày đêm. Đây là biện pháp được đánh giá là có tính khả thi cao vì dễ làm và áp dụng, giá thành rẻ, nguyên vật liệu dễ kiếm, ngoài thu hút và tiêu diệt SKMT còn tiêu diệt một số loài sâu hại khác.

Bên cạnh đó, kết quả theo dõi bẫy Pheromone cũng cho thấy sử dụng bẫy bả Pheromone giới tính thu hút trưởng thành đực của SKMT rất hiệu quả, 3 ngày đầu trung bình trưởng thành đực vào bẫy trên 20 con/bẫy/đêm, đến ngày thứ 3 trưởng thành đực vào bẫy 57 con/bẫy/đêm. Với mật độ bẫy đặt 21 bẫy/ha trên mô hình, đã diệt được lượng trưởng thành của SKMT rất hiệu quả, giảm áp lực đáng kể về mật độ sâu trên đồng ruộng.

Tại mô hình, hiệu quả kinh tế tăng 17-25% so với ngoài mô hình. Kiểm soát được SKMT không phát sinh thành dịch, phòng trừ kịp thời không để sâu SKMT gây thiệt hại lớn, qua đó làm giảm lượng sử dụng thuốc BVTV.

Ông Đặng Quốc Quyền, khu Tam Sơn 1 (xã Sơn Hùng, Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết: Ông tham gia mô hình gồm cả diện tích ngô áp dụng biện pháp xử lý hạt giống trên giống ngô thường và trồng giống kháng sâu đều cho năng suất cao. Trên giống kháng sâu không phải phun thuốc BVTV lần nào trong khi ở vụ ngô Hè Thu phải phun 2-4 lần. 

Tương tự, ông Nguyễn Bằng Giang khu Tam Sơn 2 trồng giống kháng sâu cũng không phải phun thuốc BVTV. Ông cho biết năm tới, bà con nông dân hoàn toàn yên tâm khi áp dụng các biện pháp mà Trung tâm BVTV phía Bắc và Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ đã hướng dẫn.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.