| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 14/01/2016 , 06:39 (GMT+7)

06:39 - 14/01/2016

Quảng bá qua phim ảnh

Tôi không xem phim “Cô dâu 8 tuổi” nhưng cũng cảm nhận được sức nóng và mức độ lan tỏa của nó, khi hàng ngày nghe những người xung quanh bàn tán về các nhân vật, tình tiết trong phim, rồi thấy những bài viết về bộ phim này thường xuyên xuất hiện trên các trang báo mạng.

Dĩ nhiên là do không xem nên tôi cũng không đọc những thông tin liên quan tới bộ phim. Nhưng rồi, cách đây mấy ngày, trên một tờ báo mạng, có một thông tin khiến tôi phải chú ý, đó là nhiều phụ nữ do mê phim “Cô dâu 8 tuổi” mà đã bỏ thời gian đi tìm mua mỹ phẩm Ấn Độ về sử dụng. Như vậy, sự thành công của bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” trên màn ảnh nhỏ Việt Nam, không chỉ góp phần làm cho hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Ấn Độ trở nên gần gũi hơn với nhiều khán giả Việt Nam, mà cũng đã làm cầu nối đưa một mặt hàng của Ấn Độ tới với người tiêu dùng nước ta.

Nhìn lại những năm qua, khi làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc tràn vào và thống lĩnh các kênh truyền hình nước ta, nhiều sản phẩm của nước này cũng nhờ đó mà hưởng lợi. Chẳng hạn, trước đây, nhắc tới hàng hóa của Hàn Quốc, người tiêu dùng Việt Nam chỉ biết tới những nhãn hiệu hàng điện máy, điện tử, ô tô như Samsung, LG, Huyndai… Các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang… của Hàn Quốc gần như không được người Việt biết tới. Nhưng từ khi phim truyền hình Hàn Quốc làm mê mẩn hàng trăm ngàn, hàng triệu người Việt, nhất là các bà, các cô, thì thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc, nhờ được các nhân vật trong phim sử dụng một cách khéo léo và ấn tượng, đã có cơ hội tốt để thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị lớn khác trên cả nước, không khó để tìm được những shop, cửa hàng chuyên bán thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc. Bên cạnh thời trang, mỹ phẩm, nhiều món ăn, thực phẩm và hàng hóa khác của Hàn Quốc cũng đã thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam với sự đóng góp ít nhiều của các bộ phim truyền hình nước này.

Như vậy, có thể thấy các sản phẩm văn hóa đại chúng, nhất là phim ảnh, là một kênh khá hiệu quả để quảng bá rộng rãi hàng hóa của doanh nghiệp, của quốc gia. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đã nhận ra kênh quảng bá quan trọng này, và trên thực tế đã có sự bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà làm phim trong nhiều bộ phim truyền hình. Tiếc rằng những bộ phim truyền hình ấy vẫn mắc phải những căn bệnh trầm kha của phim truyền hình Việt Nam như kịch bản yếu, dàn dựng cẩu thả với nhiều chi tiết vô lý, diễn viên diễn xuất kém…, vì thế không thu hút được sự quan tâm của khán giả trong nước. Mặt khác, nhà làm phim và doanh nghiệp, khi hợp tác để đưa hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp vào phim truyền hình, đã không thực hiện cho thật khéo léo, tinh tế và tự nhiên, trái lại nó khá thô thiển, lộ liễu, gây phản cảm với người xem phim. Do đó, cho đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào thành công trong việc quảng bá sản phẩm của mình thông qua phim truyền hình.

 Với sự bùng nổ của phim ảnh nói chung, phim truyền hình nói riêng như hiện nay, có lẽ các bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp cần có sự nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc về tác dụng quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá các loại nông sản, sản phẩm công nghiệp, du lịch… có chất lượng cao, độc đáo của nước ta thông qua phim ảnh. Qua đó có một chiến lược đầu tư tiếp thị, quảng bá một cách bài bản trên phim. Nếu các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bắt tay cùng các nhà làm phim để thực hiện một cách nghiêm túc, khôn khéo, sẽ vừa góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam, vừa quảng bá được một cách hiệu quả cho các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hay nông sản, hàng hóa có chất lượng tốt của nước ta. Trước mắt, có thể phim truyền hình Việt chưa đi ra được thị trường quốc tế, nhưng nếu được nâng cao về mặt chất lượng thì sẽ thu hút được sự quan tâm của khán giả trong nước, giúp cho những sản phẩm, dịch vụ được quảng bá khéo léo trong ấy trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng nội địa.