| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Tăng bò lai, giảm bò cóc

Thứ Năm 18/07/2019 , 09:15 (GMT+7)

Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình nhìn nhận, trong 3 năm qua lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh không những phát triển về số lượng mà chất lượng cũng được nâng cao.

12-18-06_nnvn__2_1
Nuôi bò lai ở Tuyên Hóa.

“Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc cải tạo chất lượng đàn bò góp phần làm tăng tỷ lệ bò lai đạt hơn 49%, tạo được sự chuyển hướng tích cực trong chăn nuôi, ông Minh cho hay.
 

Khuyến khích bò lai

Theo ông Mai Văn Minh, ngành nông nghiệp Quảng Bình xác định chăn nuôi là mảng kinh tế quan trọng nên đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ trọng và nâng cao giá trị. Cùng với việc triển khai “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Quảng Bình ban hành thêm các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tỉnh ưu tiên về đất, đầu tư về hạ tầng và tạo các điều kiện khác để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp.

Hiện Quảng Bình có trên 2.500 ha diện tích trồng ngô, cỏ làm thức ăn chăn nuôi và ngày càng được mở rộng do sự tham gia của một số dự án chăn nuôi bò quy mô lớn. Thêm nữa, diện tích trồng cao su, rừng keo lớn... cũng là điều kiện tận dụng vùng chăn thả bò. Từ đó, đã hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi bò lai sinh sản và nuôi bò vỗ béo với gần hàng nghìn hộ tham gia ở thị trấn nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), huyện Tuyên Hóa, Lệ Thủy….

Với nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, từ năm 2016 đến nay, Quảng Bình đã có các dự án chăn nuôi bò thịt quy mô lớn sử dụng giống nhập ngoại và quy trình nuôi khép kín như dự án chăn nuôi bò thịt công nghệ cao.

Điển hình như Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình với quy mô 29.000 con; dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Quảng Bình Milk với quy mô 10.000 con, Công ty Lê Dũng Linh liên doanh với một doanh nghiệt Nhật Bản nuôi bò Kobe…

Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều hộ dân cũng đầu tư trang trại nuôi hàng trăm con bò thịt, liên kết nuôi vỗ béo bò hoặc chuyển dần từ nuôi bò giống địa phương sang bò lai. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển chăn nuôi của nông dân Quảng Bình sau rất nhiều năm gắn bó, quen thuộc với giống bò cóc địa phương.

Đến tháng 6/2019, Quảng Bình có tổng đàn bò trên 98.200 con (giảm 5,5% so với năm trước). Tuy nhiên đây là con số vui, vì số tổng đàn giảm nhưng tỷ lệ bò lai lại tăng lên 5% trên tổng đàn.

“Bà con nông dân đã biết giảm số lượng bò địa phương để tăng đàn bò lai. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho hay.

Ông Ngô Sáu (huyện Quảng Ninh) trước đây có đàn bò cóc trên 30 con. Từ năm ngoái đến nay, ông bán dần vì tính toán nuôi không có lãi. “Bán được mấy trăm triệu, tui đầu tư mua chục bò lai để nuôi vì thu nhập gấp nhiều lần”, ông Sáu bộc bạch.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Quảng Bình: “Chúng tôi chú trọng đến chất lượng đàn bò. Trong đó, tỷ lệ bò lai Zebu và các giống chuyên thịt tăng rõ rệt. Các giống bò năng suất thịt cao như Brahman trắng, Drought Master, BBB (Blanc Blue Belgium) được đưa vào sản xuất cho bê lai thích nghi và tăng trưởng tốt. Công tác thụ tinh nhân tạo bò được xã hội hóa và duy trì tại các địa phương. Tính đến cuối tháng 5/2019, đã thực hiện thụ tinh gần 4.000 bò lai".

Trong các địa phương, huyện Tuyên Hóa đang dẫn đầu về tỷ lệ bò lai. Tổng đàn bò ở Tuyên Hóa có gần 19.000 con, trong đó đàn bò lai chiếm hơn 65%. Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho hay, huyện thực hiện nhiều biện pháp để cải tạo chất lượng đàn bò thay thế dần giống bò cóc.

“Huyện ban hành các chính sách hỗ trợ hộ gia đình chăn nuôi bò lai 50% máu ngoại và tổng đàn thường xuyên có từ 5 con trở lên với mức 300 nghìn đồng/con; hỗ trợ trang trại chăn nuôi 30 triệu đồng/trang trại/năm”, ông Phương nói.
 

Thu nhập cao

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Nhường (ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa). Gia đình ông đã nuôi bò cóc hàng chục năm qua. Tuy nhiên, thu nhập không được nhiều. Được dự các lớp tập huấn về bò lai và về chính sách cải tạo chất lượng cao nên ông quyết định chuyển hướng.

Năm 2014, gia đình ông mua hai con bò cái lai Sind về nuôi. Ông còn được Trạm Khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật và phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau đó, ông Nhường có 2 con bê lai và xuất bán mỗi con hơn 15 triệu đồng.

Ông Nhường so sánh: “Nếu với bê cóc giống địa phương thì chỉ bán được từ 5 - 6 triệu đồng. Trong khi đó, bê lai mang lại hiệu quả cao gấp đôi”.

Từ cặp bò lai ban đầu, đến nay, đàn bò lai của ông Nhường có trên chục con. Mỗi năm, chỉ với việc xuất bán bê lai cũng cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ mô hình của ông Nhường, hàng chục hộ khác cũng học theo, chuyển từ nuôi bò cóc sang bò lai.

12-18-06_nnvn__2_2
Đàn bò lai được nuôi ở vùng biển.

Tại các địa phương vùng biển, phong trào bò lai thay thế giống bò địa phương cũng được đẩy mạnh. Chỉ tính riêng 3 xã biển của huyện Lệ Thủy cũng đã có tổng đàn bò lai gần 3.000 con.

Ông Ngô Thởi có đàn bò 20 con chăn thả trong đồng cỏ tự nhiên. Ông cho biết: “Nhà tôi chuyển từ bò địa phương sang bò lai đã được gần 3 năm nay. Thực tế giá bán bê lai hay bò lai lấy thịt đều tăng hơn 2 lần bò cóc. Trong khi đó chi phí cho chăn nuôi cũng gần ngang nhau, thậm chí chăm bò lai còn dễ hơn. Mỗi năm, gia đình cũng có thu nhập trên 300 triệu đồng”.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm trong sản xuất cà phê

Chủ động quản lý và giảm tần suất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong sản xuất cà phê sẽ giúp tăng chất lượng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.