| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: "Xé rào" vì hạn

Thứ Ba 13/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Vụ HT 2014 Quảng Ngãi SX hơn 33.900 ha  lúa. Do nắng nóng kéo dài, mực nước tại các hồ chứa và công trình Thạch Nham sụt giảm nên nước tưới căng thẳng ngay từ đầu vụ...

NƠI SẠ SỚM, CHỖ TRỔ BÔNG

Trong lúc nông dân trong tỉnh tất bật thu hoạch lúa ĐX thì bà con xã Đức Phú, huyện Mộ Đức lại hối hả làm bờ, cày đất; thậm chí nhiều hộ còn đốt rạ để chóng xuống giống vụ HT.

Lý giải sự khẩn trương này, ông Trần Thanh Long ở thôn Phước Hòa bảo rằng: “Tranh thủ chứ không là hết nước”. Hóa ra, 116 ha lúa của nông dân thôn Phước Hòa sống nhờ nước trời (nước ở các hồ, đập bổi). Có điều hiện giờ, hồ, đập bổi cũng sắp trơ đáy nên để có nước sạ sớm, bà con phải khoan giếng.

Nỗ lực thế nhưng theo Phó Chủ nhiệm HTXNN Phước Hòa Phạm Thanh Tư thì, chỉ có 53/116 ha lúa của xã viên được gieo sạ trong vụ này. Số còn lại phải trồng mè, đậu phụng.

Còn tại các xã Bình Thanh Đông, Bình Đông, Bình Chương, Bình Khương… huyện Bình Sơn, bà con cũng đã bước vào vụ HT theo phương châm "gặt đến đâu, sạ đến đó" dù biết làm thế là xé lịch thời vụ chung của tỉnh.

Ông Lê Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn chia sẻ: “Đợi lịch, nước cạn. Thế nên bà con đành tranh thủ lúc ao, hồ còn sót nước mà xuống giống. Được hay mất, chúng tôi cũng chấp nhận”. Được biết vụ HT năm nay, huyện Bình Sơn có đến 1.500/4.500 ha diện tích lúa không chủ động nước tưới. Nông dân vì thế phải tính chuyện gieo sạ sớm.

Trong khi nông dân các địa phương trên lo lúa sạ sớm sẽ thất bát thì bà con xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh vã xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ lại sợ thiếu gạo vì vụ HT này, họ phải bỏ ruộng hoang.

Đơn cử như ở đồng Gieo, thôn Đức Sơn, xã Tịnh Hiệp. Dù mới đầu mùa nắng, nhưng những đám ruộng ở đây đã khô cứng, nứt toác.

Ấy thế nên không chỉ lúa, mà đến loại cây có tiếng “ít xài nước” nhất là mè cũng chẳng sống nổi. Hẳn vậy mà khi lúa vụ ĐX gặt xong, hơn 160 ha diện tích ở đồng Gieo được... nghỉ ngơi phơi nắng trong sự nuối tiếc của bà con.

CHUYỂN ĐỔI CŨNG KHÓ

Theo kế hoạch, vụ HT tới Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đảm bảo tưới tiêu cho 20.988 ha diện tích SX các loại cây trồng, so vụ HT năm 2013 giảm hơn 100 ha. Đáng lo ngại là công trình đầu mối Thạch Nham, các hồ chứa, đập dâng do Cty quản lý được dự báo có khả năng kiệt nước vào giai đoạn từ tháng 5 - 7.

Vụ HT 2013, rất nhiều nông dân trong tỉnh phải chấp nhận bỏ ruộng, hoặc rơi vào thảm cảnh mất mùa, thất thu vì thiếu nước.

Đơn cử như ở huyện Bình Sơn có hơn 400 ha lúa bị mất trắng. Hay huyện Đức Phổ phải bấm bụng bỏ hơn 800 ha để lấy nước “cứu” 4.300 ha...

Chẳng thế mà bước vào vụ HT năm nay, thấy nông dân các địa phương trên xuống giống sớm, PGĐ Sở NN-PTNT Đào Minh Hường tỏ ý lo lắng: "Nguyên nhân, sạ sớm chưa hẳn “né” được hạn, rồi thời điểm lúa trổ rất dễ rơi vào giai đoạn nắng nóng cao điểm khiến hạt bị hóp, lép nhiều. Nguy cơ mất mùa là khó tránh khỏi".

Ấy nên để giúp nông dân tránh cảnh “mất cả công lẫn của”, ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã chủ động giới thiệu một số công thức luân canh trên đất lúa kém hiệu quả (bao gồm cả diện tích không chủ động nước tưới).

Theo đó, ngoài các loại cây trồng truyền thống như bắp lai, đậu phụng, đậu nành, mè thì ớt, cỏ phục vụ chăn nuôi hay các loại rau màu cũng được chọn để thay lúa trong vụ HT này.

Mặc dù đây là động thái tích cực nhằm kịp thời ứng phó với tình trạng hạn hán được dự báo là rất khốc liệt (từ tháng 5 - 7) nhưng theo Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn Lê Văn Khoa thì: “Nông dân thực hiện luân canh không khó. Khó là làm sao bán được sản phẩm”.

Minh chứng điều này, ông Khoa cho rằng nông dân các vùng đất “khát” Bình Sơn đã kinh qua nhiều công thức luân canh như lúa - mía/bắp/đậu/rau màu... Có điều trồng xong, giá bán rẻ như cho khiến họ quay về với 2 vụ lúa.

Đồng quan điểm này, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cũng cho rằng, trước tình hình nước tưới căng thẳng như hiện nay, việc xác định đúng lịch thời vụ và lựa chọn giống cây trồng là cần thiết. Do đó, song song với việc giải quyết đầu ra sản phẩm luân canh cho nông dân thì, nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày, chịu hạn và có năng suất cao là yêu cầu cấp thiết.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.