| Hotline: 0983.970.780

Quản lý chồi hữu hiệu cho lúa Đông Xuân

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Nếu để lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ lai rai thì năng suất sẽ không đạt, bởi vậy điều cần thiết là phải biết quản lý sao cho mỗi cây lúa có 2 chồi mạnh khỏe.

(Diễn giả: PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ - ĐH Cần Thơ; ThS Phan Văn Tâm, Cty CP Phân bón Bình Điền, KS Lê Thị Thủy, Chi cục BVTV Đồng Tháp)

SẠ DÀY HAY SẠ THƯA?

Một số nông dân băn khoăn đặt câu hỏi: Xưa cha ông nói “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày thì cóc được ăn”. Trong điều kiện sản xuất ngày nay câu nói trên liệu còn đúng? Đúng trong điều kiện nào?

Theo các nhà khoa học, "ba giảm ba tăng" là một tiến bộ kỹ thuật của Bộ NN-PTNT mới được đưa ra áp dụng đại trà hơn 10 năm nay. Trong 3 giảm thì giảm đầu tiên là giảm lượng lúa giống gieo sạ. Trước đây người dân ĐBSCL có thói quen sạ dày, lên đến 200, thậm chí 250 kg lúa giống/ha. Khuyến cáo mới trong 3 giảm 3 tăng là chỉ cần sạ 80 – 100 kg giống, nếu vụng thì cũng không nên quá 120 kg. Sau hơn 10 năm chuyển giao, diện tích áp dụng 3 giảm 3 tăng hiện đã lên tới khoảng 600.000 – 700.000 ha. Tuy nhiên nhiều nông dân vẫn phớt lờ, trong đó có không ít là nông dân sản xuất giỏi.

Lý luận của những nông vẫn sạ dày là họ không cần lúa đẻ nhánh, mỗi hạt lúa giống chỉ cần 1 cây cho 1 bông, bông đó vừa to vừa dài hơn là bông của nhánh nên sẽ hiệu quả hơn, còn bông của nhánh do có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên bông sẽ kém to, kém dài, lép nhiều.

Theo tính toán, để đạt năng suất khoảng 7-8 tấn/ha (năng suất này đã phát huy hết tiềm năng của giống) với lúa vụ đông xuân cần 600 bông cho mỗi m2, vụ hè thu cần 500 bông/m2. Một thực nghiệm cho thấy giai đạn lúa từ 30-40 ngày thì mỗi m2 có trên 1.000 cây và nhánh nhưng đến khi trổ đòng chỉ còn lại 600 do lúa tự hủy bớt chồi. Nếu sạ 100 kg giống/ha, thì mỗi m2 có 400 hạt, nếu sạ 150 kg giống thì mỗi m2 có 600 hạt, nếu sạ 200 kg thì có 800 hạt. Tỷ lệ nảy mầm của giống đạt bình quân 85%.

Như vậy, nếu không cho lúa đẻ nhánh thì việc sạ dày với lượng giống từ 175 – 200 kg/ha là hợp lý. Tuy nhiên việc để mật độ lúa dày xúm xít ngay từ đầu thì có 2 trở ngại, một là mặt ruộng quá rậm rạp (mỗi cây có 6 lá) nên sẽ có nhiều sâu bệnh, hai là rất tốn phân vì phải nuôi nhiều chồi vô hiệu (vì lúa vẫn đẻ nhánh nhưng sau nhánh con mới tự chết đi). Qua nhiều so sánh thực nghiệm, ở nhiều vùng, quốc gia khác nhau, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI mới kết luận rằng: Với giống lúa ngắn ngày, hiệu quả nhất là mỗi cây lúa lấy một bông chính và 2 bông nhánh và mật độ sạ từ 80 – 100 kg giống/ha sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

QUẢN LÝ CHỒI HỮU HIỆU

Cây lúa sẽ bắt đầu đẻ nhánh (ra ngạnh trê) khi được 5-6 lá, cứ 3 ngày thì ra một lá, ứng với 18-20 ngày sau sạ. Khi mới đẻ, thì cây mẹ phải nuôi nhánh nên cần phải bón phân lần 1 kịp thời vì nếu thiếu dinh dưỡng thì nhánh sẽ bị yếu ớt sau này không đạt năng suất. Thuật ngữ bón thúc đẻ nhánh là không chính xác vì dù muốn hay không thì lúa đã đẻ nên cần đổi lại là Bón nuôi nhánh.

Trên thực tế, việc một số nông dân vẫn duy trì sạ dày còn do yếu tố khách quan, đó là những ruộng không có mặt bằng tốt và có khi còn bị ốc bươu vàng tấn công. Bởi vậy cũng không nên cứng nhắc là đâu đâu cũng phải sạ 80-100 kg giống/ha mà còn phải tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể sao cho đến khi lúa trổ thì phải đạt 600 cây/m2 với vụ đông xuân và 500 cây/m2 với vụ hè thu.

Nếu để lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ lai rai thì năng suất sẽ không đạt, bởi vậy điều cần thiết là phải biết quản lý sao cho mỗi cây lúa có 2 chồi mạnh khỏe. Để hạn chế việc lúa đẻ lai rai, ngoài đặc tính giống cần phải bón phân nuôi chồi đúng thời điểm và bón cân đối cả đạm, lân và kali. Việc dư thừa phân đạm trong giai đoạn này sẽ mang đến hiện tượng lúa đẻ lai rai và sinh ra nhiều chồi vô hiệu.

Việc sử dụng nước ngập để ngăn ngừa lúa đẻ nhánh nhiều lai rai cũng là một giải pháp, nhưng trên thực tế giải pháp này không có tính khả thi vì muốn hạn chế lúa đẻ thì độ ngập nước phải từ 30 cm trở lên. Tuy nhiên, bà con nông dân hãy yên tâm vì khi lai tạo giống, các nhà khoa học đã đưa tiêu chí đẻ ít vào mục tiêu của lai tạo nên các giống lúa được phổ biến hiện nay đều không có khả năng đẻ nhiều. Cũng từ thực nghiệm, các nhà khoa học mới khuyến cáo là sau khi đẻ nhánh cần giảm dần mực nước để cho rễ lúa có điều kiện phát triển, ăn sâu và vững chắc.

Sạ với mật độ 80-100 kg giống/ha là lý tưởng cho việc tạo tiền đề cho năng suất cao và giảm chi phí. Muốn vậy phải có sự chuẩn bị chu đáo là trang bằng mặt ruộng, phòng trừ OBV, chọn giống, cảnh giác với ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra còn phải chú ý đến dinh dưỡng. Bà con ĐBSCL không có tập quán bón lót nên việc bón phân đợt 1 (7-10 ngày sau sạ) và bón phân đợt 2 (18-20 ngày sau sạ) là cực kỳ quan trọng.

Cả 2 lần bón này đều có yêu cầu bón vừa đủ và cân đối tỷ lệ NPK, trong đó nhu cầu về N là khá cao. Việc sử dụng phân bón chuyên dùng cho giai đoạn này tỏ ra thuận tiện và hiệu quả. Sản phẩm NPK Agrotain + TE Lúa 1 của Bình Điền được nông dân tin dùng bởi nó đáp ứng được nhu cầu tăng năng suất, giảm chi phí nhờ vào việc nuôi chồi lúa khỏe mạnh ngay từ đầu.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.