| Hotline: 0983.970.780

'Phù thủy' cam đất Hưng Yên

Thứ Ba 14/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

Nhờ thường xuyên cải tiến kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây như nuôi con trẻ, anh Tĩnh đã liên tục có được những mùa bội thu cam, ít nhà vườn nào sánh kịp.

Cam đường canh khoe sắc chuẩn bị thu hoạch dịp Tết. Ảnh: H.Tiến.

Cam đường canh khoe sắc chuẩn bị thu hoạch dịp Tết. Ảnh: H.Tiến.

Tích tụ đất trồng cam

Năm nay, trong khi nhiều trang trại trồng cam ở miền Bắc bị thất thu thì vườn cam đường canh của anh Vũ Văn Tĩnh ở xã Hoàn Long, Yên Mỹ, Hưng Yên quả vẫn sai lúc lỉu. Trên diện tích gần 4ha, chỉ có 3ha cam đường canh, anh Tĩnh vẫn ước thu gần 100 tấn quả.

Vườn cam của anh đã được thương lái mua xô toàn bộ với giá 35.000 đồng/kg. Diện tích ruộng còn lại gần 1ha, anh Tĩnh trồng ổi lê Đài Loan, tạo nguồn thu để trang trải đầu tư thường xuyên cho diện tích trồng cam với khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo đó, thu hoạch từ vườn cam hàng năm của anh là lợi nhuận. Không riêng gì vụ này, từ hàng chục năm qua, anh Tĩnh luôn có được những vụ cam sai hoa, trĩu quả.

Năm nay, vườn cam đường canh của anh Tĩnh lại bội thu. Ảnh: H.Tiến.

Năm nay, vườn cam đường canh của anh Tĩnh lại bội thu. Ảnh: H.Tiến.

Anh Tĩnh kể trước năm 1990, Hoàn Long còn là địa phương trồng rau trọng điểm của tỉnh Hưng Yên. Các loại rau làm ra ở đây không những cung cứng cho thị trường Hà Nội, còn xuất bán vào các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.

Do trồng rau liên tục nhiều năm trên cùng chân ruộng, đất canh tác bị nhiễm nhiều loại nấm bệnh, khó phòng trị. Một số hộ trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam đường canh. Kết quả đạt ngoài sự mong đợi của mọi người, trong đó có gia đình anh Tĩnh. Nghề trồng cam của anh Tĩnh khởi nguồn kể từ đó.

Ban đầu, anh Tĩnh chỉ trồng 2 - 3 sào cam đường canh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa để tích lũy vốn cho tái sản xuất mở rộng. Theo đó, nguồn lợi có được qua các năm, anh đều dành để thuê, nhượng đất canh tác, tăng dần diện tích trồng cam. Phải tới năm 2018, anh Tĩnh mới có được gần 4ha cây ăn trái như hiện nay. Hiện tại, anh Tĩnh đã tích tụ thêm được 2,5 ha ruộng, nâng tổng diện tích trang trại lên 6,5 ha vào năm 2022. Trong đó diện tích chuyên cam là 5,5 ha.

Nhiều cách làm sáng tạo

Mới ở tuổi ngoài 40, anh Tĩnh hiện đã có bề dày kinh nghiệm 25 năm chuyên trồng cam. Anh có nhiều sáng kiến kỹ thuật áp dụng rất hiệu quả, chưa từng được khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông.

Nổi bật như sáng kiến tự sản xuất cây giống bằng cách dùng mắt (giống) cam đường canh ghép lên cành chiết bưởi bô lô. Cây cam trồng từ cách nhân giống này lâu cỗi hơn, ít nhiễm bệnh thối rễ, bệnh vàng lá gân xanh và kéo dài chu kỳ khai thác hơn đáng kể so với các vườn cam trồng từ giống cây ghép phổ biến hiện nay.

Chủ trang trại Vũ Văn Tĩnh cùng vườn cam trĩu quả. Ảnh: H.Tiến.

Chủ trang trại Vũ Văn Tĩnh cùng vườn cam trĩu quả. Ảnh: H.Tiến.

Kỹ thuật nhân giống nói trên của anh Tĩnh còn giúp tiết giảm công lao động đảo rễ, kích hoa cho cây cam đường canh. Trước đây, đảo rễ cam, người lao động phải đào bật bầu cây để chặt đứt rễ tơ và rễ cọc. Nay trồng bằng giống ghép trên cành bưởi chiết, không có rễ cọc, không cần đào bật bầu cây lên. Cây không có rễ cọc cũng ít bị ảnh hưởng xấu khi mực nước ngầm cao…

Lý do mấy chục qua, anh Tĩnh chỉ chung thủy với cây cam đường canh là bởi giống cam này cho năng suất cao (30 tấn quả/ha), giá bán luôn gấp 3 - 4 lần các cam khác trên thị trường. Biết kỹ thuật xử lý, vườn cam sẽ không bị mất mùa, như đặc tính vốn có của giống.

Bản lá cam đường canh nhỏ hơn nhiều so với các giống cam khác, giúp giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật và công phun phòng trừ sâu bệnh cho nhà vườn. Cây cam này cũng ít gai và gai bé nhỏ hơn, thuận tiện cho người đi lại cắt tỉa và thu hái. Đáng chú ý, cây cam đường canh rất ít nhiễm bệnh thán thư (gỉ sắt), không cần phun thuốc phòng ngừa. Trong khi các giống cam khác, tỷ lệ bị nhiễm gỉ sắt rất cao, gần như phải phun phòng định kỳ 10 ngày/lần.

“Cam đường canh là cách gọi quen thuộc của nhà nông. Thực ra đây là quýt đường canh, vì hạt quả có trục phôi. Khối lượng quả chỉ nhỉnh hơn miệng chén uống nước hoa hồng (khoảng 12 quả/kg). Vỏ mỏng, lúc chín chuyển màu hoe đỏ. Múi dễ tách, bóc ráo tay, ít hạt, vị ngọt mát, thơm, không the đắng”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết.

Chăm cây như nuôi con trẻ

Dù đã thuê riêng 1 lao động chuyên chăm sóc vườn cam, nhưng anh Tĩnh vẫn mỗi ngày vài lần ra vườn, bới đất lật cỏ, vạch lá tìm sâu, "thăm hỏi sức khỏe" từng cây trồng, thiếu dưỡng chất gì "cho ăn” dưỡng chất ấy, chăm bẵm, cưng chiều như con trẻ, không bao giờ để chúng đói ăn, khát uống. Theo đó, cây trồng cũng không phụ sự quan tâm, chăm sóc của nhà đầu tư, luôn trả ơn anh Tĩnh bằng những mùa quả bội thu, ít có vườn cây nào sánh kịp.

Hệ thống tưới phun mưa tự động tới từng cây trồng trong nhà vườn. Ảnh: H.Tiến.

Hệ thống tưới phun mưa tự động tới từng cây trồng trong nhà vườn. Ảnh: H.Tiến.

Được mệnh danh là “Phù thủy” cam đất Hưng Yên, nhưng anh Tĩnh không giấu bí quyết kỹ thuật thâm canh, sẵn sàng chia sẻ, giúp các nhà nông mở rộng diện tích, cùng làm giàu từ giống cam qúy phái này. Kỹ thuật trồng cam đường canh không bị mất mùa của anh Tình, có thể tiến hành như sau:

Cây giống: Chọn chiết những cành bưởi bô lô khỏe, sạch bệnh, kích thước bằng đầu ngón tay. Khi bầu chiết ra rễ đều và chuyển từ màu trắng sang nâu (khoảng 2 tháng) thì cắt hạ trồng xuống vườn giâm. Khi cành giâm sống thành thục (chừng 12 tháng), tiến hành ghép giống.

Cách ghép, như kỹ thuật ghép mắt nhỏ có gỗ trên cây có múi. Chờ mắt ghép bật mầm đều, dài trên 10cm, chuyển ra trồng ở ruộng sản xuất. Chú ý, lấy mắt giống ghép trên những cây cam đường canh khỏe, sạch bệnh; mỗi nhánh thành thục sinh ra từ cành chiết sau giâm, nên ghép 1 mắt giống (1 cây giống cho phép ghép 3-5 mắt).

Vườn cam đường canh trồng bằng cành bưởi chiết ghép mắt cam đường canh. Ảnh: H.Tiến.

Vườn cam đường canh trồng bằng cành bưởi chiết ghép mắt cam đường canh. Ảnh: H.Tiến.

Ruộng trồng: Chọn chân đất thịt nặng, tiêu thoát nước tốt. Thuê máy xúc đào rãnh (sâu 1m, rộng 1,5m) úp lên tạo thành luống rộng 6m. Sau phay nhỏ đất, lắp đặt đường ống tưới phun mưa tự động giữa luống, trồng 2 hàng cam 2 bên. Mật độ trồng 2.200 cây/ha (cây cách cây 1,6m, hàng cách hàng 3,0). Thời kỳ này, cần bón NPK và phân hữu cơ vi sinh, giúp cây sinh trưởng, phát triển cân đối.

Kỹ thuật "bắt hoa”, “lấy quả”

Vườn cam trồng từ sau năm thứ 2 đã cho khai thác kinh doanh. Để “lấy quả” cần tiến hành các bước tác động kỹ thuật như:

Hãm cây: Tiến hành ngay sau tiết Đông chí (khoảng 22/12 dương lịch). Dùng dao chuyên dụng khoanh “mịn” một đường tròn khép kín quanh các cành to bằng đầu ngón chân cái trên cây, nhưng không bóc đi ít vỏ nào.

Đảo cây (sau kết thúc thu hoạch quả): Dùng dầm đào rãnh rộng 20cm, sâu 30cm vòng quanh, cách gốc cây 25 - 30cm, tùy theo cây to nhỏ. Chờ khi “xuống” cây (7 ngày) - sắc lá kém tươi hơn bình thường, bón rãnh mỗi gốc 0,5kg NPK + 2kg phân hữu cơ vi sinh, rồi lấp kín đất trở lại. Khi vườn cam nhú nụ (sau tiết Lập xuân, khoảng 5/2), phun chế phẩm dưỡng nụ 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày.

Giữ quả (khi cây vừa tắt hoa, lộ quả): Triển khai khoanh “mở”. Dùng dao chuyên dụng khoanh một đường tròn khép kín rộng bằng hạt thóc, tại tất cả các cành cấp 1 trên cây. Kết hợp phun chế phẩm dưỡng quả 2 lần, cách nhau 10 ngày.

Tới tiết Mang chủng (5 - 6/6 dương lịch), dùng băng keo đen bao kín các vết khoanh. Giai đoạn quả lớn bằng đầu ngón tay sẽ có hiện tượng rụng trái non. Đây là sự rụng quả sinh lý trên các cây có múi, không đáng lo ngại. Ngoài sản xuất thường gọi thời kỳ cam “chia quả”.

Bón phân (cho sào 360m2): Từ tháng 5 - 10 âm lịch. Mỗi tháng bón 5 - 7kg NPK Đầu Trâu, hoặc Con Cò. Lưu ý, trên giống cam đường canh, hàng năm phải thực hiện các bước kỹ thuật trên, cây trồng mới cho quả.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.