Địa phương phải có trách nhiệm xác minh vi phạm
Phát biểu tại cuộc họp chuyên đề “Giải pháp quản lý, vận hành hệ thống thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và theo dõi, giám sát tàu cá, xử lý vi phạm hành chính” do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 1/3, đại diện TP. Hải Phòng cho biết, hiện nay, nguồn lực nói chung và nguồn nhân lực nói riêng để quản lý, vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá của địa phương đang rất hạn chế.
Bên cạnh đó, địa phương còn xuất hiện tình trạng thiết bị mất kết nối, không hoạt động nhưng không rõ nguyên nhân. Từ đó, đại diện TP. Hải Phòng đã đề nghị các nhà mạng cung cấp cần tích cực phối hợp với địa phương để điều tra xác minh việc mất kết nối.
Phản hồi về vấn đề này, Trung tâm Thông tin Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, các nhà mạng cung cấp dịch vụ đều có ứng dụng đi kèm để kiểm tra hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Do vậy, ngư dân hoàn toàn có thể tự kiểm tra hoạt động của thiết bị thông qua ứng dụng đó.
“Ngoài chức năng quản lý, ngư dân cần coi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là thiết bị đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần trao đổi kinh nghiệm quản lý, vận hành thiết bị giám sát hành trình với nhau”, đại diện Trung tâm Thông tin Thủy sản nêu quan điểm.
Cũng tại cuộc họp, nhiều địa phương cho biết có những trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, các địa phương không thể “chối bỏ trách nhiệm” như vậy vì theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, khi xảy ra một vụ việc có dấu hiệu của vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm chứng minh, xác minh việc vi phạm.
Còn theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, khi xảy ra trường hợp tàu cá tái phạm vi phạm hành chính, các địa phương không thể chỉ cho các chủ tàu và thuyền trưởng viết cam kết hết lần này đến lần khác mà cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn.
Xử lý nghiêm vi phạm về thiết bị giám sát hành trình
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư, thời gian qua, với số lượng tàu cá lớn, quá trình quản lý, vận hành thiết bị giám sát hành trình còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong khi công tác quản lý, lắp đặt và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến thiết bị giám sát hành trình đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để quản lý tàu cá, từ đó triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng như tiến tới gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).
Từ đó, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, các địa phương cần khẩn trương rà soát số lượng tàu cá chưa lắp đặt, khẩn trương lắp, trường hợp tàu không thể hoạt động cần có biện pháp giải bản để đảm bảo 100% tàu hoạt động được lắp thiết bị giám sát hành trình. Cần rà soát toàn bộ các tàu cá mất kết nối dài ngày, quản lý chặt chẽ số tàu này tránh việc tàu đi khai thác. Đối với các tàu mất kết nối trên 1 năm cần có giải pháp thu hồi giấy phép khai thác.
Đồng thời, các địa phương cũng cần xử lý thật nghiêm các tàu cá vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình nhằm tăng tính răn đe. Các lực lượng quản lý tại cửa biển (cảng cá, biên phòng) cần giám sát chặt chẽ việc niêm phong kẹp chì thiết bị trước khi ra, vào cảng. Tuyệt đối không cho ra khơi đối với các tàu không duy trì hoạt động của thiết bị.
Các trường hợp tàu có dấu hiệu vi phạm quy định thiết bị giám sát hành trình khi nhận thông tin từ Tổng cục Thủy sản cần được xử lý triệt để và báo cáo định kỳ theo quy định. Các cảng cá, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cần sử dụng hệ thống để kiểm soát một cách hiệu quả trong việc ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.
“Cùng với đó, các địa phương cần tuyên truyền cho ngư dân hiểu việc mất kết nối trên 10 ngày nếu tàu không vào bờ sẽ bị xử lý theo quy định. Hiện nay nhiều tàu khi gọi cho chủ tàu thì đều biết máy hỏng, gửi vào bờ nhưng vẫn đi khai thác”, ông Nguyễn Quang Hùng lưu ý.
Ngoài ra, các địa phương cần khẩn trương sắp xếp, bố trí nhân lực để trực 24/7 và ban hành đầy đủ các quy trình xử lý tàu cá vi phạm. Nghiêm túc trong việc phối hợp trả lời kết quả xử lý vụ việc khi nhận được Thông báo tàu cá vi phạm từ Tổng cục Thủy sản cho đến kết thúc vụ việc.
Đối với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, ông Nguyễn Quang Hùng đề nghị phối hợp với Trung tâm Thông tin thủy sản và các cơ quan quản lý thủy sản các tỉnh xác định nguyên nhân mất kết nối trên biển hàng ngày và có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kịp thời trong việc khắc phục sự cố của thiết bị do đơn vị mình cung cấp. Tuyệt đối không được hướng dẫn ngư dân thảo lắp thiết bị trên biển khi không có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Các đơn vị cũng cần thực hiện nghiêm quy định về cập nhật dữ liệu lên hệ thống giám sát, rà soát cập nhật đúng thông tin tàu cá theo quy định. Tổng hợp số lượng các tàu đã lắp thiết bị nhưng ngưng sử dụng dịch vụ vệ tinh và thông báo định kỳ vào ngày 20 hàng tháng về Tổng cục Thủy sản và các Chi cục Thủy sản có tàu lắp thiết bị để phục vụ quản lý. Khi cắt dịch vụ thuê bao vệ tinh của chủ tàu phải báo cáo Tổng cục Thủy sản và các địa phương để phục vụ quản lý. Đồng thời, cập nhật đầy đủ hạn phí thuê bao và mã kẹp chì lên phần mềm hệ thống giám sát tàu cá.