| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình hết nạn tàu cá '3 không'

Thứ Năm 20/06/2024 , 14:20 (GMT+7)

Quảng Bình đang hỗ trợ ngư dân trong việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho những tàu cá hoạt động bất hợp pháp…

Người dân vùng biển Quảng Bình tiếp tục đăng ký hồ sơ làm thủ tục cấp phép cho phương tiện đang bị xếp vào diện 'tàu 3 không'. Ảnh: Tâm Phùng.

Người dân vùng biển Quảng Bình tiếp tục đăng ký hồ sơ làm thủ tục cấp phép cho phương tiện đang bị xếp vào diện “tàu 3 không”. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có gần 800 tàu cá đang hoạt động nhưng không đăng ký, không đăng kiểm và không được cấp giấy phép khai thác (còn gọi là "tàu 3 không").

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, đây là tồn đọng của nhiều năm qua, trong đó nguyên nhân là do những tàu này được ngư dân đóng mới mà không có giấy phép hoặc chuyển nhượng mà không thực hiện chuyển hồ sơ chủ sở hữu theo quy định, hoặc những tàu cải hoán không đủ điều kiện đăng kiểm.

“Những nguyên nhân này dẫn đến có số lượng tàu không nhỏ không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định về vỏ tàu, máy tàu và nghề khai thác. Những tàu này có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, chuyên hoạt động ở ven bờ, tập trung tại các xã bãi ngang. Từ đó, tàu không ra khơi, hoặc ra khơi trong điều kiện bất hợp pháp”, ông Linh nói thêm.

Về xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), tìm hiểu về “tàu 3 không”, ông Đào Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã bảo Ninh cho hay: “Bà con ngư dân rất mong muốn cơ quan chức năng xem xét cho phép thực hiện các thủ tục để yên tâm được phép đưa tàu ra biển đánh bắt”.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, địa phương này đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU. “Tuy nhiên, địa phương hết sức lo lắng vì số lượng tàu '3 không' lớn. Đây là mối lo lớn của ngành chức năng Quảng Bình, bởi đó là một trong những trở ngại trong việc khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”, ông Lợi nói.

Việc cấp phép cho gần 800 'tàu 3 không' là rất cấp thiết để ngư dân an tâm bám biển khai thác thủy sản hợp pháp. Ảnh: Thanh Nga.

Việc cấp phép cho gần 800 “tàu 3 không” là rất cấp thiết để ngư dân an tâm bám biển khai thác thủy sản hợp pháp. Ảnh: Thanh Nga.

Cũng theo ông Lợi, trước thực tế đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN-PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá… vừa ban hành vào đầu tháng 5/2024 đã giúp ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc.

“Đó cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám ngư trường”, ông Lê Văn Lợi trao đổi thêm. "Chúng tôi cũng đã cùng tổ công tác của Trung tâm đăng kiểm xã Bảo Ninh thực hiện việc kiểm tra tàu, thiết bị nhằm sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục cấp phép cho bà con ngư dân. Theo lịch đăng ký, nhiều bà con ngư dân cùng phương tiện đã có mặt tại cơ sở đóng tàu tại xã Bảo Ninh để cùng tham gia việc kiểm tra".

Ông Mai Văn Mùi (xã Bảo Ninh), chủ tàu 320CV vừa được tổ công tác ký biên bản kiểm tra hoàn tất thủ tục đã vui mừng cho hay: “Nhiều năm liền, do không có hồ sơ nên tàu nhà tôi xem như là tàu lậu. Vì vậy, việc ra khơi đánh bắt rất khó khăn, thậm chí không thể ra khơi được. Nay thì mừng lắm. Khi có đầy đủ giấy phép thì việc khai thác biển được dễ dàng rồi. Mình không phải là đánh bắt bất hợp pháp nữa. Không chỉ nhà tôi đâu mà nhiều gia đình khác cũng rất mừng”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã phổ biến các giấy tờ, thủ tục cần thiết đến tận xã và các thôn có biển hoặc có phương tiện đi biển. Qua đó, bà con biết quy định để đến cấp chính quyền xác nhận, kê khai.

Tàu được cấp phép tham gia hoạt động khai thác thủy sản vùng lộng, tăng thu nhập cho ngư dân. Ảnh: Tâm Phùng.

Tàu được cấp phép tham gia hoạt động khai thác thủy sản vùng lộng, tăng thu nhập cho ngư dân. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, hồ sơ đăng ký tàu cá, tờ khai đăng ký phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú để làm căn cứ cho cơ quan chức năng xác định đúng đối tượng, phương tiện. Ngoài ra, chủ tàu phải cung cấp các bản sao chụp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá, bản thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu và ảnh màu chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu.

“Việc xác nhận của chính quyền cấp xã, phường nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú là để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, khắc phục tình trạng bỏ tàu hoặc chủ tàu bỏ trốn không thể tìm ra khi có vi phạm”, ông Linh cho biết thêm.

Đến nay, Quảng Bình đã hoàn thành thủ tục cấp phép cho gần 600 “tàu 3 không” thành tàu có hồ sơ hợp pháp và đang tiếp tục triển khai cấp các loại giấy phép cho gần 200 tàu còn lại.

Gặp chúng tôi tại trụ sở Chi cục Thủy sản Quảng Bỉnh, ông Phạm Văn Tám (ngư dân tại thị xã Ba Đồn), rất mừng vì phần thủ tục được làm nhanh. Ông cho hay, gia đình có mua chiếc tàu 350CV nhưng do không làm giấy chuyển nhượng nên phải “neo” bờ gần hai năm nay. Bữa trước, ông đã lên phường xin xác nhận và làm thủ tục để được cấp các loại giấy phép.

“Nhờ quy định mới mở hướng nên từ 'tàu 3 không', tôi đã có đầy đủ giấy tờ theo quy định và có đăng ký mới hợp pháp. Bên Chi cục Thủy sản tỉnh có giấy hẹn cấp phép rồi. Khoảng tuần sau là tàu tôi có chuyến đi biển đầu tiên đầy tự tin và an tâm lắm”, ông Tám hồ hởi.

Xem thêm
Kiên Giang bắt đầu thả giống nuôi tôm nước lợ từ tháng 1/2025

Năm 2025, Kiên Giang đề ra kế hoạch sản lượng tôm nuôi đạt 140.000 tấn, thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ từ tháng 1/2025.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.