Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, về việc tăng hàm lượng khoa học công nghệ tạo sức bật cho chăn nuôi, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các dự án khuyến nông phát triển chăn nuôi lợn đã ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới.
"Bên cạnh việc tăng năng suất, chất lượng, các mô hình khuyến nông góp phần ứng phó với dịch bệnh, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời hình thành những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh", bà Hạnh nói.
Giai đoạn 2019-2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trình Bộ NN-PTNT phê duyệt và hướng dẫn triển khai 8 dự án về phát triển chăn nuôi lợn, với tổng quy mô hàng chục nghìn con.
Một trong những mô hình nổi bật mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng là hệ thống bể 4 ngăn xử lý chất thải, sản xuất phân hữu cơ tại Hà Nội, Ninh Bình và Hà Nam. Với quy mô gồm 18 hệ thống bể 4 ngăn, mô hình này áp dụng những biện pháp tiến tiến về an toàn sinh học, nhằm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời đạt chứng nhận đầu ra về chỉ số nước thải chăn nuôi.
Ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dự án khi triển khai đã hạn chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời gia tăng thu nhập cho bà con nhờ việc tận dụng chất thải làm phân bón.
Những dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn quan tâm đến sinh kế của đồng bào dân tộc miền núi, góp phần bảo tồn, phục tráng nhiều giống quý. Chẳng hạn, dự án mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná tại tỉnh Cao Bằng.
Thông qua dự án này, số lợn con /nái/năm trung bình tăng lên đạt 12,5 - 12,7; tuổi đẻ lứa đầu được giữ ổn định từ 321-330 ngày. Theo bà Hạnh, nhờ mô hình này, nhiều bà con đã mạnh dạn tái đàn, phát tiển đàn lợn bản địa chất lượng cao.
"Đến cuối năm 2021, có 28 hộ ngoài mô hình đã học hỏi và áp dụng mô hình, giúp nâng giá lợn bản địa lên gấp 2,3 lần so với lợn lai", bà Hạnh bày tỏ.
Trong năm 2021 và 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp FAO xây dựng bộ tài liệu về "Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn sinh sản quy mô vừa và nhỏ". Cùng với tổ chức hàng trăm lớp tập huấn ToT, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học... hệ thống khuyến nông cam kết xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường về chăn nuôi an toàn.
Vừa qua, TS. Hạ Thúy Hạnh đã thị sát một số mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Tại gia đình ông Bùi Huy Cường, chuồng trại được lót đệm sinh học trên nền đất, đảm bảo phân của đàn lợn có đủ thời gian thẩm thấu, xử lý, tiêu diệt vi khuẩn bất lợi và không có mùi hôi.
Cuối năm 2021, ông Cường xuất bán 2 lứa lợn thương phẩm, tổng trọng lượng hơn 4 tấn, với giá bình quân từ 80.000 - 120.000/kg lợn hơi, cao gần gấp đôi so với thông thường.
"Phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp nâng cao giá trị thương phẩm, giảm tồn dư thuốc kháng sinh và môi trường chăn nuôi được đảm bảo. Lợi thế nữa là chi phí đầu tư không quá lớn nhưng đảm bảo các tiêu chí thiết yếu trong an toàn sinh học", bà Hạnh chia sẻ.
Cùng tham luận tại Hội nghị trực tuyến "Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi", ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá lợn hơi sẽ ít biến động trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giá lợn hơi có thể tăng cao. Ông Toản đưa ra 4 nguyên nhân: áp lực lạm phát do chi phí đẩy; nhu cầu phục hồi nhờ mở cửa du lịch; người chăn nuôi dè dặt tái đàn; lực hút xuất khẩu sang các nước trong khu vực khi giá lợn ở Thái Lan duy trì ở mức cao.
So với những tháng đầu năm 2021, Việt Nam có xu hướng xuất khẩu thịt lợn nhiều hơn. Hiện Hong Kong là thị trường số một của nước ta, với hơn 95% thị phần. Các sản phẩm xuất khẩu chính là lợn sữa và lợn choai.