| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha lúa phải ngừng sản xuất do thiếu nước

Thứ Tư 28/06/2023 , 18:19 (GMT+7)

Khánh Hòa Nắng nóng kéo dài, không có mưa bổ sung, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không đảm bảo nước tưới, buộc phải cắt giảm sản diện tích xuất trong vụ hè thu.

Cánh đồng khô khát

Những ngày cuối tháng 6 này, chúng tôi có mặt tại thôn Tân Quang, xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) chứng kiến cánh đồng lúa rộng gần 100ha đang phải ngưng sản xuất trong vụ hè thu do thiếu nước tưới.

Cánh đồng sản xuất lúa thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa dừng sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Trần Anh.

Cánh đồng sản xuất lúa thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa dừng sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Trần Anh.

Hệ thống kênh mương trơ đáy, không có giọt nước nào, chứng tỏ trong thời gian dài tại khu vực này không có mưa bổ sung.

Theo người dân địa phương, cánh đồng sản xuất lúa tại thôn Tân Quang “ăn nước” từ hồ Suối Trầu, xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa). Những năm nắng hạn gay gắt, không có mưa bổ sung, nguồn nước hồ không đảm bảo thì cánh đồng xa nguồn nước này buộc dừng sản xuất trong vụ hè thu để tránh thiệt hại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ Suối Trầu có dung tích hơn 9,5 triệu m3 nước. Hồ có nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 473 ha mỗi vụ (2 vụ/năm) tại địa bàn các xã: Ninh Xuân, Ninh Quang, Ninh Bình, Ninh Tân, Ninh Hưng và hỗ trợ cho 255ha (vụ đông xuân) thuộc hệ thống thủy lợi đập dâng Đồng Tròn.

Tuy nhiên thời điểm này, mực nước hồ Suối Trầu ngày càng xuống thấp do những tháng vừa qua không có mưa đáng kể.

Video cánh đồng thôn Tân Thành, xã Ninh Quang thị xã Ninh Hòa khô khát. Video: Trần Anh.

Ông Đặng Văn Thắng, Phó trưởng Văn phòng đại diện Ninh Hòa thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, hiện mực nước hồ Suối Trầu còn 5,4 triệu m3. Do nguồn nước thiếu hụt không đảm bảo nước tưới nên vụ hè thu này, Công ty cắt giảm sản xuất nông nghiệp hơn 116ha, trong đó xã Ninh Quang 98ha, xã Ninh Tân 16 ha và xã Ninh Hưng 5ha.

Không chỉ Suối Trầu mà các hồ ở phía Nam của tỉnh Khánh Hòa như Am Chúa, Cây Sung (huyện Diên Khánh) và đập dâng Hàm Rồng (thị xã Ninh Hòa) cũng không đảm bảo nguồn nước tưới, buộc cắt giảm sản xuất trong vụ hè thu.

Nắng hạn kéo dài, không có mưa bổ sung các kênh mương cũng khô cạn. Ảnh: KS.

Nắng hạn kéo dài, không có mưa bổ sung các kênh mương cũng khô cạn. Ảnh: KS.

Ông Phạm Lựa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, tổng diện tích trên địa bàn tỉnh tạm dừng sản xuất trong vụ hè thu hơn 400ha.

Đối với diện tích tạm dừng sản xuất tại các hồ chứa Suối Trần, Am Chúa, Cây Sung và dập dâng Hàm Rồng, nếu thời gian tới thời tiết có mưa bổ sung, hồ tích nước thêm, Công ty sẽ tính toán mở rộng diện tích sản xuất.

Sử dụng nguồn nước tiết kiệm

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, hiện đơn vị quản lý 18 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế hơn 212 triệu m3, 32 đập dâng và 3 trạm bơm. Từ đầu năm nay do diễn biến thời tiết phức tạp, trời không có mưa, nắng nóng kéo dài nên mực nước các hồ chứa dao động từ 58-90% dung tích thiết kế.

Ông Phạm Lựa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Phạm Lựa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, dự báo từ tháng 5-7/2023, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn và ảnh hưởng trên toàn tỉnh. Từ tháng 8, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng và khả năng kéo sang đầu tháng 9/2023 nhưng với cường độ giảm dần. Nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,7 - 1 độ C. Tổng lượng mưa các nơi có khả năng thấp hơn từ 10-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trước tình hình dự báo nắng hạn gay gắt, ông Phạm Lựa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, để sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, Công ty yêu cầu các chi nhánh, văn phòng đại diện, Phòng Quản lý nước - công trình trực thuộc Công ty và các đơn vị dùng nước gồm UBND xã, hợp tác xã ngay từ đầu vụ hè thu năm 2023 tập trung triển khai ngay cảnh báo vùng hạn, thiếu nước tưới.

Trước tình hình mực nước một số hồ thủy lợi không đảm bảo nước tưới, Công ty thủy lợi yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Ảnh: KS.

Trước tình hình mực nước một số hồ thủy lợi không đảm bảo nước tưới, Công ty thủy lợi yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Ảnh: KS.

Đồng thời, Công ty đã chỉ đạo các Chi nhánh, Văn phòng đại diện thường xuyên kiểm tra công tác quản lý điều tiết nước tưới cho từng hệ thống kênh hợp lý, không để thất thoát, lãng phí nước trong vụ hè thu.

Cùng với đó phân công công nhân quản lý túc trực thường xuyên trên hệ thống tưới, cũng như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dùng nước để kiểm tra điều tiết lấy nước, sử dụng nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Xây dựng phương án chống hạn cho các công trình có khả năng thiếu nưới vào cuối vụ, về nguồn nước bơm và vị trí bơm khi xảy ra hạn.

Đối với các địa phương có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, không lãng phí nguồn nước, nhằm đảm bảo kế hoạch tưới và cấp nước sinh hoạt trong vụ hè thu. Đồng thời tiến hành nạo vét, tu bổ sửa chữa hệ thống kênh nội đồng nhằm đảm bảo điều tiết nước nhanh, kịp thời.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, vụ hè thu năm nay Công ty cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp hơn 15.000ha. Tính đến 25/6, diện tích đã sản xuất hơn 13.000ha và diện tích đang sản xuất gần 2.000ha.

Hồ Suối Trầu hiện mực nước không đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng ở xa hồ. Ảnh: KS.

Hồ Suối Trầu hiện mực nước không đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng ở xa hồ. Ảnh: KS.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.