| Hotline: 0983.970.780

Phú Thọ đặt mục tiêu 20 nghìn ha rừng gỗ lớn

Thứ Hai 16/01/2023 , 07:35 (GMT+7)

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu mỗi năm trồng và duy trì 2.200ha rừng gỗ lớn, từ năm 2025 trở đi duy trì tổng diện tích 20.000ha rừng sản xuất gỗ lớn.

Phú Thọ là tỉnh miền núi, nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, ĐBSH và các tỉnh miền núi Tây Bắc. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 353.456ha, tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 187.957,6ha, chiếm 53,17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích có rừng là 170.531,8ha, chiếm 93,1% so với tổng diện tích rừng và đất rừng cho mục đích lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 9,37%; rừng phòng hộ chiếm 18,75% và rừng sản xuất chiếm 71,87% so với tổng diện tích rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%.

Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh Phú Thọ là thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn trong đó trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha. Ảnh: TL.

Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh Phú Thọ là thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn trong đó trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha. Ảnh: TL.

Ông Trần Ngọc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn. Đây là xu hướng tất yếu của ngành lâm nghiệp, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng rừng mà còn góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất…, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của các chuyên gia và khảo sát tại các hộ đã trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng gỗ nhỏ 7 năm tuổi cho năng suất 80m3, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 6 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng, chuyển hóa gỗ lớn 11 năm cho năng suất 150m3, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 12 triệu đồng/ha/năm, như vậy năng suất tăng gấp 1,5 lần, lợi nhuận tăng gấp 2 lần. Có được hiệu quả trên là do trong quá trình kinh doanh gỗ lớn đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, từ khâu chọn điều kiện lập địa, giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc…, trong đó biện pháp kỹ thuật tỉa thưa rừng đã góp phần quan trọng vào tăng năng suất, chất lượng rừng.

Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc kinh doanh gỗ lớn là rõ ràng. Ảnh: TL.

Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc kinh doanh gỗ lớn là rõ ràng. Ảnh: TL.

Tại thời điểm bước vào năm thứ 5 và năm thứ 8, cây rừng có sự sinh trưởng, phát triển mạnh, tuy nhiên, với mật độ dày, đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng, nếu không tỉa thưa thì cây rừng có xu hướng phát triển về chiều cao, hạn chế phát triển về đường kính. Việc tỉa thưa sẽ giúp mở tán, giảm cạnh tranh dinh dưỡng để cây rừng sinh trưởng mạnh về đường kính.

Do vậy, sự chênh lệch về sinh trưởng cây rừng giữa 2 hình thức kinh doanh đã bắt đầu thể hiện rõ từ năm thứ 5 đến năm thứ 8 sau khi áp dụng biện pháp tỉa thưa. Đường kính cây rừng kinh doanh gỗ lớn có thể tăng gấp đôi so với kinh doanh gỗ nhỏ. Thêm vào đó, giá gỗ cũng có sự chênh lệch lớn và với kinh doanh gỗ nhỏ thì giá bán hiện chỉ 1,1 triệu đồng/m3. Tuy nhiên, với kinh doanh gỗ lớn thì gỗ tại thời điểm khai thác được bán với giá 2,3 - 2,5 triệu đồng/m3 (chênh lệch giá gấp đôi). Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc kinh doanh gỗ lớn là rõ ràng. 

Chính vì vậy, Phú Thọ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh trồng cây gỗ lớn. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn, trong đó trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15m3/ha/năm.

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến...

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng gỗ lớn nói riêng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cung cấp thông tin về giống chất lượng cao, giống tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất và cơ sở cung cấp giống uy tín để mọi tầng lớp nhân dân biết, hiểu và thực hiện tốt việc đầu tư kinh doanh gỗ lớn.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ kiểm tra công tác chuyển hóa rừng gỗ lớn. Ảnh: TL.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ kiểm tra công tác chuyển hóa rừng gỗ lớn. Ảnh: TL.

Đặc biệt, Phú Thọ đã có nhiều cơ chế hỗ trợ để phát triển rừng cây gỗ lớn. Tất cả các đối tượng khi tham gia chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, có cam kết với UBND cấp xã, hạt kiểm lâm để khai thác rừng sau 10 năm tuổi sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí 12 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô tối thiểu 100ha trở lên, với kinh phí là 300 nghìn đồng/ha.

Phú Thọ cũng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng để tạo thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để đạt cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) theo phương thức doanh nghiệp đầu tư vốn và kỹ thuật, các chủ rừng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khi có sản phẩm khai thác được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ góp vốn, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh của thị trường.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, Phú Thọ đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây quế.

Đồng thời, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gắn phát triển kinh tế đồi rừng với du lịch sinh thái để vừa thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất, quản lý, bảo vệ với phát triển rừng bền vững, góp phần ổn định cuộc sống, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng...

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.