| Hotline: 0983.970.780

Quota NK đường: Bị DN bắt làm “con tin”?

Thứ Ba 02/03/2010 , 13:15 (GMT+7)

Bộ Công thương vừa quyết định bổ sung quota NK đường năm 2010 thêm 50 nghìn tấn. Quanh câu chuyện cấp quota NK đường, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm: Với cách cấp quota NK đường như hiện nay, các Bộ ngành không kiểm tra được DNNK, thậm chí còn bị DN biến thành “con tin”.

Bộ Công thương vừa quyết định bổ sung quota NK đường năm 2010 thêm 50 nghìn tấn, nâng tổng quota NK đường năm 2010 lên 150 nghìn tấn. Quanh câu chuyện cấp quota NK đường, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm: Với cách cấp quota NK đường như hiện nay, các Bộ ngành không kiểm tra được DNNK, thậm chí còn bị DN biến thành “con tin”. 

Cuối tháng 1/2010, trước tình hình giá đường trong nước tăng đột biến lên tới 20.000đ/kg (giá bán lẻ), Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương cho NK 100 nghìn tấn đường (nhập ngay 50 nghìn tấn thương mại và 50 nghìn tấn cho các NMSX về tinh chế lại). Chính phủ đã  cho phép DN nhập ngay 50 nghìn tấn đường thương mại (không đồng ý nhập 50 nghìn tấn đường thô cho các NMSX). Như vậy đến thời điểm này, tổng lượng đường năm 2010 mà các DN được phép NK đã lên mức 200 nghìn tấn. Đây là mức NK đường cao nhất trong những năm gần đây (so với quota năm 2009 là 101 nghìn tấn). 

Thưa ông, với lượng đường được NK lớn như vậy, ông dự đoán năm nay có còn tình trạng thiếu đường, sốt giá nữa không? 

Bây giờ mới bắt đầu vào vụ trồng mía ở miền Nam nên khó mà dự đoán được gì. Riêng ở vùng nguyên liệu mía của Cty tôi năm nay (Cty CP Đường Quảng Ngãi) diện tích tăng hơn 60 nghìn hecta so với năm 2009. Với đà người trồng mía lãi to như năm 2009, tôi nghĩ năm 2010 diện tích mía nguyên liệu sẽ tăng hơn rất nhiều nên lượng đường SX trong nước sẽ tăng là cái chắc. Tuy nhiên đường thiếu nhiều hay ít thì còn phải chờ vào phía DNNK đường theo quota. Bởi mãi tới tháng 8- 9 mới vào vụ thu hoạch mía. Nếu tới lúc đó đường trong nước đã nhiều, nhưng giả sử giá đường thế giới thấp, DN họ vẫn cho NK thì đương nhiên khắp nơi đường tràn ngập, khi ấy sẽ thừa đường chứ làm sao mà thiếu được. 

+ Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam:

 

Tôi ủng hộ việc cấp quota NK đường vì nó cần thiết để cân bằng thị trường, nhưng quan trọng là cách cấp thế nào mà thôi. Nếu cấp quota như hiện nay thì DNSX đường như tôi không đồng tình. Bởi chỉ có DN thương mại NK là có lợi khi họ có quyền điều hành thị trường đường trong nước. Trong khi đó việc NK đường không chỉ ảnh hưởng đến các DN SX đường mà còn ảnh hưởng tới 3 triệu nông dân trồng mía của nước ta nữa.

Tôi nói như vậy bởi với tình hình giá đường trên thế giới cao như hiện nay, chắc chắn có rất ít DN nhập đường. Hiện quota NK đường được Bộ Công thương phân họ vẫn để đấy, cứ tà tà đâu có cần nhập vội. Thường thì lúc nào giá đường trong nước và thế giới chênh nhau họ mới nhập. Nói cách khác quota Bộ Công thương cứ cấp, còn DN nhập lúc nào thì chính Bộ này cũng không giám sát được. Đây chính là "lỗ hổng" mà các Bộ, ngành không kiểm soát được DNNK. 

Vì sao ông nhận định sẽ ít DN nhập đường?

Vụ mía 2009 – 2010 không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước trồng mía trên thế giới đều bị mất mùa nên đường đang rất khan. Hiện giá đường trên thế giới đang ở mức rất cao (khoảng 680-730 USD/tấn) và chưa có dấu hiệu giảm. Nếu DNNK đường về Việt Nam, cộng phí vận chuyển và thuế nữa thì giá bán lẻ phải 18-19 nghìn đồng/kg mới có lãi. Trong khi đó sau cơn sốt giá đường cuối năm 2009 đầu năm 2010, hiện giá đường trong nước đã giảm nhẹ và đang chững lại ở mức từ 16-18 nghìn đồng/kg (đường RS hiện dao động từ 16-17.000đ/kg, đường RE từ 17 – 18 nghìn đồng/kg).

Như vậy, giá đường của Việt Nam hiện đang thấp hơn giá đường NK nên DNNK đường về sẽ không thể có lãi. Thế thì DN dại gì NK đường? Bằng chứng là từ đầu năm 2010 đến nay, mới chỉ có một vài DN (trong số 5 DN được chỉ định cho phép NK 50 nghìn tấn đường cuối tháng 1/2010) đã nhập hàng mà thôi.  

Nói như ông thì tại sao nhiều DN (kể cả DN thương mại) vẫn xin cấp quota NK đường trong năm nay?

+ Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại NLTS&NM:

“Sau khi nhiều DNSX đường có ý kiến, chúng tôi đã có kiến nghị với Bộ Công thương về việc thay đổi phương thức cấp quota NK đường từ cả năm sang có thời hạn 3 tháng. Bộ Công thương đã nhất trí với ý kiến này. Tuy nhiên họ có quyết định chính thức chưa thì tôi không rõ”. 

+ Theo Cục Cục Chế biến, Thương mại NLTS&NM, năm 2010 Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 300 nghìn tấn đường. Tuy nhiên phía DNNK, tiêu thụ đường dự đoán mức thiếu hụt này có thể tới 700 nghìn tấn? Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là cái cớ để DNNK xin quota?

Đúng là mặc dù giá đường NK đang cao hơn trong nước nhưng DN chẳng dại gì lại không xin quota NK. Bởi quota NK hiện có thời hạn kéo dài cho cả năm, chứ không giới hạn chỉ một vài tháng. Trong năm đó, DN được cấp quota có nhập đường hay không, nhập thời điểm nào là tuỳ.

Khi giá đường trong nước cao thì họ nhập, nếu cứ hạ mãi thì kể cả trong nước có thiếu đường thì họ vẫn không nhập mà cũng chẳng hề hấn gì! Đối với DN thì họ luôn đặt lợi nhuận lên đầu, lãi mới nhập và ngược lại. Quota thì cứ xin cất vào tủ cái đã. Vậy nên với cách cấp quota như hiện nay, DNNK hoàn toàn giữ thế chủ động, chính Nhà nước lại rơi vào thế bị động vì đâu có biết DN nhập lúc nào, nhập bao nhiêu.

Quota NK là thể hiện chức năng độc quyền điều hành thị trường của Nhà nước, nhưng phương thức cấp quota như vậy là đang biến độc quyền đó thành “con tin” của DN. 

Đứng trên phương diện một DNSX đường, ông có tán thành việc cấp quota cho DNNK đường nữa không? 

Về lâu dài, tôi nghĩ không thể cấp quota NK đường mãi mà phải cố gắng phát triển bền vững ngành mía đường trong nước. Bởi trồng mía vẫn rất có lời, tiềm năng chúng ta vẫn có thể nâng diện tích mía lên trên 300 nghìn hecta, đủ đáp ứng nhu cầu đường trong nước. Vậy tội gì mỗi năm phải bỏ ra những 200 triệu USD để NK đường, gây lãng phí hơn 3.800 tỉ đồng trong khi nông dân thiếu việc làm. Gía đường cao, lạm phát cao chính vì điều này chứ do đâu? 

Vậy theo ông nên thay đổi phương thức cấp quota NK đường thế nào?

Phải cấp quota có thời hạn và có thời điểm. Thời điểm nào thấy cần phải nhập thì cấp. Hết thời hạn 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng chẳng hạn mà DN không chịu nhập thì hủy quota. Cơ chế để DN được cấp quota nên theo kiểu “bỏ thầu”. Hết hạn mà “anh” không chịu nhập thì cũng phải chịu trách nhiệm gì đó, chẳng hạn như bị phạt chứ không thể “phủi tay” như hiện nay. Theo tôi, cách quản lí XNK đường cũng phải giống như lúa gạo. Nhà nước phải nắm quyền điều hành giá cả và lượng đường NK. DNNK chỉ nên được hỗ trợ vốn, lãi suất vốn vay, thuế, phí vận chuyển nhập khẩu. Trung Quốc áp dụng cách làm này trừ lâu rồi.  

Trong cuộc họp các thành viên Hiệp hội Mía đường vào tháng 3/2010 này, tôi sẽ có ý kiến quyết liệt để lập tức thay đổi phương thức cấp quota. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.