Đến thời điểm này, Viện Hải dương học chưa ghi nhận các loài thủy sinh nhiễm chất độc Phenol, Xyanua bị biến dị
Sau sự cố cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung do Nhà máy gang thép Formosa xả thải chất độc ra biển, vấn đề đặt ra làm thế nào để khôi phục, tái tạo nguồn lợi sinh vật biển. NNVN đã ghi ý kiến, giải pháp, của PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học.
Thông thường chất thải xả ra biển chỉ trong một thời gian nhất định nó sẽ phát tán hết vì biển nước mênh mông chất độc bị pha loãng và đặc biệt là các dòng hải lưu chảy rất mạnh, nếu không có chất độc tiếp tục xả ra, sau một thời gian môi trường biển sẽ trở lại bình thường. Các loại sinh vật biển như tôm, cá, nếu bị nhiễm độc thì đã chết. Chúng tôi chưa ghi nhận các loài thủy sinh nhiễm chất độc Phenol, Xyanua bị biến dị.
Tình trạng ô nhiễm nước tại các tỉnh miền Trung không quá kéo dài nhưng vấn đề hiện nay là suy thoái nguồn lợi bởi một lượng cá và sinh vật biển rất lớn bị chết. Nguồn tái tạo tại các tỉnh này gặp khó khăn do nguồn bố mẹ đã bị tiêu hao, tuy nhiên biển giao lưu rất tốt, nguồn giống như trứng cá và ấu trùng thụ tinh trong nước trôi nổi từ các vùng không bị ảnh hưởng di chuyển nguồn giống về các thủy vực trong vùng bị ảnh hưởng.
Để cho nguồn giống này nhanh chóng phát triển trở lại thì hoạt động của con người góp phần quan trọng. Gồm hai việc: Thứ nhất, các bãi đẻ giống, ươm giống không bị phá hoại, tức là môi trường phải tốt, trong khoa học gọi là khu duy trì nguồn giống thủy sản. Làm sao chúng ta phải duy trì được các vùng này, giảm tác động để nguồn giống tăng lên. Do đó, phải quan tâm tới sinh cảnh để nguồn giống sinh sống. Hiện nay vùng biển miền Trung có hai hệ rất quan trọng là hệ đầm phá và hệ sinh cảnh san hô, đây là hai hệ thường tập trung nguồn giống của thủy sinh vật.
Các sinh vật giống rất nhạy cảm, do vậy các hoạt động trong đầm phá bị xung điện khai thác thì cắt luôn nguồn tái tạo, còn rạn san hô thường bị đánh mìn. Thực tế ở miền Trung việc đánh mìn trong khai thác thủy hải sản diễn ra khá phổ biến, nếu chúng ta không bảo quản tốt các vùng sinh cảnh thì nguồn tái sinh sẽ rất khó khăn.
Đây cũng là dịp để các địa phương và các nhà quản lý tăng cường hơn nữa việc bảo tồn thiên nhiên biển.
Thực tế việc bảo tồn thiên nhiên biển tại các tỉnh miền Trung từ trước tới nay chưa được quan tâm đúng mức. Tôi được biết hiện mới chỉ có khu vực đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị đã thành lập khu bảo tồn biển và phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) có một số mô hình bảo vệ các thảm cỏ biển, bảo vệ các bãi sinh sản ươm giống thủy sinh vật, còn các vùng khác chưa thấy có động thái gì nhiều. Do vậy muốn quá trình phục hồi thủy sinh vật tự nhiên nhanh phải có sự hỗ trợ của con người mà trước hết là giảm thiểu tác động trực tiếp gây hại đến sinh cảnh.
Vấn đề thứ hai là trong quá trình phân tích số liệu trong thời gian cá bị chết và số liệu nhiều năm trước đó chúng tôi nhận thấy chất lượng môi trường biển của các tỉnh miền Trung có xu thế đang xấu đi. Ngay cả trước thời điểm bị sự cố, chất lượng môi trường biển cũng đã có dấu hiệu xấu đi.
Do đó những việc chúng ta phải làm hiện nay là quản lý môi trường tốt, quản lý chất thải của con người trên đất liền không phải chỉ riêng Formosa mà nhiều chỗ khác cũng có vấn đề. Nếu không quản lý tốt thì suy thoái môi trường trước mắt nó chưa gây ra những sự cố ví dụ như chất lượng nước biển tắm có an toàn không? Nếu so với tiêu chuẩn chất lượng môi trường thấy vẫn an toàn nhưng khi chúng tôi phân tích chuỗi số liệu, có vấn đề như lượng oxy thấp dưới đáy biển, hàm lượng dinh dưỡng nitơrat tăng lên ở rất nhiều vùng.
Câu chuyện cá chết vừa qua tại bốn tỉnh miền Trung là sự cố tức thời nhưng qua đánh giá chúng ta thấy nhiều vấn đề cả về mặt quản lý môi trường cũng như việc bảo tồn thiên nhiên tại các vùng biển: Khai thác quá mức, khai thác hủy diệt, xả thải làm xấu chất lượng môi trường, những vấn đề đó đang diễn ra và diễn ra trước khi sự cố Formosa xảy ra.
Vấn đề tái tạo nếu chúng ta không hỗ trợ cho quá trình tự nhiên thì rất khó phục hồi. Phục hồi theo quy luật của tự nhiên là phục hồi theo quy luật sinh học nó dài hay ngắn lại phụ thuộc vào nguồn lợi, vì vòng đời thủy sinh vật ngắn thì khả năng phục hồi nhanh, còn vòng đời dài thì phục hồi chậm. Do vậy rất khó để khẳng định được bao giờ thì phục hồi được.
Chắc chắn trong tự nhiên sẽ có một quá trình phục hồi nhưng con người phải có hoạt động hỗ trợ cho quá trình phục hồi tự nhiên này và việc tăng cường quản lý, giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường phải làm dài hơi mới giải quyết được bản chất vấn đề.
Về phục hồi nhân tạo, hiện nay chúng ta có một số kỹ thuật có thể sử dụng được để phục hồi rạn san hô, tái tạo nguồn lợi trong rạn san hô nhưng làm phải đi đôi với giữ.
Chúng tôi đã có bài học xương máu rồi, trước đây chúng tôi triển khai dự án phục hồi rạn san hô tại một số địa phương, chỉ mất một đến hai năm đã cho kết quả rất tốt nhưng khi bàn giao lại cho địa phương quản lý, một năm sau chúng tôi quay lại thì không còn vì bị ngư dân dùng mìn khai thác thủy hải sản. Việc nữa mà chúng ta có thể làm là các rạn nhân tạo tạo sinh cảnh cho cá tôm về ở bởi môi trường trong sạch thì cá tôm lại di cư về sinh sống, phát triển.
Quá trình phục hồi theo quy luật tự nhiên ít tốn kém và hiệu quả nhất, còn phục hồi nhân tạo chỉ hỗ trợ và phải làm tốt công tác quản lý để quá trình phục hồi tự nhiên diễn ra nhanh chóng.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học