67 ổ dịch chưa qua 21 ngày
Dịch Covid-19 chưa lắng, các loại dịch bệnh khác trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến đáng ngại tại Nghệ An.
Thống kê của Bộ NN – PTNT, từ đầu năm đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 1.498 xã của 50 tỉnh, thành phố; buộc tiêu hủy trên 93.000 con lợn (cao gấp 2 lần so với năm 2020). Tại Nghệ An, thời gian gần đây, DTLCP có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Tính đến ngày 15/10 đã có 67 ổ dịch xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa qua 21 ngày tại 13 huyện, thành phố.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Nghệ An có 279 ổ DTLCP xảy ra tại 7.066 hộ dân ở 20 huyện, thị, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy trên 22.000 con, xấp xỉ 1.400.000 kg.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, thời điểm thời tiết đang chuyển mùa, mưa nhiều, dễ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó DTLCP đang là mối đe dọa.
Do vậy, người chăn nuôi cần mua con giống rõ nguồn gốc, không nên mua con giống của những người đi bán rong; tiêm phòng các bệnh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tiến hành khử trùng tiêu độc, đặc biệt là rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh; cho lợn ăn thức ăn đã nấu chín. Đặc biệt, bà con không lấy các loại rau trôi ngoài sông suối, tránh lây lan dịch bệnh từ động vật chết, hoặc chất thải tại các lò mổ thải ra môi trường.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, virus DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, phức tạp. Trong khi đó, vẫn chưa có vacxin phòng bệnh.
Thời tiết đang vào mùa mưa bão, gây ngập úng nhiều nơi, tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại và phát tán rộng. Chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, có hộ chăn nuôi còn giấu dịch, lợn mắc bệnh không khai báo, tự ý lấy mẫu gửi xét nghiệm, cố tình giết mổ để tiêu thụ.
Xử lý nghiêm việc vi phạm phòng chống dịch
Trước tình hình cấp bách này, cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ra công điện (ngày 8/10) triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống. Trong đó nêu rõ, huy động tổng lực toàn xã hội, tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP, không để dịch dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh ổ mới.
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN–PTNT thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, tự giết mổ lợn bệnh để ăn, giết mổ lợn trong vùng dịch mà không xét nghiệm bệnh DTLCP, vứt xác lợn chết ra môi trường, bán thịt lợn rong…
Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vụ thu 2021, đảm bảo đạt tối thiểu 80% tổng đàn gia súc theo lịch chung của tỉnh; đồng thời tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường, nhất là sau các đợt mưa lũ.
Tỉnh Nghệ An cũng lưu ý các địa phương và ngành nông nghiệp tổ chức tuyên truyền tốt các biện pháp phòng chống DTLCP để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn, khi phát hiện có hiện tượng lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhấn mạnh với người chăn nuôi không tự ý lấy mẫu gửi xét nghiệm và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả, các địa phương cần thực hiện nghiêm những giải pháp theo hướng dẫn của cơ chuyên môn, nhất là biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn. Đối với các huyện đang có dịch, phải huy động mọi nguồn lực (con người, vacxin, hóa chất...) khẩn trương khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để dịch lây lan.
"Trong thành công phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt đối với đàn lợn trước sự hoành hành của DTLCP do người chăn nuôi quyết định phần nhiều. Bởi vì bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vacxin phòng nên việc người chăn nuôi chủ động thực hiện theo các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn sẽ làm giảm thiệt hại cho chăn nuôi", ông Quỳnh lưu ý.
Tuân thủ "6 không" trong chăn nuôi lợn
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khuyến cáo: Người chăn nuôi cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng phòng dịch từ xa: mua lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định, được kiểm dịch.
Chuồng trại phải được xây dựng hệ thống xử lý chất thải; trước cửa chuồng nuôi phải có hố sát trùng chứa vôi bột hoặc hóa chất. Chuồng nuôi tách biệt với khu sinh hoạt; các dụng cụ, áo quần, ủng, giày, dép phục vụ chăn nuôi cần phải riêng biệt và được khử trùng thường xuyên; định kỳ khử trùng, tiêu độc. Xử lý môi trường chăn nuôi, ủ phân sinh học; hạn chế hoặc không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi. Có các biện pháp để tiêu diệt, ngăn ngừa côn trùng, chuột hoặc động vật khác (chó, mèo...) vào khu vực chăn nuôi...
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt “6 không” trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; không sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương để tắm lợn, cho lợn uống.
Gia đình bà Phạm Thị Xuân ở thôn Sơn Hạ, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) mới rồi bị thiệt hại hàng chục triệu đồng, bởi 8 con lợn thịt gần đến ngày xuất chuồng, không may bị bệnh DTLCP, buộc phải tiêu hủy.
Bà Xuân cho hay, khi trong xã có dịch tái phát, gia đình đã chủ động mua vôi bột khử trùng xung quanh chuồng trại, nhưng dịch vẫn lây lan vào đàn lợn của gia đình. Giờ đây, cả hệ thống chuồng trại bỏ không, chưa biết đến khi nào mới hết dịch để tái đàn.
Nghệ An đã có trên 7.000 hộ dân có lợn bị DTLCP và đã có hàng ngàn hộ chăn nuôi trắng tay vì dịch bệnh này như hoàn cảnh bà Xuân.