| Hotline: 0983.970.780

Vùng biên chuyển đổi cây trồng, ứng phó hạn hán

Thứ Hai 10/06/2019 , 13:10 (GMT+7)

Huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) có thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên gặp hạn vào mùa khô nên việc điều tiết nước tưới chống hạn rất khó khăn. 

Trước thực trạng trên, chính quyền đã chủ động triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa nước bị hạn và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

14-18-37_nh_nh_rh_mh_bri_dng_chm_soc_vuon_du_phung_cu_gi_dinh
Anh Rah Mah Bri (làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đang chăm sóc vườn đậu phụng của gia đình.

Theo Phòng NN- PTNT huyện Đức Cơ, huyện có 85ha đất trồng lúa nước của 360 hộ dân không thể canh tác do liên tục bị hạn hoặc nhiều năm bị đất, mùn bồi lấp. Từ năm 2015 đến năm 2018, phòng đã phối hợp với các xã vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loài cây chịu hạn được 6,8ha. Đến nay, các mô hình này bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ tham gia, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những mô hình khả quan là trồng chuối với sự tham gia của 8 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Kla, thực hiện tại cánh đồng Ia Tâu với quy mô 2 ha, tổng kinh phí thực hiện là 100 triệu đồng, được trích từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Rah Lan Hêl (làng Sung Le Kắt) đã nhận 200 cây chuối giống về chăm sóc trên diện tích hơn 2 sào đất vốn trước kia trồng lúa. Sau một thời gian, ông Rah Lan Hêl cũng như những hộ khác đều thấy rõ được những ưu điểm của cây chuối là không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh và không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Một ưu điểm nữa là cây chuối còn cho thu hoạch ổn định.

“Trước đây, diện tích lúa nước này rất hay bị hạn vào mùa nắng, ngập úng vào mùa mưa. Năm 2017, được lãnh đạo xã vận động, mình đã chuyển đổi sang trồng chuối. Đến nay, vườn chuối của mình phát triển tốt và đang cho thu hoạch đều đặn. Hiện nay, với mức giá dao động từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/buồng, mà luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán. Ngoài ra, hoa chuối cũng bán rất chạy để làm rau sạch, cây chuối làm thức ăn cho heo, gà”, ông Rah Lan Hêl chia sẻ.

14-18-37_nh_vuon_chuoi_cu_gi_dinh_ong_rh_ln_hel_1
Vườn chuối của gia đình ông Rah Lan Hêl

Cùng với đó, mô hình 1 ha đậu phụng với 5 hộ ở làng Pnuk, xã Ia Kriêng tham gia, tổng kinh phí thực hiện 52 triệu đồng, các hộ dân đã thu hoạch với sản lượng đạt 2,5 tấn hạt tươi/ha. Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, anh Rah Mah Bri cho biết, cuối năm 2018, anh được tập huấn về quy trình kỹ thuật, cấp giống đậu phụng và phân bón các loại. Đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được 5 tạ đậu phụng trên diện tích 2 sào đất.

"Hiện tại, giá đậu phụng là 20.000 đồng/kg, gia đình mình thu được 10 triệu đồng. Mình thấy trồng đậu phụng mang lại thu nhập ổn định và đỡ cực hơn trồng lúa nên sẽ tiếp tục mở rộng”, anh Rah Mah Bri nói.

Ngoài đậu phụng và chuối, để giúp người dân có thêm thu nhập trên diện tích lúa bị hạn, trong năm 2019, Phòng NN- PTNT huyện Đức Cơ đã tham mưu để huyện mở rộng thêm một số mô hình như trồng rau, thanh long, khoai lang, bắp, cỏ voi, cà chua, chanh dây... Các mô hình chuyển đổi tương đối phù hợp với thổ nhưỡng và có tính khả thi cao.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.