| Hotline: 0983.970.780

Phú Lương: Nâng cao giá trị sản phẩm chè

Thứ Ba 22/12/2020 , 10:19 (GMT+7)

Nỗ lực tăng cao giá trị sản phẩm chè, huyện phú lương (Tỉnh Thái Nguyên) vừa thông qua Đề án để tăng chất lượng, giá trị cho cây trồng mũi nhọn nói trên.

Thực trạng

Một số năm trở lại đây, cây chè Phú Lương được quan tâm đặc biệt. Nhờ đó, sản lượng không ngừng tăng với mức tăng bình quân mỗi năm đạt 2%.

Đến nay, huyện có hơn 4000 ha chè. Trong đó, chè gia chè giống mới chiếm 71% tổng diện tích, chè Trung du chiếm 29%.

Đối với diện tích chè thâm canh, người dân đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phấm chè. Tuy nhiên, diện tích chè ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế.

Về chế biến, sản lượng chè qua chế biến toàn huyện năm 2020 ước đạt 8650 tấn chè xanh. Bước đầu, một số dạng sản phẩm mới được hình thành như trà túi lọc, bột trà, kẹo trà xanh... Một số HTX, nông hộ đã đầu tư xông nghệ đóng gói tự động và sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Sự phát triển đó đã đưa chè Phú Lương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài. Phú Lương tiếp tục duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể “chè Tức Tranh”, “chè Vô Tranh”. Công tác phát triển các sản phẩm OCOP từ chè nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị lẫn doanh nghiệp.

Đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu được từ chè bình quân đạt 250 – 280 triệu đồng/ha, cao hơn so với năm 2016 là 100 triệu đồng. Huyện Phú Lương xác định, cây chè là sản phẩm thế mạnh hàng đầu trong các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Giải pháp

Huyện Phú Lương đặt mục tiêu, đến năm 2025, huyện có diện tích chè đạt 4150 ha, sản lượng 44.600 tấn. Diện tích được chứng nhận VietGap và Gap khác là 540 ha. Giá trị sản xuất chè đến năm 2025 đạt 1330 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng chè dạt 300 - 350 triệu đồng.

Ông Phan Văn Tường (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương) cho biết, từ những thực trạng, các chuyên gia cũng như lãnh đạo địa phương đã thống nhất các nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu nói trên.

Theo đó, Phú Lương sẽ duy trì vườn chè đầu dòng, hàng năm cung cấp khoảng 16 triệu hom cho các vườn ươm để sản xuất khoảng 14 triệu cây giống phục vụ trồng mới và trồng thay thế. Công tác quảng bá sản phẩm được chú trọng với việc tổ chức Lễ hội trà thường niên. Đồng thời tăng cường thúc đẩy hợp tác sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Phú Lương cũng nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo các quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu chế biến khép kín có quy mô với thiết bị đồng bộ. Đối với các tập thể và cá nhân chế biến có quy mô nhỏ, huyện triển khai hỗ trợ thay thế các thiết bị chế biến bằng inox hoặc thép không gỉ.

Ông Ngô Thành Trung (Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) cho rằng, việc phát triển chè, nâng cao vị thế cây chè là quyết tâm chính trị của địa phương trong thời gian tới.

Theo đó, ngoài các giải pháp về khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm, đầu tư xây dựng hạ tầng..., Phú Lương đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện giải pháp về cơ chế và kinh phí hỗ trợ. Theo đó, hỗ trợ về kinh phí thực hiện tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ, đăng ký mã số, mã vạch, bao bì, quảng bá thương hiệu.

Riêng các mô hình thực hiện sản xuất công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng sẽ được ưu tiên hỗ trợ ở mức cao nhất. Huyện Phú lương sẽ ưu tiên thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình, dự án, mô hình để thực hiện hỗ trợ tạo liên kết đầu tư phát triển, sản xuất chè.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.