| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 13/05/2010 , 10:12 (GMT+7)

10:12 - 13/05/2010

Quốc hội quan tâm và điều dân muốn

Năm 2008, cả nước chỉ giải quyết được 650 vụ khiếu nại, tố cáo, nhưng hơn một nửa trong số đó còn sai sót.

Con số trên được trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đưa ra tại phiên họp ngày 10/5/2020 của UBTVQH, thảo luận về Luật tố tụng hành chính (LTTHC), khiến nhiều người giật mình. Bởi trên cả nước hiện còn hàng vạn đơn thư khiếu nại, tố cáo đang tồn đọng. Nếu giải quyết với tốc độ của  như vậy, thì bao giờ mới hết. Và với mức độ sai sót nhiều như vậy, thì sự thiệt thòi của người dân là vô cùng lớn.

Sở dĩ có tình trạng đó là do theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, thì người dân, trước khi gửi đơn lên TAND yêu cầu giải quyết một vụ việc liên quan đến các quyết định hành chính gây thiệt hại đến quyền lợi của mình như cưỡng chế nhà, đất đai, buộc thôi việc… bắt buộc phải khiếu nại lên các cơ quan hành chính. Toà chỉ thụ lý sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính mà người khiếu nại thấy chưa thoả đáng.

Điều bất cập chính là ở chỗ này. Khiếu nại lên các cơ quan hành chính, nghĩa là khiếu nại đến chính những người đã ký những quyết định sai trái đó. Hậu quả là đơn khiếu nại hoặc bị họ lờ đi, hoặc người giải quyết chỉ ra thông báo giải quyết khiếu nại chứ không ra quyết định (người dân chỉ có thể khởi kiện một quyết định chứ không thể khởi kiện một thông báo), hoặc là đẩy đơn chạy lòng vòng. Bằng những “mánh” đó, họ đã dựng được một hàng rào vô cùng hiệu quả để người dân hết đường khởi kiện. Chính vì thế mà có những người khiếu nại cả chục, cả vài chục năm, thậm chí hết đời vẫn không được giải quyết nhưng lại không thể nào đưa vụ việc ra toà được. Nói về việc đẩy đơn khiếu nại chạy lòng vòng, chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng: "Đó là một sự xấu hổ của hệ thống hành chính ".

Được giải quyết các vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của mình bằng con đường tố tụng mà không bị bất cứ một rào cản nào, đã trở thành một nguyện vọng bức thiết của người dân, trở thành một yêu cầu của xã hội. Chỉ có thông qua con đường tố tụng, người bị gây hại bởi các quyết định hành chính mới có điều kiện đối thoại, làm rõ phải trái với cơ quan hành chính, dưới sự giám sát, phán xét của “thần công lý”, từ đó mới bảo vệ được quyền lợi của mình, vì phán quyết của toà mang tính chế tài cực mạnh, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người ký những quyết định bị khởi kiện đó.

 Ở ta, trong điều kiện  chưa tạo được một nền hành chính chuyên nghiệp, thì việc được tự do đưa các vụ việc liên quan đến quyết định hành chính sai trái ra toà, có tác dụng giám sát, cảnh báo các cơ quan hành chính mỗi khi ra những quyết định liên quan đến quyền lợi của người dân (Hãy cẩn thận, sai là lập tức hầu toà đấy).

Một Quốc hội năng động là một Quốc hội luôn luôn nắm bắt được những nguyện vọng, bức xúc của dân. Việc UBTVQH kiến nghị ban dự thảo LTTHC, trong dự thảo cần để ngỏ hai khả năng: Khi có những quyết định hành chính hay hành vi hành chính gây thiệt hại đến quyền lợi của mình, thì người dân được quyền lựa chọn hoặc là khiếu nại đến cơ quan hành chính đã ra quyết định hay có hành vi hành chính đó yêu cầu giải quyết, hoặc khởi kiện thẳng ra toà mà không bị bất cứ một cản trở nào, đã nói lên tính năng động đó. Nếu ban dự thảo tiếp thu, Luật TTHC được Quốc hội thông qua, đi vào đời sống, thì việc giải quyết khiếu nại chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều, và nền hành chính của ta sẽ ngày càng trở nên chuyên nghiệp, trong sạch.