Nói đến quất bonsai, chắc hẳn nhiều người không còn lạ lẫm và xa lạ nữa. Thú chơi quất bonsai đã nở rộ từ nhiều năm nay. Nhưng, để thu hút khách mua hàng, người trồng quất ở Tứ Liên đã không ngừng sáng tạo, đổi mới kiểu dáng. |
Các nghệ nhân ở Tứ Liên đã thay đổi phương pháp trồng từ truyền thống sang bonsai. Theo đó, quất được trồng trong những bình gốm Bát Tràng với nhiều kích cỡ khách nhau; thân bình có in những hoa văn đẹp mắt hay những chữ “Tài”, “Lộc” với ý nghĩa cả năm tấn tài, tấn lộc. |
Hay trên lưng những con vật như: lợn đất, trâu, chó, gà... Năm tới (2020), là năm Canh Tý - tức năm con chuột, nhiều nhà vườn cũng đã kịp nắm bắt thị trường bằng cách đặt mua những con chuột gốm với nhiều màu sắc khác nhau để đưa quất vào trồng rồi tạo thế. Để rồi, chúng có tên gọi mới là “chuột cõng quất”. |
Bên cạnh đó, quất cũng được trồng trên lưng những nhân vật, biểu tượng mang ý nghĩa may mắn, tài lộc như: ông thần tài, cóc thần ba chân cắn tiền, tượng La Hán.... Trong ảnh là cây quất ôm trọn tượng Phật Di Lặc với ý nghĩa cầu may mắn. |
Muôn kiểu quất bonsai độc và lạ để “chiều” khách, thu hút người tiêu dùng. Trong ảnh là 2 chú tễu đang bê túi tiền đầy lộc (ý là những trái quất chín - PV) và quất tí hon trồng trong bình hồ lô. |
Theo những người trồng quất lâu năm ở đây, để trồng một cây quất cảnh bonsai mini phải mất ít nhất 2 năm. Cây quất được trồng khi còn nhỏ, bứng lên chậu, chăm sóc, tạo dáng, uốn nắn mới có được một sản phẩm hoàn thiện. |
Hiện nay, giá bán những chậu quất độc lạ này có giá bán trung bình từ 1 - 2 triệu đối với những cây có kích thước nhỏ, còn những cây lớn hơn có giá từ 3 - 10 triệu, tùy thuộc vào từng kiểu dáng, thế cây… |
Tuy nhiên, theo người dân Tứ Liên, không phải khách hàng nào cũng “mê” quất bonsai, nhiều khách hàng vẫn ưa chuộng dáng cây quất truyền thông (hình cây thông) hoặc quất tán. |
Thời điểm này, nhiều khách hàng đã tìm đến làng quất Tứ Liên để tham quan và mua chậu quất phù hợp với không gian nhà ở. Chuẩn bị đón Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý. |