| Hotline: 0983.970.780

Mã số vùng trồng (PUC): Giấy thông hành cho nông sản Việt

Thứ Sáu 04/08/2023 , 07:23 (GMT+7)

Trong thương mại quốc tế, các quốc gia đặt các rào cản thương mại để hạn chế hoặc đảm bảo an toàn đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Các rào cản thương mại này gồm các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật hoặc qui trình đánh giá sự phù hợp.

Mã số vùng trồng có thể coi là một trong những yêu cầu đánh giá sự phù hợp, để đảm bảo rằng nông sản nhập khẩu được sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng.

Dựa theo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu, một số quốc gia ở châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc… yêu cầu nông sản của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu chính ngạch vào nước họ.

Tại cửa khẩu, hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Mã số vùng trồng là gì?

Mã số vùng trồng (Production Unit Code - P.U.C) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Việc có mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn đảm bảo sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất để đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm.

Ghi nhật ký canh tác nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc nông sản.

Ghi nhật ký canh tác nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc nông sản.

Cơ quan cấp mã số vùng trồng

Theo khoản 3, Khoản 4, Điều 64 Luật Trồng trọt, Bộ NN-PTNT xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc; UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT có thể ủy quyền cho các địa phương cấp mã số vùng trồng.

Quy trình đăng ký cấp mã số vùng trồng

Bước 1: Đăng ký thông tin kỹ thuật của vùng trồng: Tổ chức/cá nhân gửi nộp tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số vùng trồng và các thông tin cần thiết tại Chi cục BVTV hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh.

Cục BVTV xem xét, rà soát các tài liệu do tổ chức/cá nhân đệ trình. Nếu các tài liệu cần thiết đã được đáp ứng thì sẽ thực hiện bước 2.

Bước 2: Kiểm tra thực địa: Cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục BVTV hay Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh có trách nhiệm đi kiểm tra thực địa để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu làm căn cứ cấp mã số vùng trồng cho tổ chức/cá nhân đề nghị.

Việc kiểm tra đánh giá thực địa sẽ bao gồm các công tác: khảo sát thực địa và lấy mẫu kiểm tra thành phần sinh vật gây hại. Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cán bộ của Cơ quan BVTV nước nhập khẩu có thể đi theo để cùng đánh giá.

Bước 3: Đánh giá kết quả kiểm tra thực địa: Đơn vị kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ và Biên bản kiểm tra thực địa. Trong trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì chuyển sang bước 4.

Trong trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, Cục Bảo vệ thực vật sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Tổ chức/cá nhân xin cấp có thể tiếp tục đăng ký sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu còn thiếu.

Bước 4: Phê duyệt mã số vùng trồng: Sau khi kiểm tra và khảo sát, nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng và gửi thông tin chi tiết mã số đã cấp cho nước nhập khẩu.

Sau khi được nước nhập khẩu phê duyệt, Cục BVTV sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi cục BVTV hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh để chủ động quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số.

Chi cục BVTV hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh gửi thông báo cho tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số về mã số đã được cấp.

Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, Cơ quan BVTV của nước này sẽ cấp lại mã số IRADS (Irradiation Reporting and Accountability Database) dựa trên mã số P.U.C của Cục Bảo vệ thực vật.

Trường hợp xuất trái cây vào Hoa Kỳ, thùng hàng phải có đầy đủ thông tin của 2 loại mã số trên.

Thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng

Giấy tờ: (1) Đơn xin cấp mã số vùng trồng; (2) Đối với doanh nghiệp, gửi đầy đủ thông tin cần thiết của người đại diện công ty (Căn cước công dân hoặc hộ chiếu), giấy đăng ký kinh doanh của công ty với bản sao có công chứng; (3) Thông tin về người đại diện của vùng trồng xin cấp mã số (Căn cước công dân hoặc hộ chiếu), giấy chứng nhận qua lớp tập huấn về VietGAP với bản sao có công chứng; (4) Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).

Diện tích và điều kiện canh tác: Diện tích vùng trồng có nằm trong khoảng từ 6 - 10ha; không được quá 12ha để tiện cho việc quản lý; Vùng trồng nông sản xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP…) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương.

Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng. Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống.

Không trồng xen các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối tượng được kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).

Sổ sách ghi chép: Vùng trồng phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.

Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 1 quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.

Yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại…).

Vệ sinh trên đồng ruộng: Yêu cầu xung quanh và bên trong vùng trồng phải sạch cỏ dại, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác khác.

Phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi ni lông thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng.

Thành phần dịch hại trong vùng sản xuất: Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại đang có trên vùng trồng nông sản xuất khẩu.

Vùng trồng chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) hoặc tổ chức/cá nhân xin cấp mã phải có biện pháp kiểm soát và phòng trừ đảm bảo loài dịch hại đó không xuất hiện trên đồng ruộng. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại.

Yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng xuất khẩu: Vùng trồng nông sản xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng. Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV địa phương.

Cài đặt App 'Canh tác thông minh' trên điện thoại Android và Iphone.

Cài đặt App "Canh tác thông minh" trên điện thoại Android và Iphone.

 

 

(Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Đại học Tài chính)

Xem thêm
Tiềm năng làm sạch đất trồng nhiễm Cadimi nhờ sức mạnh của thực vật

Một số loài cây có thể hút và lưu giữ kim loại nặng, gồm chì, Cadimi, asen… không chỉ giúp làm sạch đất ô nhiễm mà còn cho phép thu hồi các kim loại quý.

Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.