| Hotline: 0983.970.780

Quốc tế quan tâm Dự án Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Thứ Năm 26/04/2018 , 10:15 (GMT+7)

Ngày 25/4, đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đi nghiên cứu thực địa và thảo luận về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (hai con sông lớn nhất đổ ra biển Tây ở ĐBSCL) nhằm kiểm soát mặn và tăng lượng nước ngọt cho vùng U Minh, Cà Mau. 

Đây là các chuyên gia về khí hậu và xây dựng đang dự hội thảo “Đánh giá rủi ro khí hậu trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL” do quốc tế tài trợ từ ngày 23 đến 26/4, ở Cần Thơ.
 

Vùng đất đặc biệt

Hoạt động chính của đoàn chuyên gia, nghiên cứu đánh giá rủi ro các công trình trong điều kiện biến đổi khí hậu, theo dư án CSI, GIZ do Đức tài trợ. Tham gia đoàn có chuyên gia các nước Đức, Canada; chuyên gia trong nước ở các viện nghiên cứu, cơ quan khoa học, cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Đoàn chuyên gia đi đến tận nơi dự kiến xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, cảm nhận được sự đặc biệt của vùng đất.

14-30-53_2504181
Đoàn chuyên gia tại vị trí dự kiến xây dựng cống Cái Bé

Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam - Đỗ Đức Dũng cho hay: “Đặc điểm của vùng này, mùa mưa từ tháng 5-10 chiếm hơn 90% lượng nước ngọt từ sông Hậu và các sông khác đổ ra cửa Cái Lớn – Cái Bé. Điều đó cho thấy sự mất cân đối về nước ngọt trong năm, gây khó khăn cho sản xuất nên rất cần có công trình thủy lợi hỗ trợ. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc đắp đập thủy điện chặn dòng chính sông Mê Công ở thượng nguồn cũng làm cho mất cân đối mặn - ngọt trầm trọng thêm. Đợt hạn hán đầu năm 2016 đã làm lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL có 104.000 ha giảm năng suất, 155.000 hộ thiếu nước sinh hoạt thì vùng Cái Lớn - Cái Bé chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Sông Cái Lớn rộng trung bình 500 - 650m, sâu 12 - 14m; nối với sông Cái Tư, kênh Xà No và nhiều kênh khác ở mạn Đông Nam rồi đổ ra cửa biển ở TP Rạch Giá phía Bắc. Sông Cái Bé nhỏ hơn một nửa, đoạn phía Bắc gần như song song với sông Cái Lớn nhưng xuống phía Nam lại quanh co, khúc khuỷu nối với nhiều kênh ở nhiều địa phương. Hai con sông đưa nước mặn xâm nhập mạnh vào vùng bán đảo Cà Mau, sâu nội địa, có năm tới thành phố Vị Thanh tỉnh lỵ Hậu Giang cách cửa biển khoảng 65km

Vùng đất này lại trũng nên mặn - ngọt giao thoa rất phức tạp. Nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống thủy lợi là khai thác hiệu quả nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, kiểm soát mặn để ổn định sinh thái ngọt nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế mặn, kiểm soát lũ khi mùa mưa ào ạt đưa nước từ sông Hậu đổ về, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo hạ tầng liên kết các vùng sản xuất.
 

Kiểm soát mặn

Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 được Bộ NN-PTNT giao làm chủ đầu tư dự án. Giám đốc Lê Hồng Linh nhấn mạnh: “Đây là dự án kiểm soát mặn một cách chủ động. Hệ thống công trình Cái Lớn - Cái Bé nhằm kiểm soát nguồn nước mặn giúp giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương ở Tây sông Hậu. Bên cạnh, chủ động kiểm soát mực nước, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng nhằm giảm ngập úng cho vùng trũng dọc sông Cái Lớn - Cái Bé”.

Vùng dự án được giới hạn phía Đông là sông Hậu, phía Tây là biển, phía Bắc là kênh Cái Sắn và phía Nam là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, dự án kiểm soát mặn cho khoảng 906.578 ha (607.369 ha đất nông nghiệp, 70.910 ha đất lâm nghiệp, 83.305 ha đất nuôi trồng thủy sản và 145.174 ha đất khác) thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Đồng thời, kiểm soát nguồn nước trên sông Cái Lớn – Cái Bé: tăng cường nước từ sông Hậu về cung cấp cho vùng U Minh trong mùa khô; tiêu thoát để giảm ngập úng trong mùa mưa.

Dự án có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng cống Cái Lớn cách cửa biển 13 km, tại xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang); cống Cái Bé ở xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang) và đê, đường giao thông. Tổng diện tích đất cho các công trình ở giai đoạn này 319 ha, tổng mức đầu tư 3,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 76%, thực hiện từ năm 2017 đến 2020, chủ yếu kiểm soát mặn phía tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 2 (sau năm 2020), đầu tư các cống kiểm soát mặn phía tỉnh Cà Mau như Xẻo Rô, Ông Đốc, Lương Thế Trân, ngọn Tắc Thủ và cụm công trình bờ đông kênh Chắc Băng, sông Trẹm.

Đoàn chuyên gia trên cầu Cái Lớn nhìn về địa điểm dự kiến xây dựng cống Cái Lớn

Vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là xây cống ngăn mặn có gây ô nhiễm môi trường hay không? Tiến sỹ Tăng Đức Thắng ở Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, chỉ đóng cống để kiểm soát mặn khi cực đoan, tổng cộng một năm đóng và mở cống 24 ngày, lúc lâu nhất là 6 ngày nên “mức độ ô nhiễm là không đáng kể và có thể kiểm soát”. Còn bình thường, cống mở cho lưu thông tự do.
 

Cần nghiên cứu tiếp

Các nghiên cứu chỉ ra, vận hành hợp lý cống Cái Lớn – Cái Bé góp phần kiểm soát mặn và giảm thiệt hại hạn hán, còn tăng mực nước ngọt vào mùa khô là tác động có lợi đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Phó Viện trưởng Viện Thủy công Trần Văn Thái cho biết thêm, khu vực dự kiến xây cống Cái Lớn - Cái Bé có tầng đất sét vững chắc, đảm bảo cho công trình bền vững, hạn chế rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Tăng Đức Thắng cũng nêu ra những biến động khó lường trong tương lai. Đó là, nguồn nước hiện đã rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tương lai còn khó khăn hơn. Bên cạnh, các nguồn xả thải gia tăng cả từ công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt, dự báo tăng gấp 1,5 lần ở năm 2030. Hệ thống thủy lợi hiện hữu chưa đáp ứng được về phòng chống thiên tai và thời tiết cực đoan (hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún đất) nên sản xuất bấp bênh, tranh chấp giữa các môi trường mặn/ngọt/lợ còn kéo dài.

Vì thế, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ: so sánh việc đầu tư cống Cái Lớn - Cái Bé với các giải pháp làm đê bao nhỏ, bao vừa, bao lớn về kinh tế, kỹ thuật để khẳng định phương án xây dựng cống là tối ưu. Tính toán thêm giải pháp xây dựng trạm bơm đầu sông Hậu. Đặc biệt, khi phù sa thượng nguồn về ít thì đáy sông Hậu bị hạ thấp, sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của hệ thống Cái Lớn - Cái Bé. Cần đánh giá chi tiết hơn các ảnh hưởng của hệ thống đến vấn đề môi trường. Cuối cùng, việc đầu tư Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nếu làm song song với hệ thống cống ven biển Tây và cống Xẻo Rô thì hiệu quả mới rõ rệt hơn.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.