Gia đình ông Lương trồng 9 sào sắn thì tất cả đều bị nhiễm bệnh khảm lá. |
Đặc biệt, đa phần sắn nhiễm bệnh chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch nên càng khiến cho người dân thêm phần lo lắng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh này có khoảng 64ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Diện tích này tập trung chủ yếu ở 21 xã miền núi của 5 huyện là Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Trà Bồng.
Xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh) là địa phương có diện tích sắn bị bệnh khảm lá nhiều nhất. Tính đến nay toàn xã đã có 15,5 ha sắn nhiễm bệnh. Người trồng sắn ở đây cho biết, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy sắn bị nhiễm loại bệnh này nên không biết phải xử lý thế nào.
Vụ sắn năm nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Lương (trú đội 6, thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang) trồng 9 sào sắn thì toàn bộ diện tích này đều bị nhiễm bệnh.
Ông Lương chia sẻ: “Trước đây, người dân chúng tôi chủ yếu trồng loại sắn ngọn đỏ và cây vẫn phát triển, sinh trưởng bình thường, không mắc bệnh gì. Hai vụ gần đây, thấy sắn ngọn trắng cho năng suất cao hơn nên nhiều người dân chuyển qua trồng giống này. Vụ năm ngoái, sắn cho năng suất cao, lợi nhuận tăng lên nên năm nay tiếp tục trồng thì bây giờ xuất hiện bệnh”.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thông (trú thôn Đông Hòa, Tịnh Giang) cũng có 5 sào sắn bị bệnh khảm lá. Theo ông Thông thì vào năm 2018, khi lên Gia Lai ông thấy nông dân ở đó trồng loại sắn ngọn trắng cho năng suất cao hơn giống địa phương mình đang trồng nên mua giống về canh tác. Vụ đầu tiên cũng thắng lợi nhưng đến vụ năm nay, khi chỉ còn 1 tháng nữa thu hoạch thì sắn đột nhiên bị nhiễm bệnh, lá biến dạng cong queo, nhăn nhúm.
“Bệnh này lần đầu tiên người trồng sắn chúng tôi gặp phải, chỉ mới xuất hiện cách đây 1 tháng nhưng tốc độ lây lan rất nhanh. Đến nay trên cánh đồng trồng sắn của thôn toàn bộ diện tích trồng sắn ngọn trắng đều bị nhiễm. Còn những hộ trồng sắn ngọn đỏ thì lại không bị bệnh.
Sắn sắp thu hoạch lại mắc bệnh khiến người dân lo lắng. |
Bên cạnh đó, cây sắn đang chuẩn bị thu hoạch nên chúng tôi lo sợ rằng bệnh sẽ làm giảm tỷ lệ bột, giá thu mua giảm đi. Với những cây bị bệnh, khi nhổ lên thì mặt ngoài củ bị sần sùi, phía trong ruột củ ngả màu vàng”, ông Lương nói và cho biết hiện tại vì không có cách xử lý nên hầu như mọi người dân đều chấp nhận để vậy, thu hoạch được chừng nào thì tốt chừng đó.
Trước tình hình này, ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên địa bàn tỉnh thì Chi cục đã đi kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương. Theo đó, bệnh khảm lá sắn xuất hiện nhiều trên 2 giống là KM 94 và KM 140, các giống khác cũng bị nhưng nhiễm nhẹ hơn.
“Rất may là bệnh xuất hiện vào thời điểm sắn đã sắp thu hoạch nên cũng không gây thiệt hại quá lớn. Chi cục đang tập trung chỉ đạo các địa phương trong vụ sắp tới hướng dẫn người dân không sử dụng hom sắn bị bệnh để làm giống. Sau đó Chi cục sẽ thành lập các ban chỉ đạo để xuống địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền cho người nông dân nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh này gây ra”, ông Bá nói. |