Cuộc trưng cầu dân ý ở Belarus vừa diễn ra, đánh dấu mốc mới từ bỏ quy chế phi hạt nhân hóa đúng vào thời điểm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang trở thành bệ phóng cho quân đội Nga tấn công quốc gia láng giềng Ukraine.
Các hãng thông tấn Nga trích dẫn nguồn tin từ Ủy ban bầu cử trung ương Belarus cho biết, có tới 65,2% những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga. Kết quả được giới quan sát cho là “không mấy ngạc nhiên” bởi mọi việc đều nằm trong tay và dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Theo đó, việc sửa đổi bản hiến pháp có thể sớm thấy vũ khí hạt nhân quay trở lại trên đất Belarus lần đầu tiên kể từ khi nước này từ bỏ chúng sau khi Liên Xô tan rã.
Tuy nhiên sự việc đáng quan ngại khi nó xảy ra trùng vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine mà trước đó Belarus đóng vai trò trung gian giữa hai nước láng giềng.
Ngay sau động thái trên, nhiều quốc gia phương Tây đã tuyên bố không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Belarus bởi nó diễn ra trong bối cảnh các nhân vật đối lập tại nước này bị chính quyền của ông Lukashenko đàn áp sâu rộng. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, tính đến hôm qua đã có tổng cộng hơn một nghìn người bị bắt làm tù nhân chính trị ở Belarus.
Cuộc trưng cầu dân ý đã làm thổi bùng lên các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở một số thành phố của nước này. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, ít nhất 290 người đã bị bắt giữ sau khi ông Lukashenko phát động một cuộc đàn áp bạo lực đối với những người bất đồng chính kiến chống lại sự cầm quyền kéo dài 28 năm của ông.
Các cuộc biểu tình tuần hành đông người đã nổ ra vào năm 2020 sau cuộc bầu cử gây tranh cãi mà những người phản đối nói rằng ông Lukashenko đã gian lận phiếu.
Hôm Chủ nhật, phát biểu tại một điểm bỏ phiếu, ông Lukashenko cho biết ông có thể yêu cầu Nga trả lại vũ khí hạt nhân cho Belarus.
“Nếu các bạn (phương Tây) chuyển vũ khí hạt nhân cho Ba Lan hoặc Lithuania, tới biên giới của chúng tôi, thì tôi sẽ đề nghị ông Putin trả lại các vũ khí hạt nhân mà chúng tôi đã cho đi mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”, ông Lukashenko nói.
Nhà lãnh đạo độc tài Belarus Lukashenko đã ngả sang Nga sau các cuộc biểu tình năm 2020, để đảm bảo các khoản vay bù đắp ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đối thủ của ông Lukashenko trong cuộc bỏ phiếu năm 2020, thủ lĩnh đối lập lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya, đã kêu gọi người dân Belarus hãy sử dụng lá phiếu để phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Trong các video và hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, người dân đã tập trung tại các điểm bỏ phiếu ở Minsk và các thành phố khác để phản đối.
"Chúng tôi bị hạn chế rất nhiều thứ lúc này, với tất cả sự khủng khiếp và kinh hoàng mà chúng tôi đang phải chịu đựng. Nhưng tôi sẽ không tha thứ cho bản thân nếu tôi không cố gắng làm một điều gì đó", Elena, 45 tuổi chia sẻ vì lý do bảo mật thông tin cá nhân.
Hiến pháp mới sẽ trao quyền hạn cho Đại hội đồng nhân dân toàn Belarus, do ông Lukashenko lập ra và được đông đảo những người trung thành ủng hộ chính phủ. Nó cũng sẽ trao quyền miễn truy tố suốt đời cho tổng thống sau khi ông rời nhiệm sở.
Trước đó, ngày 27/2 một phái đoàn Nga được cử đi đàm phán với Ukraine đã đưa ra đề xuất đàm phán ở Gomel, biên giới Belarus. Tuy nhiên, phía Ukraine đã từ chối chấp nhận đàm phán tại địa điểm này bởi chính quyền Belarus chính là “bước đệm” để quân đội Nga đánh vào Ukraine.
Mặt khác Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với giới chức Nga bằng điều kiện nó được diễn ra ở các địa điểm "không thể hiện sự hung hăng đối với Ukraine".
Trong khi đó, vào thời điểm mà ông Zelenskiy loan báo Ukraine đồng ý đàm phán có điều kiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì một cuộc họp và hạ lệnh đặt lực lượng hạt nhân của nước này vào trạng thái "sẵn sàng", với lý do phản ứng lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Quân đội Nga trước đó đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine trong ngày 24/2.