Nhiều diện tích chưa thể khôi phục sản xuất
Nằm ven dòng sông Hồng, hàng năm được bồi đắp phù sa màu mỡ, cánh đồng rộng lớn ở xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) nổi tiếng với vựa rau bát ngát, cung cấp rau quả xanh cho Thành phố và các khu vực lân cận. Cánh đồng ở đây luôn trải một màu xanh mướt của su su, bắp cải, su hào, mồng tơi, đỗ đậu và nhiều loại rau gia vị…
Đợt mưa lũ do bão số 3 hồi 9 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, vựa rau Tuy Lộc cũng chung cảnh ngộ. Sau trận lũ lụt lịch sử, cả cánh đồng xanh mướt bị nhấn chìm dưới dòng nước lũ đục ngàu. Sau khi nước rút, quang cảnh hoang tàn để lại, những ruộng lúa, ngô, rau màu bị vùi bùn đất, gỗ củi ngổn ngang. Nhiều nhà màng, nhà lưới, hệ thống giàn trồng nho, su su, mướp và rau màu bị gãy đổ, vùi lấp sâu dưới lớp đất cát.
Tuy Lộc nằm ở rốn lũ của thành phố Yên Bái, trong đợt thiên tai hơn 2 tháng trước, cả xã có hơn 1.240 hộ dân bị ngập nhà ở, chiếm khoảng 90% số hộ dân toàn xã. Một số ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng nặng. Ngoài ra, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó có hơn 40ha lúa, 75ha rau màu, 10ha cây ăn quả và gần 12ha ao cá bị ngập, bồi lấp.
Gượng dậy sau thiên tai, đến nay, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được người dân cải tạo để trồng cây vụ đông. Trên khắp các cánh đồng lũ tràn qua, màu xanh đang dần lan rộng, phủ kín trở lại. Tuy nhiên cũng còn một số diện tích chưa thể khắc phục do đất bùn vùi sâu, hiện vẫn còn lầy thụt.
Cải tạo đất, dựng lại giàn
Từ sáng sớm, một mình chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở thôn Bái Dương đã lọ mọ nhặt những cây gỗ nhỏ sau đó cuốn vào chiếc bao tải vác về chất đống ven con đường xóm để bán cho người có nhu cầu. Cả bãi đất rộng hơn 3 sào vẫn ngổn ngang cây cối và rác, những cây gỗ lớn bằng cả người ôm vẫn còn nằm chềnh ềnh giữa ruộng, đây là dấu tích còn sót lại sau trận lũ hung tàn sau bão số 3.
Chị Hiền cho biết, hơn 3 sào ngô đang chuẩn bị được thu hoạch, đây là nguồn thức ăn dự trữ để nuôi đàn gà. Dự định sau khi thu ngô, gia đình chị sẽ làm đất trồng rau bắp cải, su hào trong vụ đông để kiếm tiền trang trải Tết Nguyên đán sắp tới. Sau bão, mưa trút xuống xối xả, lũ thượng nguồn đổ về, toàn bộ diện tích ngô bị san phẳng, mất trắng.
“Hơn 2 tháng rồi mà việc khắc phục chưa biết bắt đầu từ đâu, chồng tôi phải đi làm thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống cho cả nhà. Với khối lượng cây cối và rác khổng lồ thế này nếu dọn thủ công thì phải mất vài tháng trời. Vậy là kế hoạch trồng rau vụ đông để có thêm thu nhập đã bị phá sản”, chị Hiền than thở.
Cũng chung cảnh ngộ, ông Trần Văn Hà ở cùng thôn đang nhanh tay đẩy chiếc xe rùa chở củi xếp gọn thành đống ven đường, đây chính là “món quà” mà trận lũ kinh hoàng hơn 2 tháng trước để lại sau khi tàn phá xóm làng. Mỗi m3 củi gỗ bán được 220.000 đồng, từ khi nước lũ rút đến nay ông Hà đã kiếm được hơn 6 triệu đồng từ công việc bất đắc dĩ này.
Chỉ tay xuống phía ruộng có những giàn su su vừa mới được dựng lại, những mầm xanh mơn mởn đang vươn lên mang theo những hi vọng, ông Hà chia sẻ: Sinh kế của cả nhà chính là từ 5 sào ruộng, vì vậy ông đã thiết kế hệ thống giàn chắc chắn, cột đổ bê tông, dùng giây thép đan thành giàn trồng su su và mướp hương, qua nhiều vụ mà không cần thay thế. Mỗi năm diện tích này mang lại cho gia đình ông thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn bộ hệ thống giàn bị gãy đổ, bùn đất vùi sâu. Sau hơn 1 tháng ổn định lại cuộc sống, gia đình ông Hà mới bắt đầu đào bới những chiếc cột bê tông dưới lớp bùn để dựng lại, sau đó tiến hành gieo đỗ và trồng su su. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ khắc phục được khoảng 1/3 diện tích, còn lại đất vẫn lầy thụt chưa thể cải tạo. Hi vọng diện tích su su sẽ phát triển tốt để gia đình sớm có nguồn thu.
Màu xanh dần phủ kín những cánh đồng
Sau bão lũ, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và cộng đồng, người dân Tuy Lộc đã bắt tay ngay vào việc hồi sinh vùng rau. Từ sáng sớm, trên khắp cánh đồng người dân tấp nập làm đất, lên luống trồng rau. Một số diện tích rau màu ngắn ngày đã lên xanh tốt và cho thu hoạch.
Chị Hà Thị Huyền, hộ trồng rau màu lâu năm ở xã Tuy Lộc chia sẻ, sau khi lũ rút, hơn 10 sào đất trồng rau màu của gia đình bị đất cát bồi lấp sâu, gỗ củi tràn đầy vào ruộng. Tưởng chừng như không thể làm lại được, nhưng rồi gia đình chị và bà con quyết tâm cùng nhau khôi phục. Ngoài ra, chính quyền các cấp hỗ trợ giống, phân bón và các tổ chức chung tay giúp đỡ để bà con tái sản xuất.
Sau khi thuê máy xúc san gạt lớp cát trên mặt ruộng, sửa sang lại hệ thống giàn, chị Huyền đã làm đất trồng hơn 5 sào su su và đỗ. Hiện nay, diện tích này đã lên xanh tốt, dự kiến khoảng nửa tháng nữa sẽ bắt đầu cho thu hoạch quả, Mong muốn của chị là sản phẩm sẽ được giá ổn định để có tiền đón Tết đủ đầy sau một vụ mùa thất bát.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp vựa rau Tuy Lộc hồi sinh nhanh chóng chính là sự hỗ trợ về hạt giống cây trồng và phân bón. Các loại hạt giống rau ngắn ngày như rau cải, xà lách, mồng tơi… đã được cung cấp miễn phí cho bà con. Đồng thời, cán bộ khuyến nông hướng dân bà con nông dân các kỹ thuật canh tác mới, từ việc cải tạo đất đến việc áp dụng quy trình tưới khoa học nhằm giảm thiểu sâu bệnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết, hiện xã đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ và tái sản xuất, tuy nhiên nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn còn ngổn ngang chưa thể khôi phục. Bên cạnh các nguồn hỗ trợ hạt giống và vật tư của nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, Nghị quyết số 77 của HĐND tỉnh Yên Bái đã tiếp thêm động lực cho trên 800 hộ dân bị thiệt hại về nông nghiệp của xã khôi phục sản xuất khoảng 120ha rau màu. Đến thời điểm này, toàn xã đã gieo trồng hơn 60ha rau vụ đông.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp làm nông nghiệp sạch, trồng rau an toàn đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Chú trọng việc cải tạo lại đất sau lũ và bón phân hợp lý để rau màu phát triển khỏe, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh.
Sau trận đại hồng thủy, vựa rau Tuy Lộc đang hồi sinh mạnh mẽ. Những cánh đồng rau xanh mướt lại tiếp tục vươn mình dưới ánh mặt trời mang lại hi vọng no ấm. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của người dân nơi đây, trong vài tháng tới, những cánh đồng rau sẽ không chỉ phục hồi tươi tốt mà còn cho năng suất cao hơn.