Lại có đợt mưa lớn, gió mạnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Phú Yên, từ đêm ngày 3/4 đến ngày 6/4, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 100 - 150mm/đợt, có nơi cao hơn, có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh.
Cùng với đó, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Ngoài ra, vùng biển ngoài khơi khu vực tỉnh Phú Yên có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3- 5m. Vùng ven biển gió cấp 5- 6, biển động, sóng biển cao 2- 3m. Triều cường có khả năng xảy ra, nước dâng cao 1- 2m, đề phòng sạt lở vùng ven biển.
Để chủ động triển khai kịp thời các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lốc, sét và gió mạnh ven biển, trên biển nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, Ban Chỉ huy đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tập trung đánh giá thiệt hại và biện pháp khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai đợt mưa lũ vừa qua theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 79 ngày 03/4/2022 và Văn bản số 1458/UBND –KT ngày 3/4/2022 về việc phối hợp tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt, gió mạnh và sóng lớn trên biển, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại.
Theo ông Tùng, các biện pháp cụ thể như chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất; hướng dẫn, vận động nhân dân thu hoạch sớm lúa vụ đông xuân 2021-2022 đã đến giai đoạn thu hoạch.
Bên cạnh đó, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển khi có mưa lũ lớn xảy ra và đặc biệt các tuyến đê kè xung yếu và các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, ven biển...
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm và diễn biến mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Thăm hỏi, hỗ trợ gia đình thiệt hại
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến 11 giờ 30 phút ngày 3/4, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 1 người chết. Hiện còn 1 người ở thôn Xóm Cát, xã An Hòa Hải (Tuy An) bị lốc xoáy khi đang ở trên ghe khu vực thôn Xóm Cát vẫn chưa tìm thấy.
Bên cạnh đó, 14 nhà, trong đó 2 nhà sập hoàn toàn (huyện Tuy An), 12 nhà bị tốc mái, hư hỏng dưới 50%. Ngoài ra, trường tiểu học ở thôn Tân Thọ, xã Xuân Sơn Bắc, Đồng Xuân bị tốc mái hư hỏng dưới 50%. Khoảng 15.719ha/26.666ha diện tích lúa vụ đông xuân trong giai đoạn trổ bông, chính sáp và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước, ngã đổ và 508 ha rau màu, đậu các loại bị ảnh hưởng.
Ở tuyến biển, có khoảng 117 ghe, thuyền bị chìm, trong đó Tuy An 36 chiếc; Thị xã Sông Cầu 34 chiếc; TP Tuy Hòa 42 chiếc; Thị xã Đông Hòa 5 chiếc. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã trục vớt được 86 chiếc/117 chiếc. Trong đó, 74 chiếc có công suất <45CV bị thiệt hại từ 70-100%; 21 chiếc có công suất từ 45-90CV bị thiệt hại từ 65-100%; 22 chiếc có công suất >90CV bị thiệt hại 80-100%.
Về nuôi trồng thủy sản, có 2.450 lồng, tương ứng 790.000 con tôm hùm ươm nuôi ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) bị chết, trôi dạt và 30 bè nuôi trồng thủy hải sản bị sóng đánh chìm, hư hỏng ở Thị xã Sông Cầu.
Khoảng 2.960 m3 đường giao thông, kênh mương ở Thị xã Sông Cầu và huyện Sông Hinh bị sạt lở, cuối trôi... Tổng thiệt hại tính sơ bộ trong đợt mưa lớn này hơn 304 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại đợt mưa bất thường này, ngày 3/4, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã có văn bản về việc phối hợp tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Minh Chính.
Trong đó, Chủ tịch tỉnh Phú Yên yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phối hợp triển khai các ý kiến chỉ đạo và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến và chỉ đạo của UBND tỉnh tại cuộc họp sáng ngày 1/4/2022; ý kiến chỉ đạo của Đoàn Công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng Đoàn; chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo sau khi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo huyện Tuy An sáng ngày 2/4; cùng các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh để tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh những giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại một cách chính xác, hiệu quả nhanh nhất nhằm ổn định đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người mất tích, bị nạn; tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kịp thời, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân…