Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại mà còn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức các hình thức SX hợp lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, tỉnh Phú Thọ xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là “kim chỉ nam”.
Phú Thọ tiếp tục “kim chỉ nam” gắn Tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng NTM |
Khi mới triển khai xây dựng NTM, xuất phát điểm của tỉnh Phú Thọ còn khá thấp (năm 2011 bình quân tiêu chí đạt 6,5 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 51 xã đạt dưới 5 tiêu chí; chỉ có 26 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 36 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo). Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ chương trình từ Trung ương còn hạn chế, trong khi khả năng huy động nguồn lực của tỉnh cũng như các địa phương còn khó khăn.
Kể từ khi thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, Phú Thọ đã có 73 xã đạt chuẩn (29,6%), năm 2018 số xã đạt chuẩn NTM vượt kế hoạch (kế hoạch 10 xã; thực hiện đến thời điểm hiện tại 13 xã; ước cả năm 2018 là 20 xã).
Các hoạt động hỗ trợ phát triển SX thuộc chương trình xây dựng NTM cùng với việc triển khai các chương trình SX nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ phát triển SX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Phú Thọ có 132/247 xã đạt tiêu chí về thu nhập (chiếm 53,4%), tăng 8 xã so với năm 2017; 190/247 xã đạt tiêu chí về tổ chức SX(chiếm 76,9%), tăng 2 xã so với năm 2017…
Theo UBND tỉnh Phú Thọ, mục tiêu xây dựng NTM năm 2019 tiếp tục là các hoạt động trọng điểm nhằm hỗ trợ phát triển SX thuộc chương trình xây dựng NTM cùng với việc triển khai các chương trình SX nông nghiệp khác. Bởi thực tế chứng minh “kim chỉ nam” này đã “soi đường chỉ lối” trong phong trào xây dựng NTM ngày một mạnh mẽ ở tỉnh miền trung du này.
Điển hình như ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, một xã miền núi vốn nghèo khó và gặp quá nhiều khó khăn trong phong trào xây dựng NTM. Vậy mà bây giờ, ông Hà Văn Thai, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Vụ đông ở đây đã trở thành vụ chính với hơn 50ha rau các loại cung cấp cho thị trường. Nhiều gia đình đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, chuyển những cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi cho thu nhập khá cao".
Về chăn nuôi, trên địa bàn xã Địch Quả đã hình thành HTX nuôi gà Phú An mỗi lứa xuất bán ra thị trường 40 vạn con. Đời sống được nâng lên bà con trong xã sẵn sàng đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công làm đường bê tông, xây nhà văn hóa. Nhờ vậy xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2017.
Không riêng Địch Quả, nhiều làng quê đã trở nên trù phú nhờ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trên lĩnh vực trồng trọt, nhiều địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng vùng, kết hợp mở rộng quy mô SX một số cây trồng chủ lực, hình thành các vùng SX hàng hóa tập trung như: Cây lúa chất lượng cao, cây chè, cây ăn quả và cây rau màu.
Các địa phương vùng chè cũng đã chú trọng cải tạo chất lượng thông qua trồng mới, trồng thay thế các giống chè cũ bằng các giống chè mới chất lượng cao hơn. Trên vùng đất bưởi Đoan Hùng đã đẩy mạnh phát triển cây bưởi gắn với phát triển kinh tế đồi rừng tại các vùng cao hạn, vùng đồi thấp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với trồng trọt, các xã đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành SX hàng hóa, quy hoạch chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại chăn nuôi tập trung chuỗi giá trị, giảm tỷ lệ chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ trong khu đông dân cư. Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 245 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, 4.300 số cơ sở chăn nuôi quy mô gia trại; 28 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có các công ty, tập đoàn lớn như Dabaco, CP, RTD, DTK...
Nuôi trồng thủy sản phát triển cả về lượng và chất, hình thành và phát triển 48 khu nuôi tập trung, 141 trang trại, 3 HTX tập trung trên địa bàn các huyện: Hạ Hòa, Lâm Thao, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Ba. Nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa phát triển mạnh mẽ, đến nay tổng số lồng lưới ước đạt trên 1.300 lồng và từng bước xây dựng được thương hiệu cá lồng sông Lô, sông Đà…
Đặc biệt sau khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, công nghiệp chế biến, cơ giới hóa và bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường ngày càng được chú trọng. Đến nay, tỉnh có 47 cơ sở chế biến chè công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày và trên 1.200 cơ sở chế biến chè thủ công gia đình.
Trong những năm gần đây tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp. Các làng nghề nông thôn phát triển ngày càng phong phú và đa dạng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được hỗ trợ sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm bưởi Đoan Hùng; nhãn hiệu chứng nhận nhựa sơn Tam Nông; 4 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương Dục Mỹ, chè xanh Chùa Tà, Mỳ gạo Hùng Lô... Nhờ xây dựng và phát triển thương hiệu đã nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người SX.
Quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Phú Thọ đã tích cực huy động lồng ghép các nguồn vốn với phát triển SX, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt trên 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Nhiều mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM được tổng kết, triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. |
Theo Sở NN-PTNT và Văn phòng điều phối NTM Phú Thọ, các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, gắn kết với thị trường để phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, quan hệ SX, tạo điều kiện để DN, HTX đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô SX, hình thành vùng SX hàng hóa tập trung; tăng cường sự liên kết chuỗi, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản. |