| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Ruộng khô, người khát

Thứ Tư 12/06/2019 , 08:54 (GMT+7)

Đến đầu tháng 6, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình thực hiện gieo cấy vụ HT trên 14.600ha (đạt 84% kế hoạch). Trong đó có hơn 1.000ha bị ảnh hưởng nặng do thiếu nước…

Việc không đủ nguồn nước tưới khiến bà con nông dân hoang mang, lo lắng. Chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với hạn hán.

14-52-20__1
Rau màu khô héo.

Ông Trần Ngọc Sỹ, Giám đốc HTXNN Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) đưa chúng tôi ra vùng đồng ngoài. Cánh đồng rộng chừng 60ha phơi mình dưới nắng gay gắt. Hàng năm, vào vụ HT do thiếu nước nên cơ cấu đưa vào khoảng 20ha gieo cấy lúa và khoảng 15ha chuyển đổi sang trồng màu. Nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào 3 hồ nhỏ gồm phía bên đường sắt.

Tuy nhiên, do từ đầu năm mưa ít kèm theo nắng gắt nên lượng nước trong 3 hồ đã tụt hẳn. Sau vụ ĐX, bà con làm đất xong rồi bỏ hoang vì không có nước để gieo vụ HT. Hơn 15ha chuyển đổi cũng chỉ thực hiện được chừng 2,5ha cho các loại dưa, rau màu.

Cánh đồng lúa chuyển đổi khô cháy. Những vạt rau mồng tơi thiếu nước úa vàng, ngọn héo rũ dưới cái nắng. Bà Lê Thị Vinh tìm hụp trong chiếc nón tiếc nuối nhìn ruộng dưa đã héo quắt nói: “Nhà có 5 sào ruộng chỉ làm được một vụ vì thiếu nước. Có gần 2 sào chuyển qua trồng dưa thì hạn quá chết hết. Trời không mưa nên ruộng dưa khô sạch. Nếu ai vô tình châm điếu thuốc chắc cháy như rơm. Tiền công cán, tiền giống cũng mất gần 3 - 4 triệu đồng rồi”.

Từ cuối năm ngoái, lượng mưa không đủ để các gồ đập tích nước. Đầu năm đến nay, mưa ít và nắng nóng lên đến 40 độ kéo dài khiến người dân ở các địa phương căng mình chống chọi hạn hán.

Vụ HT năm nay, huyện Quảng Trạch gieo cấy gần 3.000ha lúa và trên 2.000ha các loại ngô, khoai, sắn, đậu, rau… Trong đó gần 2.000ha lúa và cây trồng đang bị thiếu nước trầm trọng.

14-52-20__2
Ruộng xã Quảng Lưu khô nứt nẻ.

Quảng Phương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng. Diện tích lúa gieo cấy đạt 480ha. Đến thời điểm này, đã có gần 300ha thiếu nước. Trên cánh đồng thôn Tô Xá rộng hàng chục ha ruộng khô nứt nẻ, cây lúa sém vàng.

Gia đình ông Phùng Văn Viên có 6 sào ruộng bị thiếu nước từ hơn tháng nay. Ra thăm lúa, ông ngồi thụp giữa đám ruộng, thò bàn tay xuống khe nẻ để đo độ sâu rồi ngước lên nhìn trời rát nắng: “Nếu thêm tuần nữa mà không có mưa là lúa chết khô hết”.

Như đã nói trên, ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh có gần 550 hộ dân chủ yếu nhờ vào giếng để lấy nước sinh hoạt. Vùng đất này cũng ít khi xảy ra thiếu nước như bây giờ. Ông Trần Ngọc Sỹ cho hay, khoảng 500 giếng trong thôn đã trơ đáy. Số còn lại chỉ còn nước lợn cợn nếu lấy cũng chỉ dùng cho trâu bò uống. Mọi người phải mua nước đóng trong thùng nhựa 20 lít để dùng ăn uống.

Nhà ông Sỹ có 4 người. Mỗi ngày hết 1 thùng với giá 14 ngàn đồng. “Không chỉ lo nước cho người mà chúng tôi cũng đang lo lắng về nước uống cho đàn trâu bò hơn 300 con của thôn”, ông Sỹ nói.

14-52-20__3
Cánh đồng không có nước tưới bỏ hoang.

Mấy nhà có điều kiện thì thuê thợ về khoan vào đáy giếng sâu thêm khoảng 50m mới có nước dùng. Ông Trần Văn Sơn vừa khoan xong giếng, lắp cả đường ống, máy bơm hết 23 triệu đồng. Ông cho hay: “Vậy nhưng cũng phải dùng dè xẻn, cho bà con được ít chứ không nhiều. Vì bơm nhiều nước cũng cạn”.

Thôn Tam Đa (xã Quảng Lưu, Quảng Trạch) có gần 460 hộ dân, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu dùng nước giếng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn cho hay toàn bộ giếng nước của bà con đều cạn.

Trong thôn có 3 giếng làng từ lâu đời, những năm hạn nặng vẫn không khô nước. Tuy nhiên vào năm nay, 2 giếng đã khô đáy. Chỉ còn giếng Mội là nước còn khoảng 1m. Người dân tranh thủ lấy nước từ rạng sáng, thời gian còn lại cho giếng tích nước.

Ở thôn Văn Tiên (xã Quảng Lưu) cũng trong tình cảnh thiếu nước ăn uống. Bà Dương Thị Lượng cho biết phải kéo xe bò đi xa hơn cây số mới xin được nước giếng về dùng.

“Mấy ngày qua, người xin nhiều quá nên nước cũng cạn dần rồi. Không khéo thêm chục hôm nữa thì không còn nước mà xin. Mong chi trời cho được trận mưa để có nước uống”, bà Lượng nói.

14-52-20__4
Người dân thôn Tam Đa chỉ còn nguồn nước giếng Mội duy nhất.
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch nhận định, nếu trong 2 tuần tới không có mưa thì huyện sẽ lâm vào thiếu nước trầm trọng. Vì đến lúc này các hồ có dung tích lớn trên địa bàn mực nước đã về thấp quá, không thể tận dụng được nữa.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.