| Hotline: 0983.970.780

Phụ nữ Cư M’gar hiến đất mở đường

Thứ Năm 12/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ ở huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động… để mở rộng đường liên xóm, thôn, buôn, ...

Chị H’Náp M’Lô trên đoạn đường trước đây là đất của gia đình.

Chị H’Náp M’Lô trên đoạn đường trước đây là đất của gia đình.

Đến buôn Sah B (xã Ea Tul) nhắc đến chị H’Náp M’Lô ai cũng biết, bởi chị “nổi tiếng” vì có tinh thần tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường. Hiện gia đình chị đã có 02 lần hiến đất cùng địa phương làm đường giao thông nông thôn.

Lần đầu là tuyến đường ở buôn Pơr và lần 02 tuyến đường ở buôn Sah B, với tổng diện tích đất hiến lên đến hơn 420m2, phá bỏ 65 cà phê và 15 cây ăn quả trong thời kỳ kinh doanh mà chị không hề đòi hỏi đền bù hay hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương, chỉ với mong ước con đường sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận lợi.

Điều đáng quý, gia đình chị H’Náp M’Lô không phải hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương mà chỉ ở mức trung bình…

Dẫn chúng tôi ra xem khu đất trước là vườn của gia đình nay đã trở thành một phần của con đường, chị H’Náp vui vẻ nói: “Bản thân là Chi hội trưởng Phụ nữ nên mình phải gương mẫu thực hiện để cho các hội viên noi theo. Hiến đất làm đường mình không tiếc đâu, đó là điều nên làm, để có đường dễ đi, thuận lợi cho dân với lại cho mình, con cái đi học cũng tiện lợi hơn”.

Hay như chị Nguyễn Thị Thêu ở thôn 1 (xã Ea Kpam), khi địa phương có chủ trương xây dựng NTM, chị đã tự nguyện hiến 230 m2 đất phá đi vườn cà phê của gia đình để cho các hộ dân ở phía sau đi lại thuận lợi hơn. Ngoài hiến đất, gia đình chị còn đóng góp thêm tiền để cùng địa phương nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường…

Trước đây, khi tuyến đường chưa được mở thông thì việc đi lại của các hộ dân phía sau gặp rất nhiều khó khăn. Do vướng phải “bức tường” ngăn cách là vườn cà phê của chị Thêu nên dù chỉ cách tỉnh lộ 8 khoảng 200m nhưng các hộ phía sau phải đi vòng khoảng 1 km mới ra được bên ngoài…

Chia sẻ về việc hiến đất mở đường của gia đình mình, chị Thêu nói: “Thấy tuyến đường đi đến gia đình mình thì bị cụt, làm cho các hộ dân phía sau phải đi đường vòng mới ra được tỉnh lộ, tôi đã bàn bạc với cả nhà hiến đất để thông tuyến đường... Đóng góp vậy chứ hơn nữa gia đình vẫn sẵn sàng, miễn sao việc đi lại được thuận tiện là tôi cảm thấy vui rồi”.

Từ sự chung sức, đồng lòng của các hội viên phụ nữ, tuyến đường ở thôn 2 (xã Cư Suê) đang được mở rộng.

Từ sự chung sức, đồng lòng của các hội viên phụ nữ, tuyến đường ở thôn 2 (xã Cư Suê) đang được mở rộng.

Hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để chị em hội viên, phụ nữ và người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực và lâu dài của việc làm đường giao thông nông thôn, trong đó các cán bộ, đảng viên là hạt nhân, gương mẫu tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện…

Từ đó, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đa phần các chị em đều tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, dỡ bỏ công trình, tài sản, cây cối để làm đường mà không hề tính toán thiệt hơn. Riêng trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn Hội đã vận động được gần 280 hộ gia đình hội viên tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất mở rộng, uốn nắn các con đường cho thẳng, đẹp.

Điển hình như chị H’Bi On Ktla ở buôn Tu (xã Ea Tul) hiến 500 m2 đất; chị Kpa Hwer ở buôn Ja Rai (xã Ea Kuêh) đã tự nguyện phá bỏ 22 cây cà phê, 05 cây điều và hiến 210 m2 đất để làm đường giao thông nội buôn; chị H’Bluên và chị H’Chuyên ở buôn Sah B (xã Ea Tul) mỗi chị hiến 50m2 đất để làm đường…

Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Thấy được lợi ích thiết thực khi có con đường mới, nhiều chị em dù cuộc sống chưa phải là khá giả, thậm chí đang thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng khi được vận động hiến đất vẫn sẵn sàng tham gia, chị ít cũng hiến hơn 20m2, chị nhiều thì lên đến hàng trăm m2.

Đặc biệt, các chị em còn chặt bỏ 11.882 các loại cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái.. để nhường đất và đóng góp trên 20 tỷ đồng cùng với địa phương thực hiện các công trình. Từ sự chung sức, đồng lòng của các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện nhiều tuyến đường liên thôn, buôn được mở rộng và xây dựng nhanh chóng”.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.