| Hotline: 0983.970.780

Phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây xoài bằng thiết bị bay không người lái

Thứ Hai 15/06/2020 , 15:36 (GMT+7)

Mô hình phun thuốc BVTV trên cây xoài bằng thiết bị không người lái giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm thời gian, nước và bảo vệ sức khỏe…

Ngày 15/6, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trình diễn thiết bị bay không người lái (drone) phun phân bón lá giúp phục hồi vườn xoài tại thôn Bãi Giếng, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Nhiều người trầm trồ về thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên cây xoài. Ảnh: Kim Sơ.

Nhiều người trầm trồ về thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên cây xoài. Ảnh: Kim Sơ.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi trình diễn drone Lộc Trời tại Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Trị từ 15 đến 18/6/2020, qua đó giới thiệu dịch vụ chất lượng cao trong chăm sóc mùa vụ cho bà con nông dân, cũng như triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã khu vực miền Trung.

Tại buổi trình diễn thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên vườn xoài Úc với diện tích 1 ha, có độ tuổi 10 năm của gia đình anh Trần Quốc Khánh đã thu hút đông đảo bà con nhà vườn tham gia chứng kiến.

Việc phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí, bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Kim Sơ.

Việc phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí, bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Kim Sơ.

Theo anh Khánh, mỗi năm gia đình làm 2 vụ xoài. Vụ chính cho thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5, còn vụ nghịch cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Và, mỗi vụ diễn ra khoảng 3 tháng tính từ lúc xử lý gốc để ức chế sinh trưởng cây cho tới lúc thu hoạch. Nhưng thời gian anh dành phun thuốc BVTV để kiểm soát dịch hại trên xoài mất trên 1 tháng và cứ 4-5 ngày anh phun/lần. Chi phi đầu tư cho vụ xoài nghịch có thể lên đến 60-70 triệu đồng/ha, còn vụ chính khoảng 30 triệu đồng/ha.

Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV Khánh Hòa cho biết, dùng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ dịch hại trên cây xoài là công nghệ mới và xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp. Nếu áp dụng trên diện rộng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho người nông dân. Cụ thể không chỉ tiết kiệm được chi phí phun thuốc, lượng thuốc sử dụng trên một đơn vị diện tích xoài, mà còn mang lại hiệu quả phòng trừ dịch hại, bảo vệ sức khỏe cho nông dân...

“Với diện tích 1 ha mỗi lần tôi phun thuốc BVTV từ 10-12 phi (mỗi phi 200 lít nước) chi phí tất tần tật từ 400-500 ngàn đồng/phi”, anh Khánh nói rất tốn kém và cho biết thêm, với 2 người phun thuốc nhưng thời gian hoàn thành kéo dài cả ngày mới xong nếu thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên việc phun thuốc cho xoài lâu nay là dùng vòi phun áp lực cao để xịt lên cây nhiều lúc gặp gió đẩy làm thuốc rớt vãi xuống dính lên người, nên ảnh hưởng đến sức khỏe cho bà con.

Khi vườn xoài nhà anh được áp dụng phun thuốc BVTV bằng thiết bị máy bay không người lái, bà con đánh giá hiệu quả ban đầu đã giúp tiết kiệm thời gian phun, tiết kiệm nước và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người nông dân tốt hơn. Cụ thể, thời gian phun thuốc cho vườn xoài nhà anh Khánh rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, lượng nước giảm chỉ còn 30-40 lít cũng như công phun.

Về hiệu quả của việc phun thuốc bằng thiết bị không người lái, ông Trương Hồng Phong, Giám đốc kỹ thuật Cty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời giải thích: Đối với phun thuốc bằng tay, bà con phải dùng lượng nước lớn để lợi dụng lượng nước đó để phát tán đều lên cây trồng. Nhưng kích cỡ hạt phun ra rất lớn, cộng với kích cỡ của hạt sương thì làm cho giọt nước nặng nên rơi vãi xuống dưới môi trường.

Đối với phun thuốc bằng máy này thì người dùng có thể điều chỉnh hạt nước tới mức nhỏ nhất, chỉ là hạt sương. Dạng hạt sương phun ra bám vào trong lá lúa hoặc lá cây ăn trái thì nó hút hoàn toàn, không bị rơi vãi.

Nhờ vậy tiết kiệm lượng nước tưới từ 10-20 lần. Ví dụ trên lúa phun 1 lần quy định khoảng 400 lít/ha, nhưng đối với máy này có thể phun được khoảng 20 lít mà vẫn đảm bảo về lượng nước, vẫn đảm bảo về hiệu quả và tiết kiệm được chi phí cho bà con.

Đối với cây ăn trái thì tùy theo điều kiện, tùy theo tán vườn lớn hay nhỏ, cũng như tùy theo tuổi cây, đối tượng dịch hại mà điều chỉnh được lượng nước cho nó phù hợp. "Như vườn xoài nhà anh Khánh qua khảo sát chúng tôi điều chỉnh nước lượng phun chỉ còn khoảng từ 30-40 lít/ha, còn bình thường bà con phun 2.000 lít", ông Phong chia sẻ.

Nguyễn Võ Huy Hoàng, Phó ban Liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Lộc Trời có định hướng là sẽ phát triển liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ với bà con nông dân trên cả nước. Thời gian quan Lộc Trời đã phát triển chuỗi liên kết sản xuất rất mạnh tại ĐBSCL và tiến tới xây dựng các địa phương khác. Đầu tiên chúng tôi làm trình diễn thiết bị máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên xoài tại huyện Cam Lâm, để bà con thấy được hiệu quả về mặt công nghệ. Sau đó chúng tôi sẽ giới thiệu thêm về những chính sách hỗ trợ về mặt liên kết để bà con và HTX và địa phương thấy được lợi ích thiết thực...

Xem thêm
Xây dựng kế hoạch phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi cho Đông Nam Á

Dù đã có vacxin thương mại cho bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các chuyên gia đều cho rằng cần có một chương trình tổng thể ở cấp khu vực cho vấn đề này.

Lợn nuôi bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh giúp tăng miễn dịch

THÁI NGUYÊN Nuôi lợn thịt bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh có nhiều ưu điểm, như tăng khả năng miễn dịch, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa,...

Chuyện về một đại điền đặc biệt xứ Thanh

Người đàn ông này đam mê làm nông nghiệp đến mức người ta quên cả việc ông vẫn đang giảng dạy môn Địa lý tại một ngôi trường cấp 3 ở huyện Hoằng Hóa.