| Hotline: 0983.970.780

PVcomBank và Sông Đà 1.01 trốn tránh trách nhiệm?

Thứ Năm 16/12/2021 , 12:29 (GMT+7)

Được giới thiệu và đã nộp tiền mua căn hộ của “VIP” Sông Đà 1.01 tại dự án Tokyo Tower Vạn Phúc. Thế nhưng căn hộ đã thuộc sở hữu của người khác.

Trụ sở Công ty Sông Đà 1.01 trong giờ hành chính, khi phóng viên đến liên hệ công tác. 

Trụ sở Công ty Sông Đà 1.01 trong giờ hành chính, khi phóng viên đến liên hệ công tác. 

Một căn hộ bán cho hai người?

Theo nội dung đơn thư, anh Đỗ Văn Thìn ((khách hàng mua căn hộ dự án Tokyo Tower Vạn Phúc) đã làm đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Mai (phó Giám đốc của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 mã: SJC) và bà Đào Thị Giang (nhân viên môi giới sàn giao dịch bất động sản Lâm Giang) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền là 934.836.000 đồng (Chín trăm ba mươi tư triệu tám trăm ba mươi sáu nghìn đồng). Đồng thời, làm đơn tố cáo Công ty Sông Đà 1.01 và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) về hành vi trốn tránh trách nhiệm đối với người mua nhà.

Cụ thể, theo đơn tố cáo anh Đỗ Văn Thìn, tháng 9/2017, anh được sàn bất động sản Lâm Giang giới thiệu mua căn hộ dự án Tokyo Tower Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Bà Đào Thị Giang đã môi giới qua bà Nguyễn Thị Mai là người có mối quan hệ chặt chẽ với chủ đầu tư và là chủ của 2 sàn ở dự án Tokyo Tower Vạn Phúc là tầng 21 và 36.

Ngày 11/10/2017, qua sự môi giới của sàn giao dịch bất động sản Lâm Giang, anh Thìn đã đặt cọc cho bà Đào Thị Giang số tiền 50 triệu đồng với nội dung đặt cọc mua căn hộ A2104 tại dự án Tokyo Tower Vạn Phúc.

Đến ngày 30/10/2017, khách hàng này đã ký hợp đồng mua căn hộ A2104 với chủ đầu tư là công ty cổ phần Sông Đà 1.01. Sau đó, khách hàng đã nộp số tiền 497.574.000 (tương đương với 30% giá trị căn hộ) vào tài khoản của Chủ đầu tư Sông Đà 1.01 mở tại ngân hàng PVcomBank.

Ngày 01/11/2017, anh Thìn cùng vợ và bà Đào Thị Giang tới nhà bà Nguyễn Thị Mai để đóng nốt số tiền 884.836.000 đồng cho bà Nguyễn Thị Mai (có phiếu thu của Sông Đà 1.01). Sau đó môi giới Giang có bàn giao lại cho khách hàng những giấy tờ sau: Biên bản thanh lý hợp đồng của bà Mai và chủ đầu tư, phiếu thu, biên bản xác nhận giao nhận tiền, giấy xác nhận số tiền mua nhà.

Thế nhưng sau khi nộp tiền và thực hiện các thủ tục đã ký kết tại hợp đồng, anh Thìn qua trao đổi với những người mua nhà tại dự án trên đã tá hỏa phát hiện căn hộ A2104 tại dự án Tokyo Tower Vạn Phúc còn được bán cho một người khác nữa và hiện căn hộ đã thuộc sở hữu của người khác không phải anh Thìn.

Khi mua căn hộ, hợp đồng 3 bên là Sông Đà 1.01, PVcomBank và khách hàng đã được ký hết, anh Thìn đã nộp số tiền tổng cộng là gần 1,5 tỷ đồng để mua căn hộ nói trên.

Tháng 9/2018, do chủ đầu tư vi phạm các cam kết với ngân hàng, ngân hàng PVcomBank đã tiến hành thu giữ dự án để đảm bao thu hồi nợ xấu. Trong quá trình này, anh Thìn làm việc với ngân hàng và bộ phận kế toán của chủ đầu tư thì được biết số tiền mặt đã đóng cho bà Nguyễn Thị Mai và bà Đào Thị Giang (tổng cộng 934.836.000 đồng) không hề được chuyển về tài khoản của chủ đầu tư mở tại ngân hàng PVcombank cũng như không được chuyển về cho chủ đầu tư.

Vì vậy anh Thìn đã làm đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Mai (phó Giám đốc của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01) và bà Đào Thị Giang (nhân viên môi giới sàn giao dịch bất động sản Lâm Giang) đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, tất cả các phiếu thu của Sông Đà 1.01 đều có chữ ký của ông Tạ Văn Trung là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Sông Đà 1.01 và dấu của công ty Sông Đà 1.01. Theo tìm hiểu, hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai không còn giữ chức vụ phó Giám đốc của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01.

Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 09/2018 đến nay, khách hàng mua nhà đã nhiều lần liên lạc với bà Nguyễn Thị Mai cũng như bà Đào Thị Giang bằng nhiều cách khác nhau (gọi điện, gửi thư …) để yêu cầu hoàn trả. Trước áp lực dư luận Tháng 10/2021, bà Mai đã hoàn trả số tiền 884.836.000 đồng cho anh Thìn.

Tuy nhiên, khi anh Thìn yêu cầu thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ A2104, thì được biết PVcomBank không tiếp tục thực hiện thanh lý với những hợp đồng còn lại của dự án này.

PVcomBank đang làm trái cam kết?

Dự án Tokyo Tower Vạn Phúc, Hà Đồng trước đó có tên gọi là Hà Nội Landmark 51, đến thời điểm hiện tại vẫn đang đắp chiếu. (ảnh internet)

Dự án Tokyo Tower Vạn Phúc, Hà Đồng trước đó có tên gọi là Hà Nội Landmark 51, đến thời điểm hiện tại vẫn đang đắp chiếu. (ảnh internet)

Được biết, tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này với giá trị bảo lãnh 1.000 tỷ đồng.

Trước khi mua nhà, anh Thìn và nhiều người dân mua căn hộ tại dự án trên đều nhận được thư cam kết phát hành bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN của Ngân hàng PVcomBank về việc cam kết sẽ phát hành bảo lãnh trong việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Trước sự việc dự án bị chậm tiến độ, Ngân hàng PVcomBank đã tiến hành siết nợ, thu giữ tài sản của là Dự án Tokyo Tower. Đứng trước nguy cơ mất tiền, mất nhà, đã có nhiều cuộc đàm phán diễn ra giữa ba bên gồm: khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng.

Theo đó, chiều ngày 06/11/2018, PVcomBank đã tiến hành tổ chức gặp mặt các khách hàng mua nhà tại Dự án Tokyo Tower. Đây là những người đã chuyển tiền vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại ngân hàng PVcomBank (trong đó có anh Thìn) để thống nhất về việc giải quyết quyền lợi cho người mua nhà và các bước xử lý tiếp theo của ngân hàng trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với người mua nhà đã chuyển tiền vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại PVcomBank, ngân hàng này đã cam kết như sau:

Đối với người có nhu cầu thu hồi lại vốn đã đầu tư mua nhà, PVcomBank sẽ thu xếp hỗ trợ người mua nhà chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cho đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng. Người mua nhà sẽ thu hồi vốn tối đa bằng số tiền đã thanh toán cho chủ đầu tư.

Còn với người muốn nhận nhà, PVcomBank sẽ triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật để hoàn thiện dự án, đảm bảo giao nhà cho người mua nhà trong thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời, PVcomBank cũng cam kết thời gian tối thiểu để hoàn thiện dự án dự kiến khoảng 06 tháng kể từ ngày dự án được chính thức triển khai.

Đối với phương án này, PVcomBank đã không có ý định thực hiện hợp đồng bảo lãnh đối với người mua nhà. Căn cứ từ hợp đồng bảo lãnh có quy định, khách hàng sẽ được đền bù thêm 10% giá trị căn hộ ngoài khoản tiền trả lại khách hàng nếu không nhận bàn giao căn hộ. Đồng thời, phương án trên còn không tính đến lãi suất mà người mua nhà phải trả sau nhiều năm ký hợp đồng mua căn hộ.

Trên thực tế đối với trường hợp anh Thìn, khi anh yêu cầu thanh lý hợp đồng mua nhà, yêu cầu hoàn trả lại cho anh số tiền 497.574.000 đồng anh đã nộp vào tài khoản của Chủ đầu tư Sông Đà 1.01 mở tại ngân hàng PVcomBank thì được biết phía ngân hàng không tiếp tục thanh lý hợp đồng còn lại của dự án này. Và hiện dự án này đến thời điểm hiện tại vẫn đang "đắp chiếu" và không có bất cứ động thái nào thể hiện đang tái khởi công.

Dự án Tokyo Tower (trước đây là chung cư Vinafor hay Landmark 51) do liên danh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư.

Dự án có 51 tầng, 688 căn hộ, diện tích khu đất là 4.557,3m2, có địa chỉ tại ĐT70A, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội - tọa lạc tại nút giao 2 trục đường lớn Tố Hữu và Vạn Phúc tỏa đi các hướng giao thông quan trọng là Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu. TP Hà Nội.

Được bắt đầu xây dựng vào năm 2015, nhưng đến cuối năm 2018, hàng trăm khách hàng của dự án vẫn chưa nhận được nhà đúng hạn. Bởi chủ đầu tư - Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1.01 đã làm trái cam kết, bị ngân hàng siết nợ, không bàn giao nhà ở đúng thời hạn, gây thiệt hại nặng nề cho khách hàng.

Tính đến nay dự án này đã thi công 6 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện và bàn giao nhà theo đúng cam kết với hàng trăm khách hàng đã trót đầu tư hàng tỷ đồng vào dự án này.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.