Ngày 21/7, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang tổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức cho cán bộ quản lý, chỉ đạo phát triển chăn nuôi cấp tỉnh, cấp huyện về phúc lợi động vật.
Giảng viên của chương trình tập huấn là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi thuộc Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, Viện Thú y và Học viên Nông nghiệp Việt Nam.
Lớp tập huấn được tổ chức với 4 nội dung chính gồm: An toàn sinh học trong chăn nuôi, phúc lợi động vật, các tiêu chuẩn tối thiểu, phúc lợi động vật trong chăn nuôi gà đẻ và phúc lợi động vật trong chăn nuôi lợn nái.
TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam nhấn mạnh, phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật, để có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có.
Phúc lợi động vật không chỉ dành cho thú cưng mà ngay cả những con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ lao động sản xuất hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt cũng cần được áp dụng quy định này.
Theo bà Hạnh, hiện nay lĩnh vực chăn nuôi đang trên đà phát triển mạnh, xu hướng đảm bảo phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với vật nuôi, mà còn cả đối với con người, xã hội và môi trường.
Phúc lợi động vật là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển một ngành chăn nuôi bền vững và đem lại lợi ích cho trang trại về giá trị đầu ra của sản phẩm.
Khi áp dụng phúc lợi động vật, vật nuôi sẽ có chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn. Chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa chiến lược xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (lợn, gà) của Bộ NN-PTNT, cần thiết phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có phúc lợi động vật.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh Bắc Giang có 156.491 cơ sở chăn nuôi, được chia thành 2 loại hình, với 154.246 nông hộ và 2.245 trang trại.
Trong đó, trang trại quy mô nhỏ là 1.848, vừa là 339, lớn có 58… Tổng đàn lợn luôn duy trì khoảng 910.000 con, gia cầm 20 triệu con, sản lượng thịt đạt trên 250.000 tấn/năm.
Đối với chăn nuôi lợn, gia cầm hiện tại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu được chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp. Trong đó, chăn nuôi lợn hiện tại gần như 100% được nuôi nhốt hoàn toàn.
Tại các trại chăn nuôi lợn nái sinh sản, việc nuôi nhốt trong cũi lồng cũng rất phổ biến, nhằm hạn chế đi lại, vận động ảnh hưởng đến quá trình sinh sản nuôi con.
Ông Lê Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, việc đối xử nhân đạo với vật nuôi hay đảm bảo phúc lợi động vật là việc làm rất cần thiết.
Nó không chỉ giúp đảm bảo quyền được đối xử nhân đạo của vật nuôi, còn là điều kiện tiên quyết để chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.
Ông Dương kỳ vọng, chương trình tập huấn sẽ giúp trang bị bổ sung kiến thức về phúc lợi động vật các cán bộ có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền đối xử nhân đạo, đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.