| Hotline: 0983.970.780

Quất cảnh quê biển

Thứ Ba 14/01/2020 , 10:15 (GMT+7)

Cách đây 5 năm, trong một lần đi hội chợ hoa xuân, ông cứ đứng mê mẩn trước những cây quất cảnh sai trĩu quả từ khắp nơi mang về vùng quê biển Hoài Nhơn (Bình Định) tiêu thụ.

14-46-07_1
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Đình có 500 chậu quất cảnh phục vụ người tiêu dùng.

Sau đó, ông mày mò trồng, nhưng nhiều vụ liên tiếp gặp thất bại. Không hề nản chí, sau mỗi lần thất bại ông càng kiên tâm học hỏi. Cuối cùng ông đã thành công mỹ mãn. Ông là cựu binh Võ Công Đình (63 tuổi) ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn).

Những ngày đầu năm mới 2020, chúng tôi đến thăm vườn quất của ông Võ Công Đình bên bờ Bắc sông Lại Giang thuộc địa bàn khối 1 thị trấn Bồng Sơn. Bày ra trước mắt chúng tôi là 500 gốc quất đã nằm trong chậu, gốc nào gốc nấy treo đầy quả vàng rực.

Ông Mạch Đình Đồng, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Nhơn, khẳng định: “Đến thời điểm này, ở huyện Hoài Nhơn chỉ có ông Đình là cả gan đưa cây quất cảnh về trồng bán tết. Trồng quất cảnh có vốn đầu tư khá cao, quất lại là loại cây rất “đỏng đảnh” nên đòi hỏi người trồng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm cẩn.

Thế nhưng với ý chí và sự kiên trì, ông Đình tìm tòi học hỏi được kinh nghiệm từ nhiều nơi và ông đã từng bước chinh phục được cây quất. Sau nhiều lần thất bại, mấy năm nay, mỗi dịp tết đến là cây quất đã cho ông Đình thu nhập cả trăm triệu đồng”.

Ông Đình xuất thân trong gia đình có nghề trồng mai cảnh và cây bonsai tại địa phương. Ông vốn là sỹ quan quân đội, sau khi về hưu, ngoài tham gia công tác địa phương, hàng năm ông trồng vài trăm chậu hoa vạn thọ bán tết kiếm thêm thu nhập. Ông đến với cây quất cảnh cũng thật tình cờ.

Ông Đình bộc bạch: “Cuối năm 2015, tôi đi dạo hội chợ hoa xuân do huyện tổ chức. Tại hội chợ tôi được thưởng ngoạn hàng trăm chậu quất cảnh từ khắp nơi chở về đây tiêu thụ. Nhìn thấy thị trường ăn mạnh quất cảnh với cái giá đắt gấp 2 – 3 lần so với một số loại hoa truyền thống khác nên tôi mê mất.

Ngoài tại hội chợ hoa xuân, tôi còn thấy khắp nơi trong huyện cũng có bán quất cảnh và cũng được tiêu thụ rất mạnh. Tôi nhẩm tính, hằng năm người dân Hoài Nhơn phải chi ra vài ba trăm triệu để mua quất cảnh về chơi tết. Sau cái tết năm ấy, tôi quyết định mình sẽ trồng quất”.

Đầu năm 2016, ông Đình đầu tư 20 triệu đồng thuê 1.000m2 đất, sau đó khăn gói vào tận Phú Yên, ở lại đó thời gian dài để học hỏi quy trình kỹ thuật trồng quất cảnh và mua 300 cây giống về trồng thử nghiệm. Lứa quất đầu tay của ông Đình mặc dù được trồng trên nền đất phù sa ven sông Lại nhưng vẫn èo uột, bị chết hơn 1 nửa, số còn lại trông như cây bụi trong rừng rồi cũng chết dần, chỉ có hơn 10 cây cho quả.

Qua 4 năm miệt mài với cây quất, mặc dù chưa đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nhưng ông Đình khẳng định nghề trồng quất cảnh không khó, nếu người trồng thực sự tận tâm, tận lực, kiên trì với nghề. Đặc biệt là phải thực hiện nghiêm cẩn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây, được như vậy chắc chắn tỷ lệ thành công sẽ đạt từ 70 - 80%.

Ông hiểu, là do mình chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và chưa thấu đáo đặc tính sinh trưởng, phát triển từng giai đoạn của cây nên dẫn đến thất bại.

Ông chấp nhận mất cả vốn lẫn công trong vụ đầu. Không nản lòng, ông tiếp tục lên đường đi đến những địa phương nổi tiếng về trồng quất cảnh như Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) và Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam) để học tập kinh nghiệm, đồng thời tham khảo thêm qua báo chí.

Sau khi trang bị cho mình được vốn liếng kha khá về kỹ thuật, ông Đình tiếp tục trồng vụ quất thứ hai. Tỷ lệ thành công tăng dần, năm 2018 vườn quất của ông Đình đạt 70%, bước sang năm 2019 đã đạt đến 90%.

Ông Đình chia sẻ: “Tôi chấp nhận vụ đầu lỗ trắng tay, vụ thứ hai huề vốn, nhưng đúc kết lại mình lãi được kinh nghiệm. Vụ thứ ba tôi trồng 500 chậu bán được 450 chậu, lãi ròng được 80 triệu đồng.

Riêng vụ quất Tết Canh Tý 2020, tôi có trên 500 cây quất có dáng thế đẹp, cây khỏe, quả ra trĩu cành. Với giá dự kiến từ 500.000 - 700.000đ/chậu loại lớn; từ 250.000 – 300.000đ/chậu loại nhỏ hơn, sau khi trừ tất cả chi phí, tôi hy vọng tết này sẽ có lãi ròng trên 100 triệu”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.