| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Sản xuất lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 20/08/2020 , 08:15 (GMT+7)

Canh tác lúa theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại Quảng Nam đã thể hiện nhiều ưu điểm, giúp người dân giảm chi phí, tăng năng suất.

Vụ hè thu (HT) năm 2020, xã Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) triển khai thực hiện 75ha lúa canh tác theo mô hình CSA tại cánh đồng thôn Đức Bố. Đây là mô hình nằm trong Hợp phần 3, Dự án WB7 của tỉnh này. Mô hình nhằm với mục tiêu giúp cho người dân thấy được hiệu quả của sản xuất lúa thông minh từ đó tiến tới nhân rộng.

Lúa sản xuất theo mô hình CSA ở thôn Đức Bố (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam) phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho năng suất từ 70 – 80 tạ/ha. Ảnh: L.K.

Lúa sản xuất theo mô hình CSA ở thôn Đức Bố (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam) phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho năng suất từ 70 – 80 tạ/ha. Ảnh: L.K.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa xanh mướt, trĩu hạt, ông Trần Sĩ Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Anh Bắc cho biết, đây là vụ thứ 2, địa phương thực hiện sản xuất lúa theo mô hình CSA. Vụ đông xuân (ĐX) năm 2019 – 2020, xã triển khai thực hiện mô hình trên diện tích 50ha và cho thấy hiệu quả rất tốt. Do đó, vụ HT năm nay, một số hộ dân thấy được và đăng ký tham gia, tăng tổng diện tích thực hiện lên thêm 25ha.

“Vụ này toàn xã có hơn 700 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình. Các hộ dân được hỗ trợ 3,5kg giống trên sào và công cụ sạ hàng. Đồng thời, người dân cũng được Trung tâm Kỹ thuật huyện Núi Thành hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn nên các ruộng lúa mô hình phát triển rất tốt”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, canh tác lúa theo mô hình CSA có lợi đầu tiên là giảm được lượng giống đáng kể. Trước đây người dân địa phương thường sạ 5 – 6kg/sào thì mô hình chỉ sạ 3,5kg. Thế nhưng, năng suất lúa thu được vẫn cao hơn cách làm truyền thống của bà con. Nếu như bình thường mỗi ha lúa, người dân canh tác theo phương pháp truyền thống chỉ thu được từ 50 – 60 tạ thì vụ ĐX vừa rồi ruộng mô hình cho năng suất lên đến trên 70 tạ/ha.

“Việc sạ hàng trong mô hình lúa CSA giúp cho người dân dễ chăm bón. Khi đi bón phân thuốc thì ruộng lúa có những lối đi, tránh giẫm đạp lên cây. Hàng thưa nên bộ rễ của cây có không gian để phát triển, tăng độ bám vào đất chống đổ tốt. Bên cạnh đó, việc sạ hàng thưa cũng giúp cho lá cây tăng độ quang hợp, hạn chế được sâu bệnh”, ông Nam nói thêm.

Vụ HT năm nay, gia đình ông Huỳnh Văn Lập (trú thôn Đức Bố) canh tác 6 sào lúa theo mô hình CSA. Đây là vụ thứ 2 gia đình ông được hỗ trợ thực hiện phương pháp sản xuất lúa này. Ông Lập cho biết, trải qua 2 vụ, ông nhận thấy lúa thực hiện theo mô hình phát triển rất đều. Nếu như ở địa phương, các ruộng lúa khác thường hay bị ảnh hưởng bởi sâu cuốn lá, sâu keo và bệnh đạo ôn thì ruộng lúa CSA của ông bị không đáng kể. Do đó, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật cũng ít đi.

“Trong mô hình, chúng tôi được hướng dẫn sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ để bón và bón đúng thời điểm, ruộng lúa hấp thu vừa đủ nên tránh được sự lãng phí, giảm được lượng phân rất nhiều so với cách làm trước đây. Năng suất thu được cũng tăng lên từ 10 – 15 tạ/ha. Nhận thấy hiệu quả như vậy nên nhiều bà con trong xã rất hài lòng. Các vụ tới, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục sản xuất theo mô hình này”, ông Lập chia sẻ.

Theo ông Trần Sĩ Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Anh Bắc thì việc canh tác lúa theo mô hình CSA quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện đúng kỹ thuật. Vì đây là phương pháp mới, đa số nông dân trong xã mới lần đầu tiên biết đến nên trong quá trình thực hiện, Trung tâm Kỹ thuật huyện Núi Thành thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, mỗi lớp khoảng 50 nông dân, chia thành nhiều đợt.

“Với bón phân thì quan trọng là đúng thời điểm phát triển của cây lúa, tăng cường lượng phân vi sinh. Còn thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu sử dụng các loại thuốc sinh học theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng sâu bệnh, đúng thời điểm và đúng liều lượng. Vụ này, bà con áp dụng rất tốt. Qua đánh giá thì các cánh đồng lúa thực hiện theo mô hình CSA ở địa phương năm nay có thể đạt năng suất từ 70 – 80 tạ/ha”, ông Nam nói.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.