Cùng với tăng cường kiểm soát bệnh Dịch tả heo Châu Phi, đề án của tỉnh Quảng Trị đang tập trung thực hiện tái đàn lợn, ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Mục tiêu hướng đến là xây dựng được một số mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, làm cơ sở để người chăn nuôi học hỏi, nhân rộng. Khôi phục và phát triển đàn lợn đạt 243.000 con vào năm 2025, đàn lợn nái trên 48.600 con (chiếm khoảng 20% tổng đàn lợn). Nâng cao chất lượng đàn lợn nái, đưa tỉ lệ lợn nái ngoại, nái lai ngoại chiếm trên 85% tổng đàn lợn nái toàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu lợn giống nuôi thịt trên địa bàn.
Đối tượng thực hiện là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… thỏa mãn điều kiện hỗ trợ của đề án. Trong đó, ưu tiên các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo Châu Phi, chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn đực giống, các cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn thịt có liên kết, chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường…Thời gian thực hiện từ năm 2021-2025.
Đề án cũng đã nêu rõ chính sách và cơ chế hỗ trợ, các giải pháp thực hiện quy hoạch, tái cơ cấu, giải pháp về con giống, tăng cường liên kết sản xuất, thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thú y, tài chính… với tổng kinh phí thực hiện trên 700 triệu đồng.
Sau khi đề án kết thúc, dự kiến hằng năm, 23.600 con lợn nái được hỗ trợ sẽ sản xuất được trên 472.000 con lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi, 48 con lợn đực giống dự kiến sản xuất trên 210.000 liều tinh.
Đề án thành công sẽ giúp thúc đẩy chăn nuôi lợn theo hướng tập trung an toàn sinh học, góp phần phòng, chống dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao tỉ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi lợn.