| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị căng sức ứng phó dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 17/11/2021 , 00:35 (GMT+7)

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã tái bùng phát trên địa bàn Quảng Trị và đang có chiều hướng lây lan nhanh.

Tại tỉnh Quảng Trị, hoạt động chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ còn phổ biến. Hiện nay, sau một thời gian dài dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết.

Mặt khác, công tác phòng bệnh cho vật nuôi, nhất là tiêm phòng các bệnh cho lợn đạt tỷ lệ thấp, chậm nên có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Điều này cũng khiến nguy cơ lợn mắc bệnh DTLCP thường kế phát các bệnh khác. Cộng với đó, hiện nay thời tiết chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ bùng phát bệnh DTLCP rất lớn.

Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: PVT.

Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: PVT.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/11/2021, trên địa bàn tỉnh bệnh DTLCP đã xảy ra tại 452 hộ, 149 thôn, 61 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 4.008 con bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy, trọng lượng tiêu hủy 187.501kg.

Trong đó, từ đầu tháng 10 đến nay, DTLCP đã tái bùng phát trên địa bàn tỉnh và có chiều hướng lây lan nhanh tại 32 xã, phường, thị trấn của 6/9 huyện, thành phố, thị xã (huyện Triệu Phong có 12 xã; huyện Gio Linh 11 xã, thị trấn; huyện Cam Lộ 5 xã; thị xã Quảng Trị 2 xã, phường; thành phố Đông Hà 1 phường và huyện Hải Lăng có 1 xã). Ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tiêu hủy 1.275 con lợn mắc bệnh, chết với tổng trọng lượng 69.774kg.

Trước tình hình DTLCP trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với các phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền các địa phương kiểm tra tình hình thực tế tại các ổ dịch để chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống.

Ngành chăn nuôi - thú y Quảng Trị đang khẩn trương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: PVT.

Ngành chăn nuôi - thú y Quảng Trị đang khẩn trương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: PVT.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương mới xuất hiện dịch, tái phát dịch sau 21 ngày; thực hiện khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch và khu vực xung quanh; phối hợp chính quyền địa phương giám sát ổ dịch, cam kết không bán chạy heo bệnh để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ trên địa bàn các địa phương đang bùng phát dịch mạnh như huyện Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ… nhằm kịp thời phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi phát sinh dịch bệnh.

Quảng Trị cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện "5 không": Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, ông Đào Văn An, mặc dù DTLCP đang có nguy cơ cao, nhưng người dân không nên lo lắng và hoang mang, cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan thú y. 

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.