| Hotline: 0983.970.780

Xử lý ngay các vấn đề liên quan thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Thứ Tư 06/07/2022 , 22:46 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các địa phương, đề nghị phối hợp với các đơn vị cung cấp xử lý ngay các vấn đề liên quan thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các địa phương, đề nghị phối hợp với các đơn vị cung cấp xử lý ngay các vấn đề liên quan thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các địa phương, đề nghị phối hợp với các đơn vị cung cấp xử lý ngay các vấn đề liên quan thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian gần đây, qua 8 kỳ Báo Nông nghiệp Việt Nam viết liên quan đến thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) của một số đơn vị cung cấp thiết bị bị lỗi và chậm được khắc phục, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý và khó khăn cho ngư dân.

Qua cuộc họp ngày 16/6 với các đơn vị cung cấp thiết bị VMS và các địa phương 28 tỉnh, thành phố ven biển đánh giá tình hình và giải pháp tháo gỡ khó khăn về việc lắp đặt, giám sát, vận hành và quản lý Hệ thống giám sát tàu cá, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo một số nội dung.

Về công tác lắp đặt thiết bị, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt theo quy định. Đối với các tàu chưa lắp đặt, phải rà soát xác định rõ hiện nay tàu đó nằm ở đâu, giám sát quản lý và báo cáo hàng tháng về Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, rà soát và xác thực thông tin tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống để thống nhất thông tin giữa lắp đặt thực tế và hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản. Các địa phương chưa ban hành quy trình lắp đặt, tháo dỡ, thay thế thiết bị cần khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện.

Trong quá trình vận hành, đề nghị các địa phương chưa tổ chức trực vận hành hệ thống giám sát tàu cá 24/7, khẩn trương sắp xếp, bố trí nhân lực để trực 24/7 và ban hành đầy đủ các quy trình xử lý tàu cá vi phạm. Phối hợp trả lời kết quả xử lý vụ việc khi nhận được thông báo tàu cá vi phạm từ Tổng cục Thủy sản cho đến kết thúc vụ việc.

Để tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng, các cảng cá trong việc sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho việc kiểm tra xuất, nhập bến, truy suất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho ngư dân các quy định về việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về giám sát hành trình tàu cá. Tăng cường xử lý vi phạm hành chính liên quan đến tàu cá vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình để đủ sức răn đe.

Các cảng cá, lực lượng biên phòng kiên quyết không cho ra khơi đối với các trường hợp tàu cá không có tín hiệu giám sát hành trình trên hệ thống, thiết bị không có niêm phong kẹp chì hoặc bị hỏng.

Ngoài ra, địa phương cũng cần thường xuyên thành lập các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện của ngư dân, doanh nghiệp liên quan tới thiết bị giám sát hành trình, chủ thể nào thực hiện không nghiêm túc cần có biện pháp xử lý triệt để.

Công văn 4299 của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký. Ảnh: Tùng Đinh.

Công văn 4299 của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký. Ảnh: Tùng Đinh.

Riêng với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, Bộ NN-PTNT yêu cầu khẩn trương khắc phục triệt để những tồn tại theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân thực hiện quy định pháp luật khi khai thác trên biển và phòng chống khai thác IUU.

Phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý thủy sản các tỉnh xác định nguyên nhân mất kết nối trên biển hàng ngày và có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kịp thời trong việc khắc phục sự cố của thiết bị do đơn vị mình cung cấp.

Phối hợp với các địa phương rà soát và cập nhật các trường thông tin tàu cá vào hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc lắp đặt, thay thế, sửa chữa, bão dưỡng, kẹp chì lại thiết bị theo đúng quy định, báo cáo Chi cục Thủy sản các tỉnh. Tất cả các thiết bị sau khi lắp đặt, kẹp chì đều phải chụp ảnh lưu trữ phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm. Trường hợp không báo cáo trước khi thực hiện việc lắp đặt, sửa chữa, thay thế, nhà cung cấp chịu trách nhiệm theo quy định.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát mẫu kẹp chì đảm bảo chất lượng khi hoạt động trong môi trường biển, báo cáo mã kẹp chì cho từng thiết bị và số đăng ký tàu để cập nhật vào cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá.

Thực hiện nghiêm việc báo cáo thông tin cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương khi tháo lắp thiết bị và thay thế mã kẹp chì, đảm bảo mỗi số đăng ký tàu chỉ có một mà nhận dạng thiết bị và một mã kẹp chì duy nhất. Tuyệt đối không cấp kẹp chì dự phòng cho chủ tàu.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp tổng hợp số lượng các tàu đã lắp thiết bị nhưng ngưng sử dụng dịch vụ vệ tinh và thông báo định kỳ vào ngày 20 hàng tháng về Tổng cục Thủy sản và các Chi cục Thủy sản có tàu lắp thiết bị để phục vụ quản lý.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.