Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) và Trung tâm Ứng dụng KHCN & đo lường thử nghiệm (Sở KHCN tỉnh Ninh Bình) đã thành công trong việc bảo tồn, phục tráng giống khoai sọ Nho Quan.
GĐ Trung tâm ứng dụng KHCN & đo lường thử nghiệm Ninh Bình, Hoàng Trọng Lễ cho biết: Khoai sọ Nho Quan là đặc sản nổi tiếng vùng ĐBSH với nhiều công dụng như ăn tươi, làm thuốc chữa bệnh, nguyên liệu cho công nghệ chế biến thực phẩm... cho hiệu quả kinh tế cao.
Khoai sọ Nho Quan dễ trồng, đầu tư chi phí thấp, TGST trên 6 tháng, ít bị sâu bệnh hại, năng suất đạt từ 10 - 11 tấn/ha, cho giá trị thu nhập gần 100 triệu đ/ha. Tại Ninh Bình, diện tích trồng khoai sọ đạt trên 200 ha, tập trung ở các huyện Nho Quan, Yên Mô và thị xã Tam Điệp, hằng năm cho sản lượng trên 2.000 tấn.
Kiểm tra giống khoai sọ nuôi cấy mô tại Viện Di truyền nông nghiệp
Những năm gần đây huyện Nho Quan chủ trương đưa khoai sọ thành cây mũi nhọn trong SX hàng hóa. Tuy nhiên, giống khoai sọ bản địa đang dần bị thoái hóa do thiếu chăm sóc, chọn tạo từ thế hệ này qua thế hệ khác, năng suất và chất lượng củ giảm dần; thậm chí có nguy cơ mất giống nếu không có các biện pháp bảo tồn, phục tráng.
Một trong những biện pháp tích cực được nhóm đề tài áp dụng để bảo tồn, phục tráng và nhân nhanh với số lượng lớn củ giống sạch bệnh để cung cấp cho nông dân mở rộng diện tích là nuôi cấy mô tế bào. Bằng công nghệ nuôi cấy mô tiên tiến, các mầm ngủ của cây mẹ có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt được tách lấy điểm sinh trưởng, thông qua các công đoạn làm sạch bệnh và nuôi cấy mô trong môi trường agar để tạo rễ, tạo chồi mới.
Các chồi mới được tách ra để nuôi cấy trong vườn ươm cách ly để tạo ra những cây giống hoàn toàn sạch bệnh, thuần chủng, có chất lượng cao; đồng thời vẫn giữ nguyên những tính trạng di truyền của giống để cung cấp cho SX.
Kết quả theo dõi tại các mô hình trồng thử nghiệm ở HTXNN Yên Quang cho thấy, so với giống truyền thống, khoai sọ nuôi cấy mô có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, năng suất cao hơn, chất lượng củ tốt hơn, ổn định; tỷ lệ nhiễm sâu bệnh hại thấp và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Xét về hiệu quả kinh tế, việc trồng bằng giống nuôi cấy mô tuy chi phí vụ đầu có cao hơn trồng từ củ bi thông thường, nhưng cho nhiều củ bi để làm giống cho vụ sau, do sạch bệnh nên chi phí BVTV giảm, hạn chế tác động đến môi trường và sức khỏe người SX.
Nếu sử dụng nguồn giống ban đầu từ nuôi cấy mô và áp dụng đúng quy trình canh tác, người trồng khoai sọ có thể đạt tới mức lợi nhuận 132 triệu đ/ha, cao hơn 25 triệu đ/ha so với trồng bằng giống củ bi thông thường. Đây chính là ưu điểm vượt trội của phương pháp góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về giống hằng năm nhằm mở rộng diện tích SX khoai sọ trên địa bàn tỉnh.
Theo khuyến cáo của nhóm đề tài, để đạt được hiệu quả cao, khi trồng bằng giống nuôi cấy mô bà con cần áp dụng đúng một số biện pháp kỹ thuật sau đây:
- Đất cần được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại sau đó đào hố hình tam giá, mỗi cạnh 20 cm mới đặt củ, các hốc cách nhau 40 cm, hàng cách hàng 70 cm.
- Lượng phân bón tính cho 1 ha gồm: 2 tấn phân chuồng + 220 kg đạm urê + 470 kg supe lân + 165 kg kali clorua. Bón lót toàn bộ phân chuồng và 2/3 lượng phân lân. Bón thúc lần 1 khi cây có 3 lá với 1/2 lượng đạm, 1/3 lượng kali, kết hợp làm cỏ, vun xới gốc. Sau 60 ngày bón nốt số đạm và lân còn lại và 1/3 lượng phân kali. Khi cây phát triển được 120 ngày bón nốt lượng phân kali còn lại kết hợp vun cao gốc cho khoai làm củ. Khi bón phân nên bón cách gốc 10 cm, không bón quá sâu hoặc quá xa gốc.
- Luôn giữ đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ lúc khoai 5 - 6 lá, cần tránh để ruộng khô hạn sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Trước khi thu hoạch 1 - 2 tháng, hạn chế tưới nước và ngừng hẳn để củ chuyển hóa tinh bột hoàn toàn làm tăng chất lượng sản phẩm.