| Hotline: 0983.970.780

Quan làm, dân chịu

Thứ Tư 19/12/2012 , 09:26 (GMT+7)

Những lô cao su đang tuổi dậy thì mơn mởn, được trồng theo hợp đồng, trồng đúng thiết kế. Nhưng đúng lúc cao su đang bắt đầu cho cạo mủ thì người trồng rừng bất ngờ nhận được thông báo của chính đơn vị đã ký hợp đồng, buộc phải chặt bỏ và không có bồi thường.

Những lô cao su đang tuổi dậy thì mơn mởn, được trồng theo hợp đồng, trồng đúng thiết kế. Nhưng đúng lúc cao su đang bắt đầu cho cạo mủ thì người trồng rừng bất ngờ nhận được thông báo của chính đơn vị đã ký hợp đồng với mình (Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Tây Ninh), buộc phải chặt bỏ và không có bồi thường! Lý do buộc chặt bỏ là trồng sai mục đích.

GÁNH HẬU QUẢ VÌ CHÍNH QUYỀN SAI

Năm 2004, ông Trần Văn Đông (ngụ P.4, TX.Tây Ninh) được Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQLRPHDT) ký hợp đồng trồng cao su trên diện tích 21 ha, nằm trên địa bàn xã Suối Dây, huyện Tân Châu (hợp đồng giao khoán đất số 113/HĐ.DADT, thời hạn 50 năm). Sau khi bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư vào khu đất, từ khai hoang, san lấp mặt bằng đến xây tường rào xung quanh, ông Đông bắt đầu trồng cao su theo nội dung hợp đồng. “Hồi đó, khu đất này toàn hố bom, ao tù và cây dại. Không kể rắn rết, khu đất còn rất nhiều trái đạn pháo, mìn từ thời chiến tranh để lại.


Vườn cao su của ông Đông

Tôi phải thuê người đến rà, dọn sạch mìn trước khi thuê xe ủi, xe cuốc đến san lấp. Ròng rã 3 tháng trời, tốn tiền tỷ, khu đất mới ra hình hài. Nhưng tôi nghĩ, hợp đồng thuê đến 50 năm, nên không ngại đầu tư”, ông Đông nhớ lại. Sau khi trồng cao su xong, ông Đông tiếp tục vay mượn tiền đào mương, dùng lưới B40 rào xung quanh. Đến thăm vườn cao su của ông Đông, chúng tôi mới thấy, do có sự đầu tư rất lớn nên cao su của ông đều tăm tắp, khác hẳn những vườn bên cạnh.

Năm 2010, sau 6 năm trồng, chăm sóc, khi ông Đông bắt đầu mở miệng, cạo mủ vườn cao su, thì BQLRPHDT và UBND xã Suối Dây buộc ông Đông phải chặt  bỏ giao trả 4,9 ha cao su trong diện tích 21 ha đã ký hợp đồng để giao cho Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý và trồng rừng với lý do: phần diện tích này ông Đông trồng không đúng mục đích. Do yêu cầu này quá vô lý nên ông Đông không chấp nhận và gửi đơn khiếu nại.


Hệ thống máy bơm, tưới đã được ông Đông đầu tư hàng trăm triệu đồng

Ngày 25/5/2010, ông Đông nhận được thông báo số 154/TB-RPHDT của BQLRPHDT, thu hồi hợp đồng giao khoán đất số 113 để lập hợp đồng mới (với diện tích giảm đi 4,9 ha) với lý do: “Nguyên nhân thu hồi hợp đồng của ông Đông là vì trước đây BQLRPHDT chưa xác định được ranh mốc cụ thể giữa khu vực trồng cao su, cây ăn trái và khu vực trồng rừng nên đã lập hợp đồng giao khoán đất trồng cao su bao trùm lên khu vực đất quy hoạch trồng rừng”! “Đó là điều hết sức vô lý! Nội dung hợp đồng số 113 ghi rất rõ: BQLRPHDT có nghĩa vụ xác định diện tích, vị trí, ranh giới đất nhận khoán trên bản đồ và trên thực địa. Họ giao cho tôi diện tích đó, tôi nhận đúng và trồng đúng loại cây. Bây giờ lại nói tôi trồng cây không đúng mục đích?”, ông Đông bức xúc nói.

Vì ông Đông không chấp hành thông báo số 154/TB-RPHDT, ngày 19/07/2010, UBND huyện Tân Châu tiếp tục ban hành quyết định số 1371/QĐ-KPHQ với nội dung: “Buộc ông Đông chặt bỏ toàn bộ diện tích cây trồng không đúng mục đích và giao trả lại 4,9 ha đất tại thửa số 524, tờ bản đồ số 5, tiểu khu 52 khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc xã Suối Dây, cho BQLRPHDT quản lý, sử dụng theo quy định”. Ông Đông làm đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Tân Châu khiếu nại quyết định trên. Ngày 20/09/2010 Chủ tịch huyện Tân Châu ban hành quyết định số 1884//QĐ-UBND, bác đơn của ông Đông về việc khiếu nại quyết định số 1371/QĐ-KPHQ ngày 19/07/2010 của UBND huyện Tân Châu.

TỈNH BAO CHE CHO CẤP DƯỚI?

Không chấp nhận quyết định này, ngày 11/10/2010 ông Đông nộp đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh để khiếu nại quyết định số  1884/QĐ-UBND ngày 20/09/2010 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu.

Căn cứ Điều 28, Luật Khiếu nại qui định, thì trong thời hạn 30 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phải giải quyết khiếu nại của ông Đông. Nhưng mãi đến ngày 25/06/2012, Chủ tịch tỉnh mới ban hành quyết định số 1214/QĐ-UBND (và mãi đến ngày 05/09/2012 UBND huyện Tân Châu mới tống đạt quyết định này cho ông Đông). Như vậy Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã vi phạm Luật Khiếu nại về thời hạn giải quyết khiếu nại gần 2 năm. Nội dung quyết định 1214/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh là bác khiếu nại của ông Đông, giữ nguyên quyết định 1884/QĐ-UBND.


Hàng chục người dân xã Suối Dây có cao su bị buộc phải chặt đang bức xúc trình bày với PV

Không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Đông khởi kiện hành chính quyết định này ra TAND tỉnh Tây Ninh. Nhưng Tòa án tỉnh cho rằng đối tượng khởi kiện trong vụ án này là quyết định số 1371 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu chứ không phải quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 25/06/2012 của Chủ tịch tỉnh nên chuyển đơn của ông Đông về TAND huyện Tân Châu xem xét, giải quyết.

TAND tỉnh Tây Ninh cho rằng đối tượng khởi kiện của vụ án này là quyết định 1371 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu là cố tình “né” tỉnh. Bởi ông Đông kiện quyết định số 1214/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chứ không khởi kiện quyết định 1371/QĐ-KPHQ ngày 19/07/2010 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu. 

“Điều 30, Luật Tố tụng Hành chính qui định: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các yêu cầu của cá nhân, tổ chức về việc khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước cấp tỉnh. Cho nên, TAND huyện Tân Châu không có quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện này. Và, hậu quả pháp lý mà ông Đông phải chịu  là mất quyền khởi kiện. Chắc chắn rằng TAND huyện Tân Châu sẽ không thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Đông với  lí do là thời hiệu khởi kiện đã hết (điều 104, Luật Tố tụng Hành chính qui định thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính là một năm)”, ông Lưu Hải Triều, người tư vấn luật cho ông Đông nói.

Về xã Suối Dây, huyện Tân Châu, chúng tôi mới biết, không chỉ cá nhân ông Đông “lãnh đòn”, mà còn có 3 hộ khác cũng bị buộc chặt bỏ cao su cùng lý do như ông Đông. Ấy là chưa kể hàng chục hộ dân khác có từ 1 đến 5-6 ha cao su đã lớn, đang cạo mủ, nhưng do trồng trên đất sang nhượng và không có hợp đồng giao khoán nên khi bị buộc chặt bỏ họ đành ngậm ngùi đứng nhìn. Điều đáng nói là, sau khi chặt bỏ cây cao su đã lớn để trồng sao, dầu thay thế, thì những cây rừng “thứ thiệt” này không biết vì lý do gì, gần như không lên nổi, phải nhìn chăm chú mới thấy chúng đang phất phơ lẫn trong cỏ dại. Sát bên vườn cao su của ông Đông (gần hồ Dầu Tiếng hơn), chúng tôi thấy một khoảnh rừng trồng keo xen dầu rộng chừng 2 ha, đang được thu hoạch. Khi chúng tôi hỏi, lãnh đạo BQLRPHDT cho biết, đấy là diện tích ngày xưa bị ngập, người dân tự trồng lên và bây giờ họ khai thác!

+ "Diện tích thu hồi này thuộc vành đai 200 mét tính tứ mép nước hồ Dầu Tiếng đi lên. Do ngày xưa chưa có thiết bị đo chính xác nên đã giao không chính xác. Bây giờ phải thu hồi. Trong việc này, anh Đông không sai, chính vì vậy mà vừa qua Sở NN-PTNT và Sở TN-MT đã họp bàn tìm cách giải quyết. Đã có phương án tính đầu cây bồi thường cho anh Đông, nhưng do chi phí quá lớn nên cách này không được tán thành”, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc BQLRPHDT.

+ “Trong việc này, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Còn việc thu hồi là phải thu, bởi vì đây thuộc hành lang an toàn lòng hồ Dầu Tiếng”, ông Phạm Hùng Thái - Bí thư Huyện ủy Tân Châu.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngàn người về đại ngàn Cúc Phương tránh nắng nóng dịp nghỉ lễ

Ngay trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay, hơn 2.000 lượt khách đã đến Vườn Quốc gia Cúc Phương tận hưởng không khí dịu mát, dễ chịu của đại ngàn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm