| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc thu hút cả 'đại bàng' lẫn 'chim sẻ'

Quảng Nam quy hoạch lại ngành nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư

Thứ Ba 01/06/2021 , 06:09 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Nam sẽ phân vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ưu tiên phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao và có các cơ chế thu hút nhà đầu tư.

Nhằm làm rõ vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Thưa ông, ông có thể cho biết nền nông nghiệp ở Quảng Nam hiện nay có những lợi thế, khó khăn gì?

Quảng Nam có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, tài nguyên phong phú với chiều dài bờ biển 125km, độ che phủ rừng đạt 59,33%, bên cạnh đó, người nông dân có kỹ năng, cần cù chịu khó. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư với đa dạng lĩnh vực từ nông - lâm - thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất hàng hoá, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tại Quảng Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chế biến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Trình độ khoa học kỹ thuật trên thế giới ngày càng phát triển và hội nhập mạnh mẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Tuy nhiên, địa phương vẫn còn có những khó khăn nhất định như ngành nông nghiệp Quảng Nam hiện nay phát triển thiếu bền vững; đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ cho nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định.

Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, tín dụng, các chính sách thuế, phí chưa hợp lý, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp chậm phát triển, nhân lực nông nghiệp yếu về chuyên môn kỹ thuật, thủ tục hành chính còn phiền hà gây cản trở cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Các nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp ở Quảng Nam hiện nay vẫn đa số là nhà đầu tư nhỏ. Ảnh: L.K.

Các nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp ở Quảng Nam hiện nay vẫn đa số là nhà đầu tư nhỏ. Ảnh: L.K.

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có những cơ chế, chính sách gì để phát triển nông nghiệp, thưa ông?

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chủ động xây dựng các Quy hoạch ngành nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt nước được thuận lợi.

Trong giai đoạn hiện nay, theo Luật Quy hoạch năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, lồng ghép tất cả các quy hoạch ngành vào trong Quy hoạch này nhằm tránh sự chồng lấn trong quy hoạch cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư định hướng đầu tư.

Ngoài ra, Trung ương và tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi về chính sách đất đai. Qua đó, đến nay đã có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Quảng Nam như: Công ty TNHH Đại Dương Xanh, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã thực hiện việc thuê dịch vụ môi trường rừng để tổ chức trồng Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu như: Công ty Cổ phần Vingroup; Công ty Cổ phần Thương mại Địa Ốc Việt; Công ty TNHH Dược liệu Sâm Ngọc Linh Việt Nam...

Nông nghiệp Quảng Nam hiện nay phát triển chưa bền vững, đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp, chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: L.K.

Nông nghiệp Quảng Nam hiện nay phát triển chưa bền vững, đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp, chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: L.K.

Ông có thể cho biết, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã có bao nhiêu doanh nghiệp, dự án đầu tư vào nông nghiệp? Quy mô và hiệu quả mà các dự án này mang lại?

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được 78 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, đã tăng đến trên 90 doanh nghiệp. Trong đó có 13 dự án thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh và còn lại các dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác như chăn nuôi, trồng rừng, giống nông lâm thủy sản, chế biến nông lâm sản…

Nhìn chung, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn, miền núi có chiều hướng gia tăng về quy mô và đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả và giá trị của sản phẩm. Ý thức về tổ chức sản xuất của người dân đã được cải thiện; các khâu liên kết trong sản xuất hàng hóa, vệ sinh môi trường càng ngày càng được người dân quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án tiến độ còn kéo dài chưa đi vào sản xuất, chưa tạo sự liên kết với người dân và tạo động lực chung.

Hiện nay, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh nhìn chung gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Các dự án đầu tư vào nông nghiệp phải tự thoả thuận đất đai với người dân, do đó ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án và khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư các dự án mới.

Bên cạnh đó, thủ tục cấp phép xây dựng được phân cấp một phần cho địa phương xử lý. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư do hợp tác xã đầu tư bằng hình thức thuê đất hoặc liên kết với người dân bằng hình thức góp vốn quyền sử dụng đất thì các địa phương còn lúng túng trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng.

Các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là những nhà đầu tư nhỏ, ít am hiểu về thủ tục pháp lý của nhà nước. Trong khi đó, quy định hướng dẫn và các thủ tục đầu tư vẫn còn rườm rà, phức tạp, đa số các dự án chậm về thủ tục hồ sơ đất đai, môi trường.

Vậy, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh Quảng Nam như thế nào để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh?

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ tích hợp các quy hoạch của ngành Nông nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh đồng thời nghiên cứu phân vùng cho các vùng sản xuất lớn, chuyên canh ưu tiên để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh sẽ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng Đề án về chính sách tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh gắn với việc liên kết doanh nghiệp với địa phương, hợp tác xã và nông dân; Đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng cơ chế để thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Ảnh: L.K.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng cơ chế để thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Ảnh: L.K.

Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; Đề án phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chú trọng gắn kết phát triển nông nghiệp hữu cơ với phát triển sản phẩm du lịch ở các vùng ven đô thị, vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, có ít nhất một mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp có hiệu quả để nhân rộng.

Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối chặt chẽ xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa. Xây dựng cơ chế để thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời, chủ động tìm đầu ra (trong nước và xuất khẩu), làm cơ sở để tổ chức sản xuất, xem đây là khâu đột phá cho phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh…

Xin cảm ơn ông!

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam chủ yếu thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất gắn chế biến các sản phẩm nông nghiệp; phát triển một số loại cây dược liệu, cây đặc trưng của tỉnh; các nhà đầu tư chăn nuôi quy mô lớn thân thiện với môi trường. Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo định hướng trên, do đó, dự kiến số lượng doanh nghiệp, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hằng năm khoảng 20 - 30 dự án.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.