| Hotline: 0983.970.780

Chuyển mạnh đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn

Thứ Năm 13/07/2023 , 11:24 (GMT+7)

Nhiều diện tích đất lúa bị thiếu nước tại một số địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã được chuyển đổi sang cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần.

Thừa Thiên - Huế là tỉnh có nhiều diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn, do đó cần nghiên cứu chuyển đổi mạnh sang cây trồng cạn khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Công Điền.

Thừa Thiên - Huế là tỉnh có nhiều diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn, do đó cần nghiên cứu chuyển đổi mạnh sang cây trồng cạn khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Công Điền.

Trong cái nắng hầm hập của những ngày tháng 7, chúng tôi tìm về xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, nơi được xem một trong những điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo ông Hồ Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, với đặc thù đất cát pha, điều kiện hạ tầng thủy lợi kém, cùng với khí hậu ngày càng khắc nghiệt nên mọi năm, nhiều diện tích đất của địa phương chỉ trồng được một vụ lúa, thời gian còn lại phải bỏ hoang do thiếu nước tưới.

Những năm gần đây, xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa một vụ sang trồng các loại cây trồng khác như ném, khoai lang, dưa hấu…

Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được gần 340ha đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây thực phẩm. Trong đó tập trung vào canh tác cây khoai lang, sắn, lạc, đậu, sen, dưa hấu; rau màu các loại gồm ớt, ném, mướp…

Đặc biệt, một số hợp tác xã trên địa bàn đã triển khai trồng khoai lang mỡ theo hình thức liên kết sản xuất. Theo đó, hợp tác xã Tín Lợi và Thắng Lợi đã ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp mỗi năm khoảng 36 tấn khoai lang mỡ. 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa bớt được áp lực chống hạn, vừa cho giá trị kinh tế, thu nhập cao hơn cho bà con. Ảnh: Công Điền.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa bớt được áp lực chống hạn, vừa cho giá trị kinh tế, thu nhập cao hơn cho bà con. Ảnh: Công Điền.

Theo ông Thân Tín Lợi, Giám đốc Hợp tác xã Tín Lợi (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) bên cạnh mô hình cánh đồng mẫu lơn lúa chất lượng cao với hơn 100ha, thời gian qua, đơn vị đã chủ động chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang mỡ. Mặc dù diện tích liên kết còn ít nhưng đây là hướng đi khá tích cực, góp phần giúp nông dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Cũng như nhiều nông dân khác, khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông Hồ Cạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) đã đưa vào trồng 3 sào dưa hấu giống Thái Lan và dưa hấu Hồng Lương trên đất trồng lúa kém hiệu quả trước đây.

Theo ông Cạnh, nếu như trước đây, phần lớn diện tích đất trồng lúa không chủ động nước tưới đều phải bỏ hoang trong vụ hè thu thì nay nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây rau màu, ớt, ném... Đặc biệt, cây dưa hấu trồng trên đất pha cát cho năng suất khá cao. 

"Bình quân mỗi sào cho năng suất trên 1 tấn, giá bán tại ruộng 6.000 đồng/kg. Dưa hấu ít phải chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng các loại cây trồng khác. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào dưa hấu (500m2) cho thu nhập trên 7 triệu đồng", ông Cạnh nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Quảng Lợi, từ mô hình trồng ớt, ném, dưa hấu và khoai lang trên đất lúa thiếu nước, đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã.

"Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà còn là giải pháp thích nghi của nền nông nghiệp trước biến đổi thất thường của thời tiết”, ông Hồ Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi đánh giá.

Theo ông Phan Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền, trên cơ sở khảo nghiệm những giống mới, cây trồng mới, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ định hướng cho từng vùng chuyên canh, ưu tiên những cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn mặn. Từ đó đưa ra những khuyến cáo cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Nhiều cánh đồng trồng lúa kém hiệu quả ở Thừa Thiên - Huế đã được chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn trong vụ hè thu 2023. Ảnh: Công Điền.

Nhiều cánh đồng trồng lúa kém hiệu quả ở Thừa Thiên - Huế đã được chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn trong vụ hè thu 2023. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi, thời gian qua, tỉnh đã có kế hoạch chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, những năm gần đây, do giá trị, thu nhập từ trồng sen, rau màu, nuôi trồng thủy sản… cao hơn 2 đến 3 lần so với trồng lúa nên các địa phương đã chủ động chuyển đổi mạnh một số diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục rà soát diện tích không chủ động nguồn nước, các diện tích trồng lúa hiệu quả thấp để có kế hoạch chuyển sang cây trồng cạn có hiệu quả hơn.

"Để có cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện tỉnh đang yêu cầu các địa phương điều tra, rà soát lại diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và xây dựng mô hình sản xuất thí điểm, chuyển giao khoa học kỹ thuật và có giải pháp nhân rộng. Một số cây trồng cạn có thể nghiên cứu bố trí trên đất lúa chuyển đổi như ngô, đậu các loại, rau, dưa hấu, cây ăn quả... Đặc biệt đối với cây ăn quả, cần điều tra đánh giá các yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước... để lựa chọn cây phù hợp với các vùng đất màu, đất lúa chuyển đổi". ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.