Phát biểu trong một cuộc gặp gỡ ở thành phố St Petersburg trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin rằng, Belarus lo ngại trước các chính sách "gây hấn", "đối đầu" và "đe dọa" của các quốc gia láng giềng Lithuania và Ba Lan.
Ông Lukashenko đã đề nghị người đồng cấp Nga Putin giúp Belarus thực hiện một "phản ứng tương xứng" với những gì ông mô tả là “các vật thể bay có vũ khí hạt nhân” của liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đến gần biên giới Belarus.
Đặc biệt, ông Lukashenko đã cầu viện sự giúp đỡ của Moscow để giúp Belarus chế tạo máy bay quân sự có năng lực hạt nhân.
Ông Putin cho biết, hiện tại ông chưa cần phải có một “phản ứng đối xứng”, nhưng các máy bay phản lực Su-25 do Nga chế tạo cho Belarus có thể được nâng cấp tại các nhà máy của Nga nếu cần thiết.
Ngoài ra, ông Putin hứa sẽ cung cấp Iskander-M cho Belarus, một hệ thống tên lửa dẫn đường di động mã "SS-26 Stone", thay thế cho tên lửa "Scud" của Liên Xô. Hai tên lửa dẫn đường của nó có tầm bắn lên tới 500 km (300 dặm) và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã đột ngột tăng cao kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine cách đây 4 tháng, đồng thời cáo buộc NATO có kế hoạch kết nạp Ukraine và sử dụng nước này như một vùng đệm để đe dọa Nga.
Động thái quân sự của Nga không chỉ gây ra một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây mà còn khiến Thụy Điển và quốc gia láng giềng phía bắc của Nga là Phần Lan nộp đơn xin gia nhập liên minh phương Tây.
Trong tuần qua, Lithuania đã khiến Nga hết sức tức giận khi ngăn chặn quá trình vận chuyển hàng hóa (bị áp dụng lệnh trừng phạt của châu Âu đi qua lãnh thổ nước này từ Nga), qua Belarus, đến vùng Baltic của Nga là Kaliningrad.
Nga đã gọi đây là một hành động "phong tỏa", nhưng Lithuania cho biết nó chỉ ảnh hưởng đến 1% lượng hàng hóa vận chuyển thông thường trên tuyến đường và lưu lượng hành khách không bị ảnh hưởng.